Đầu ra và đầu vào bị thu hẹp khiến không ít thành viên của các HTX đang phải tìm mọi cách để xoay xở.
Thu hẹp đầu ra, khó khăn đầu vào
Tập trung vào mô hình nuôi gà, vịt biển, vịt truyền thống, HTX Chăn nuôi tổng hợp xã Đông Xuyên (Tiền Hải) hình thành giúp các thành viên có thể hỗ trợ nhau trong sản xuất. Với vai trò “bà đỡ”, HTX đứng ra hỗ trợ các dịch vụ giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và liên kết bao tiêu đầu ra.
Năm 2019, HTX xuất ra thị trường khoảng 1 vạn con vịt biển với giá ổn định 42-43 nghìn đồng/kg. Thị trường đầu ra của HTX chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Tuy nhiên, từ sau Tết, dịch bệnh kéo dài khiến các nhà hàng, quán ăn đóng cửa, đầu ra với số lượng 2 vạn con gia cầm của HTX gặp không ít khó khăn.
Theo các thành viên, trung bình 500 con vịt hoặc gà mỗi ngày sẽ tốn 2,5 triệu đồng tiền thức ăn, chưa kể công nuôi. Gia cầm đến thời kỳ xuất mà không bán thì bị giảm về chất lượng.
Để giải quyết tình trạng trên, HTX Đông Xuyên đã đứng ra "giải cứu" giúp các thành viên 1 vạn con gà, vịt nhưng do giá xuống thấp, chỉ còn 25-28 nghìn đồng/kg nên hầu như người chăn nuôi không có lãi.
Hiện, để cải thiện tình hình, một số thành viên vẫn duy trì bán lẻ thông qua mạng xã hội. Việc này sẽ kéo dài thời gian sản xuất, việc tái đàn cũng sẽ bị chậm theo.
Vịt biển là một trong những đối tượng nuôi chính của HTX Đông Xuyên (Ảnh: TL) |
Tại HTX nông nghiệp Đại Đồng (Thái Thụy), thời gian qua, HTX đã hướng người dân đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, mở rộng đầu ra.
Không chỉ nuôi tôm sú, HTX còn hỗ trợ thành viên đa dạng vật nuôi, mở rộng sang nuôi cá rô, cá diêu hồng, hồng mỹ, cá chẽm, cua, vẹm xanh, rong câu để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích.
Tuy nhiên, dịch bệnh đang tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX. Cụ thể là đầu ra hạn hẹp đi đôi với giá thủy hải sản xuống thấp khiến thành viên hết sức lo lắng.
Theo các thành viên, giá cá song chỉ còn 200 nghìn đồng/kg, tôm thương phẩm chỉ còn 150-160 nghìn đồng/kg, cá vược dưới 60 nghìn đồng/kg.
Tuy giá xuống thấp hơn khoảng 50% so với năm ngoái, nhưng các đại lý đăng ký thu mua với HTX cũng hoãn vì không có người tiêu thụ. Nhiều thành viên trong HTX phải lưu đông sản phẩm để bán dần.
Không chỉ khó khăn về đầu ra, hiện nay, một số diện tích nuôi trồng của HTX Đại Đồng phải xuống giống vụ tiếp theo nhưng nguồn giống cũng khó khăn vì chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Tương tự, ông Phạm Duy Nghị, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh nuôi trồng Hải Châu (Tiền Hải) cho biết: Thành viên của HTX đã chuẩn bị tốt các điều kiện chuẩn bị xuống giống thủy sản trên diện tích 130ha ao, đầm. Tuy nhiên, hiện HTX gặp khó khăn trong nguồn tôm giống để nuôi thả. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 nên các chuyến bay từ miền Nam ra miền Bắc giảm, mà nguồn tôm giống phụ thuộc 90% vào thị trường các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông như xe khách liên tỉnh ngừng hoạt động khiến khâu vận chuyển gặp khó khăn.
Tháo gỡ khó khăn
Thái Bình hiện có 437 HTX, trong đó có 327 HTX nông nghiệp, thủy sản, 85 HTX tín dụng (Quỹ tín dụng nhân dân), 25 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải xây dựng, 172 tổ hợp tác và 1 liên hiệp HTX.
Nếu các HTX chuyên trồng lúa, rau màu ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì các HTX chuyên về mảng nuôi trồng hải sản, chăn nuôi gia cầm lại chịu tác động không hề nhỏ.
Có thể nói, các HTX gặp khó khăn trong đợt dịch Covid-19 là điều khó tránh khỏi. Một số HTX do mới thành lập như HTX Đông Xuyên nên chưa liên kết được với doanh nghiệp, dễ bị động khi thị trường thay đổi, nhất là trong thời điểm dịch bệnh kéo dài.
Dù gặp khó khăn nhưng mô hình nuôi trồng hải sản của một số HTX ở Thái Bình vẫn được đánh giá là có tiềm năng (Ảnh: TL) |
Theo các thành viên HTX Đông Xuyên, tự tìm đầu ra qua hình thức bán lẻ thông qua trang mạng xã hội là cách duy nhất HTX đang làm lúc này. Nếu người tiêu dùng yêu cầu làm sẵn, HTX lấy công 10 nghìn đồng/con vịt; trung bình một ngày, mỗi thành viên bán khoảng 30-100 con.
Nếu bán như vậy, thời gian kết thúc đàn sẽ kéo dài thêm ít nhất 1-2 tháng, nhưng HTX buộc phải làm vậy vì càng để lâu, chi phí phát sinh càng lớn, trong khi giá thịt gia cầm càng ngày càng xuống.
“HTX mong muốn nhận được sự hỗ trợ của địa phương, cơ quan nhà nước và người tiêu dùng để có thể tiếp tục đầu tư cho sản xuất, đặc biệt là có thể liên kết với doanh nghiệp để có hướng đi bền vững hơn”-ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc HTX cho biết.
Còn theo Giám đốc HTX Hải Châu - ông Nguyễn Duy Nghị, hy vong dịch bệnh sớm kết thúc để các thành viên HTX đi vào hoạt động ổn định, vì HTX cũng khó khăn do thiếu các vật tư phục vụ sản xuất như hóa chất, chế phẩm vi sinh, thức ăn… do giá thành lên cao.
Theo Liên minh HTX tỉnh Thái Bình, nuôi trồng hải sản và chăn nuôi là những ngành tiềm năng trên địa bàn và vẫn có cơ hội phát triển. Đặc biệt các HTX, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản nước ngọt vẫn không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh vì khả năng tiêu thụ nội tỉnh lớn.
Liên minh HTX tỉnh đang đề xuất các cơ quan chức năng hỗ trợ tín dụng cho những HTX gặp khó khăn, đồng thời cùng địa phương lên kế hoạch tái cấu trúc sản xuất một cách hợp lý nhằm hỗ trợ HTX vượt qua giai đoạn dịch bệnh này…
Huyền Trang