Mục tiêu của xã Tân Lập là từ nay đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thiện những tiêu chí còn lại trong bộ tiêu chí xã xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, thời điểm này, không chỉ các cấp chính quyền mà người dân đều cùng đồng lòng, đồng sức để hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Đồng lòng từ liên kết
Nhận thấy lợi thế về điều kiện tự nhiên, ngoài sản xuất cây chè, những năm gần đây, Tân Lập còn phát triển diện tích cây rau màu theo hướng an toàn nhằm nâng cao thu nhập của người dân cũng như thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển.
Điểm nổi bật là các hộ dân đã liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo hiệu quả trong sản xuất. Hiện, trên địa bàn xã có 3 HTX và 4 tổ hợp tác rau an toàn hoạt động tương đối hiệu quả.
Những mô hình liên kết sản xuất rau màu theo chuỗi giá trị ở Tân lập được đánh giá cao (Ảnh: TL) |
Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Hoàng Hải (tiểu khu 34) được thành lập đầu tiên ở xã vào năm 2016. Đến nay, HTX Hoàng Hải có 7 thành viên với tổng diện tích đất canh tác 40 ha trồng rau, củ an toàn.
Điều thuận lợi là HTX đã kết nối được với doanh nghiệp là Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) để hỗ trợ người dân sản xuất theo chuỗi giá trị.
Hiện, các hộ thành viên đang tích cực áp dụng kỹ thuật VietGAP để trồng các loại rau trái vụ quanh năm nên tiêu thụ thuận lợi, giá trị kinh tế cao.
Anh Nguyễn Văn Hải, Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Hải, cho biết: Các loại rau, củ trồng tại xã Tân Lập có chất lượng tốt nhờ điều kiện về đất đai, khí hậu thích hợp. Sản lượng rau an toàn của HTX đạt trên 2.000 tấn/năm, chuyên cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, trường học, cửa hàng tại Hà Nội. Năm 2019, doanh thu của HTX đạt trên 10 tỷ đồng.
Trong quá trình liên kết, Vin Eco hỗ trợ HTX 10 bàn sơ chế, đóng gói sản phẩm; cấp miễn phí toàn bộ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, 60 sọt đựng hàng, 5 kệ đỡ hàng. Đồng thời, duy trì thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo tại vườn để chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho các thành viên HTX. Công ty cử chuyên gia kỹ thuật thường xuyên có mặt tại HTX để chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho các hộ; giám sát quá trình sản xuất, kiểm tra sản phẩm trước khi xuất bán.
Với mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, sản phẩm của HTX Hoàng Hải luôn cao hơn khoảng 1-2 nghìn đồng/kg so với rau sản xuất thông thường. Bình quân mỗi ha thu lãi khoảng 400-500 triệu đồng. Nhiều hộ thành viên vươn lên làm giàu, như: gia đình ông Lê Quý Viễn trồng 1,5 ha; bà Hoàng Thị Hảo trồng 2 ha…
Đối với HTX rau an toàn Mộc Vân, các thành viên đang sản xuất trên 15 ha tại xã Tân Lập. Tham gia HTX, các thành viên được hướng dẫn trực tiếp về kỹ thuật trồng, chăm sóc rau theo quy trình VietGAP và được bao tiêu sản phẩm đầu ra. Hiện tại, HTX đang phát triển thêm 7 ha rau an toàn tại bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu) và khảo sát thêm địa điểm trồng tại một số nơi tại huyện Vân Hồ.
Nền tảng vững chắc
Ngoài tham gia các HTX, dưới sự hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ, các hộ dân ở các bản liền kề còn liên kết thành các tổ hợp tác sản xuất rau an toàn.
Đây cũng là hình thức liên kết sản xuất nhưng với quy mô nhỏ hơn để kết nối các thành viên với nhau thành tổ chức, trồng rau theo quy trình kỹ thuật chung, có định hướng cụ thể. Đó cũng là bước giúp người dân từng bước sản xuất theo hướng hiện đại.
Tân Lập hiện nay duy trì 4 tổ hợp tác chuyên trồng rau ở các bản: Co Phay, Tà Phình, Hoa, Dọi. Mỗi tổ hợp tác có 5-7 hộ thành viên. Với hình thức sản này, mô hình sản xuất vẫn tuân theo quy định cụ thể: có tổ chức đứng lên đại diện, có thể đảm bảo về quyền lợi người dân khi tham gia và được đảm bảo về đầu ra ổn định cho các sản phẩm mà người dân sản xuất.
Xã Tân Lập đang đến gần hơn với đích nông thôn mới nhờ chú trọng phát triển HTX, tổ hợp tác (Ảnh: TL) |
Thông qua các mô hình kinh tế tập thể mà tiêu biểu là các HTX, tổ hợp tác đã giúp liên kết nông dân với nông dân cùng phát triển sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực của thị trường, nâng giá trị gia tăng hàng hóa.
Việc làm này giúp xã Tân Lập hình thành vùng sản xuất rau màu tập trung theo hướng VietGAP, góp phần đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, đồng thời tận dụng được điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, chính quyền xã tích cực liên kết với các tổ chức đoàn thể và các dự án để phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về liên kết, hợp tác, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, kinh tế tập thể giúp người dân nâng cao kiến thức sản xuất. Nhiều HTX, tổ hợp tác còn được tạo điều kiện để vay vốn từ các chương trình như nông thôn mới, dự án giảm nghèo, phát triển kinh tế…
Qua đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, mở rộng sản xuất, phát triển sản xuất kinh doanh, tham gia HTX, tổ hợp tác góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững.
Có thể nói, đẩy mạnh liên kết sản xuất là một trong những bước đi hiệu quả trên địa bàn xã Tân Lập. Nhờ đó mà người dân hiểu hơn về mô hình kinh tế tập thể và lựa chọn đó làm hướng đi trong phát triển kinh tế xã hội. Hy vọng rằng với làn gió mới từ các HTX, tổ hợp tác, Tân Lập sẽ đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020 theo đúng lộ trình đã đề ra.
Như Yến