Sau gần 5 năm đi vào hoạt động, dưới sự chèo lái của Giám đốc Lê Văn Tám, HTX Sông Hồng đã có sự phát triển vượt bậc, mỗi ngày sản xuất được gần 50.000 ống hút ECOS; 10 tấn dưa vàng Kim Hồng Ngọc..., đảm bảo nguồn thu ổn định cho 10 thành viên và người lao động địa phương.
Mô hình khép kín từ A-Z
Khởi đầu với 300m2 nhà xưởng, HTX Sông Hồng đầu tư đồng bộ dây chuyền thiết bị sản xuất các sản phẩm nhựa, trong đó chủ yếu là mạ khay máy cấy đáp ứng cơ giới hóa cho nhiều HTX khác trong và ngoài huyện Đông Anh.
Mô hình chế biến rau, củ thành ống hút công nghệ cao tại HTX Sông Hồng |
Ngoài ra, HTX còn liên kết với Công ty Máy nông nghiệp Kubota (thuộc Bộ NN&PTNT) mở rộng cung ứng mạ khay, dịch vụ cơ giới hóa gieo cấy lúa cho các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Theo đánh giá của Ban lãnh đạo HTX, gieo mạ khay khắc phục được ảnh hưởng thời tiết, chủ động thời vụ, dễ chăm sóc và vận chuyển, chất lượng mạ tốt hơn (mạ đồng đều, cứng cây đanh dảnh), rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa.
Đặc biệt, sử dụng mạ khay để cấy máy còn giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất: tiết kiệm được giống, ít tốn nhân công (công lấy bùn, làm đất gieo mạ, nhổ mạ đem đi cấy, công vận chuyển mạ và công cấy). Mỗi sào cấy lúa bằng máy, người nông dân giảm chi phí từ 100.000 – 150.000 đồng so với gieo cấy bằng phương pháp thủ công.
Không ngừng năng động, năm 2016, HTX Sông Hồng bắt đầu triển khai khu nhà màng công nghệ cao trồng rau, củ an toàn đầu tiên. Sau đó, từng bước đầu tư, đến nay, HTX đã có 6 khung nhà phủ màng Israel trên diện tích 1.515m2 lưới chắn che côn trùng che kín xung quanh, cửa đẩy ra vào tiện lợi kiểu Hàn Quốc...
Giám đốc Lê Văn Tám kể lại: Ý tưởng sản xuất ống hút rau, củ ECOS xuất phát từ thực trạng xã hội dùng quá nhiều đồ nhựa sử dụng một lần. Đáng báo động nhất là ở các khu du lịch ven biển hiện nay, công tác thu gom rác thải nhựa thường bỏ sót các loại ống hút nhựa, hay bị lẩn khuất trong cát tạo ra một khối lượng khổng lồ, hàng trăm năm chưa thể phân hủy hết, gây hại đến môi trường.
Nhận thấy nhu cầu sử dụng ống hút thân thiện môi trường ở trong nước và quốc tế ngày càng cao, HTX Sông Hồng đã bắt tay vào nghiên cứu và đầu tư dây chuyền sản xuất.
Cho dù khá am hiểu về quy trình công nghệ thiết bị, và cũng trải nghiệm sản xuất các loại bún, bánh phở rau củ..., nhưng cả lãnh đạo và đội ngũ chuyên gia của HTX phải trải qua hàng trăm lần thử nghiệm với nhiều thất bại mới cho ra thành phẩm ưng ý và đảm bảo đầy đủ tiêu chí chất lượng.
“Hơn 90 ngày ăn ngủ tại xưởng, phối trộn nguyên liệu, thay đổi máy móc cho phù hợp, phải bỏ đi 30 tấn bị lỗi. Sau hàng trăm lần thử nghiệm, những chiếc ống hút ECOS đầu tiên đã được xuất xưởng...”, anh Tám nhớ lại.
