HTX đang phát triển mạnh nhờ liên kết "4 nhà" (Ảnh Tư liệu) |
Hiệu quả của liên kết
HTX Gò Gòn chính thức triển khai thực hiện cánh đồng lớn từ năm 2013. Đúng với vị thế của một đơn vị kinh tế hợp tác hàng đầu của tỉnh, HTX đang xây dựng thành công chuỗi giá trị sản xuất với mô hình liên kết “4 nhà” (nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước) vô cùng hiệu quả.
Ông Trương Hữu Trí – Giám đốc HTX Gò Gòn, cho hay trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được doanh nghiệp hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, cuối vụ cân lúa khấu trừ không tính lãi.
Đầu ra hạt lúa được HTX và doanh nghiệp bao tiêu, thu mua với cao hơn giá thị trường 100 - 300 đồng/kg. Sản xuất lúa trên cánh đồng lớn đã và đang giúp đời sống của thành viên, hộ liên kết của HTX liên tục được nâng lên.
“Liên kết với doanh nghiệp giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, chú trọng kỹ thuật, chất lượng, tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn lao động (ATLĐ), vệ sinh thực phẩm… tạo ra lợi ích toàn diện về kinh tế, sức khỏe”, ông Trí nhấn mạnh.
Với tôn chỉ hoạt động rõ ràng, HTX được sự hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan chức năng. Điển hình, tham gia sản xuất trên cánh đồng lớn, thành viên HTX được Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí giống và vật tư nông nghiệp. HTX cũng được Sở NN&PTNT hỗ trợ xây dựng kho bãi, lò sấy, máy gặt đập liên hợp…
Hàng năm, HTX được tạo điều kiện tham gia nhiều khóa tập huấn kỹ thuật, nâng cao trình độ canh tác, nhận được sự tư vấn kịp thời từ đội ngũ cán bộ nông nghiệp địa phương, các nhà khoa học, đặc biệt là khi mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ.
Thành viên HTX hưởng lợi kép về kinh tế và ATLĐ (Ảnh TL) |
Nông dân bứt lên
Xuất phát điểm xây dựng cánh đồng lớn với chỉ 20 hộ tham gia, đến nay, HTX Gò Gòn đã có hàng trăm ha lúa được công nhận VietGAP, hữu cơ, với gần 200 hộ tham gia. Chuỗi giá trị hạt gạo của HTX ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm, hợp tác.
Để có được những thành công trên, suốt nhiều năm qua, HTX đã đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, siết chặt các quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm để tạo ra những sản phẩm chất lượng, giàu sức cạnh tranh.
Sản xuất trên cánh đồng lớn rộng hơn 12 ha, ông Nguyễn Văn Ngưu – thành viên HTX Gò Gòn chia sẻ trong hơn 6 năm tham gia sản xuất lớn, các thành viên được hưởng nhiều lợi ích từ các khâu kỹ thuật, làm đất, thu hoạch và sau thu hoạch do HTX làm dịch vụ.
“Chúng tôi được hướng dẫn quy tắc “1 phải, 6 giảm” cùng các quy định nghiêm ngặt về ATLĐ. Như khi sử dụng máy móc, bên cạnh nắm vững kỹ thuật, người sử dụng phải đảm bảo sức khỏe, được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ, để vừa đảm bảo hiệu quả công việc, vừa đảm bảo an toàn”, ông Ngưu nói.
Hàng năm, các thành viên HTX cũng được tham gia tập huấn về ATLĐ, tham gia các mô hình trình diễn máy móc để nâng cao trình độ, nâng cao khả năng ứng biến với những tình huống nguy hiểm khi canh tác, vận hành máy móc. Các đợt kiểm tra sức khỏe được HTX tổ chức định kỳ cho nông dân.
Không chỉ hoạt động độc lập, năm 2017, HTX Gò Gòn cùng 3 HTX khác trên địa bàn (HTX Hưng Thuận, HTX Hưng Phát, HTX Thành Phát) đã liên kết thành lập Liên hiệp HTX Tân Hưng.
Sự liên kết giúp các HTX nâng cao nội lực, trở thành điểm tựa vững chắc cho thành viên, hộ liên kết phát triển sản xuất, bứt lên làm giàu.
Hưng Nguyên