Nhiều mô hình hiệu quả
HTX nông nghiệp Phú Hồ (thôn Trung An, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang) đã ứng dụng có hiệu quả mô hình chuỗi giá trị với diện tích 150ha lúa chất lượng cao. Theo đó, HTX liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hộ thành viên, đồng thời cung ứng nguồn giống cho CTCP Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh trên 500 tấn giống.
Ông Đặng Khắc Cấu, Giám đốc HTX Phú Hồ cho biết, để hỗ trợ cho mô hình chuỗi giá trị, ngoài việc đầu tư kinh phí mua sắm máy móc, nhà xưởng, kho bãi, HTX còn đầu tư trên 1 tỷ đồng mua sắm ô tô vận chuyển lúa, xây dựng nhà xưởng, sân kho. Bên cạnh đó, HTX còn triển khai dịch vụ làm đất, thủy lợi, bảo vệ thực vật, cánh đồng mẫu, thành lập hệ thống quầy kinh doanh vật tư nông nghiệp di động ở các trục đường ra ruộng tại 10 cụm sản xuất với phương châm “mua tại đầu mối, bán tận hộ thành viên” nhằm giảm chi phí, giá cả cạnh tranh. HTX đã đưa vật tư đến tận nhà cho các hộ thành viên với giá rẻ hơn thị trường 5%; cho mua nợ không tính lãi trong thời gian nhất định hoặc đến cuối vụ thanh toán với lãi suất thấp.
“Cánh đồng mẫu là sự lựa chọn phù hợp của HTX trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Sản xuất cánh đồng mẫu thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, như năng suất lúa đạt cao từ 60 - 65 tạ/ha, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đưa giống mới chất lượng vào gieo cấy...”, ông Cấu chia sẻ.
Huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) đã và đang phát triển sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn (Ảnh: TL) |
HTX nông nghiệp Phú Lương 2 và Phú Lương 3 (xã Phú Lương, huyện Phú Vang) cũng là những HTX đã mạnh dạn đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất, tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất an toàn theo chuẩn VietGAP. Không dùng các loại thuốc trừ sâu, phân bón, hóa chất độc hại, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học, đảm bảo các yếu tố an toàn lao động, bảo vệ môi trường trên diện tích hơn 700ha lúa/vụ đã và đang được HTX triển khai thực hiện. Ngoài cung cấp lúa gạo cho thị trường, HTX còn bán giống lúa cho CTCP Giống cây trồng và vật nuôi tỉnh với khối lượng hàng trăm tấn mỗi năm, đem lại lợi ích hàng trăn triệu đồng cho các thành viên và HTX.
Để có được kết quả này, Giám đốc HTX Phú Lương 3, ông Lê Thẻo cho biết: “HTX đã liên kết với hàng trăm hộ dân để cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ kỹ thuật chăm bón, bao tiêu nông sản để người dân thay đổi phương thức canh tác phù hợp, đáp ứng yêu cầu thị trường, từ đó mới phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, đưa giống mới chất lượng vào gieo cấy và liên kết bao tiêu sản phẩm là lựa chọn phù hợp với thực tiễn nhất hiện nay. Đối với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu nông sản, HTX đã kỹ kết ngay từ đầu năm để đảm bảo việc tiêu thụ được ổn định, tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa đã từng xảy ra đối với sản xuất nông nghiệp”.
Thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản phẩm
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Trần Lưu Quốc Doãn cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 201 HTX nông nghiệp, 115 tổ hợp tác (THT), liên đoàn, nghiệp đoàn hỗ trợ nhau trong sản xuất, trong đó có 15 THT đăng ký hoạt động theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP. Các HTX, THT hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả gắn với thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, đã có nhiều HTX nông nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn và theo hướng gia tăng giá trị. Các HTX đã cử cán bộ đi tham gia học tập các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; học tập và nghiên cứu sâu về kiến thức nông - lâm nghiệp... phục vụ cho việc đổi mới mô hình hoạt động của HTX cũng như phục vụ tốt hơn nhu cầu của thành viên.
Gạo hữu cơ Phong Điền được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn (Ảnh: TL) |
Nhiều HTX đã chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; liên kết giữa các hộ sản xuất, đảm bảo cung ứng vật tư, nguyên liệu, kỹ thuật, chất lượng nông sản và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
“Năm 2019, Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ 2 mô hình tại HTX nông nghiệp An Lỗ với sản phẩm “gạo hữu cơ Phong Điền” đang hoàn chính các thủ tục giải ngân vốn hỗ trợ và hỗ trợ HTX Dệt Zèng (xã Nhâm, huyện A Lưới) hoàn chỉnh thủ tục tiếp nhận dàn máy may nâng cao năng lực sản xuất của HTX. Liên minh HTX tỉnh cũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá và hướng dẫn 10 mô hình tại các HTX để triển khai xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trong thời gian tới”, ông Trần Lưu Quốc Doãn cho biết.
Phạm Duy