Ống hút thực phẩm ECOS hiện đang có mặt trên thị trường Việt Nam, đặc biệt đã có mặt trên kệ của một số siêu thị ở Hàn Quốc và Đức với đa dạng chủng loại sản phẩm (VS10, VS12, VS20, VS22,..) đóng hộp 30 - 120 ống/hộp có giá bán trên thị trường từ 200 - 500 đồng/ống hút.
Sản phẩm có đủ các kích thước khác nhau, đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng từ trà sữa trân châu, cà phê, sinh tố, ống hút cho bé,... Đặc biệt, ống hút có nhiều màu sắc, được làm từ 100% hoa đậu biếc, củ dền, hạt cà phê, cà rốt baby...
Việc sản xuất ống hút từ rau củ quả đã giúp HTX giải quyết đầu ra nông sản, hơn nữa được người tiêu dùng đánh giá cao bởi tính độc đáo của sản phẩm “Made in Vietnam”, thân thiện với môi trường.
Theo anh Tám, để đạt được thành tựu ấn tượng này, trước hết phải kể đến sự đồng tâm hiệp lực của các thành viên trong HTX, luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP. Đồng thời, HTX ưu tiên chăm bón rau, củ bằng phân hữu cơ, vi sinh, đảm bảo cách ly trước thu hoạch...
Mong được hỗ trợ để vượt khó khăn
Tuy là một trong những HTX kiểu mới ứng dụng công nghệ cao điển hình ở Thủ đô, nhưng HTX nông nghiệp Sông Hồng cũng gặp không ít khó khăn. Từ đầu năm 2020, chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất HTX bị đình trệ, “đóng băng” toàn bộ thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là mặt hàng rau, củ, quả an toàn và ống hút thực phẩm ECOS.
Sản phẩm ống hút rau, củ đạt chuẩn OCOP 5 sao của HTX đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới |
Nếu như trước đây, mỗi ngày xuất bán được 50.000 ống hút ECOS, bảo đảm việc làm cho 15 lao động thường xuyên, hiện HTX chỉ duy trì hoạt động cầm chừng. Trong đó, tổng các đơn hàng bị hủy xuất khẩu đi Hàn Quốc lên tới 7 triệu ống hút ECOS, gây thiệt hại doanh thu 2 - 3 tỷ đồng…
Đặc biệt, HTX đang phải đối mặt với vấn đề mặt bằng nhà xưởng, xuất phát từ những vướng mắc ở đường mương tiêu thoát nước của xứ đồng Cống Một Lỗ.
Giám đốc Lê Văn Tám cho biết: Năm qua, UBND xã Đại Mạch có thông báo chỉ đạo của huyện Đông Anh, yêu cầu HTX tháo dỡ công trình xây dựng tại thửa đất Cống Một Lỗ, thuộc địa bàn thôn Mạch Lũng của xã Đại Mạch.
Trên thực tế, Cống Một Lỗ vốn là đất thùng đấu, bỏ hoang hóa ở ven đê tả ngạn sông Hồng. Từ ngày thành lập đến nay, khu đất này là trụ sở, nhà xưởng, kho ủ phân vi sinh, nhà màng công nghệ cao trồng rau, củ, quả an toàn của HTX. Hơn nữa, thời gian qua, HTX luôn kết hợp việc cải tạo, tổ chức sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo đời sống người dân xung quanh, hoàn thành nghĩa vụ thuế đầy đủ...
“Đây là lần tháo dỡ nhà xưởng thứ hai trong vòng 3 năm gần đây, gây bất ổn lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, làm thiệt hại đáng kể tài sản cố định và vốn liếng đầu tư thiết bị nhà xưởng của HTX”, anh Tám nói.
“Trước tình hình đó, HTX đã làm đơn kiến nghị, đề xuất với chính quyền tiếp tục tạm giao lại 1.515m2 và giữ nguyên hiện trạng khu xưởng. Đồng thời, HTX mong muốn các cấp, ngành liên quan ở TP. Hà Nội, huyện Đông Anh quan tâm, tháo gỡ và tạo điều kiện hỗ trợ để HTX ổn định hoạt động, yên tâm sản xuất kinh doanh”, Giám đốc Lê Văn Tám bày tỏ.
Tô Thương