Chị Ma Đậm – Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) cho biết: Từ năm 2016, nhiều bà con đã nhận thấy việc áp dụng quy trình chăm sóc phụ thuộc nhiều vào phân, thuốc hóa học gây nên nhiều hệ lụy về sức khỏe lẫn môi trường nên ai cũng muốn trồng rau sạch, bón rau bằng phân chuồng để phục vụ gia đình. May mắn được sự hỗ trợ của tổ chức Caritas Đà Lạt nên nhiều chị em trong thôn cùng nhau sản xuất rau hữu cơ trong THT.
THT trồng rau hữu cơ, thân thiện môi trường
Thông qua những buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ, các buổi tuyên truyền tập huấn, được nghe về tác hại của thuốc trừ sâu, của phân hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng, đã khiến những người nông dân thấy được mối nguy cơ đe dọa sức khỏe đến gia đình và cộng đồng. Vì thế, nhiều người, đặc biệt là các hội viên, phụ nữ đã không ngại đăng ký chuyển từ trồng rau thông thường sang sản xuất hữu cơ với mục đích vừa có sản phẩm đảm bảo an toàn, vừa có điều kiện để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Để bước vào sản xuất hữu cơ, những người phụ nữ trong THT đã cải tạo diện tích dùng để sản xuất rau của gia đình bằng việc rửa trôi chất độc và bổ sung dinh dưỡng để cải tạo đất thông qua việc trồng các giống cây hỗ trợ cho đất nhằm tạo thêm các loài sinh vật trong đất.
Nguồn giống dùng để sản xuất cũng là giống hữu cơ được cung ứng từ vườn ươm và trang trại sản xuất rau hữu cơ Thiên Sinh ở xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương). Đồng thời, THT cũng được kỹ sư của trang trại rau này hỗ trợ về kỹ thuật.
Các hộ dân trồng đủ chủng loại rau, từ cải xanh, dền đỏ, rau húng, quế, ngò, hành, dưa leo cho tới bí đao, bí đỏ, khổ qua, búp su, cà rốt… Toàn bộ quy trình kỹ thuật sản xuất trải qua nhiều công đoạn kiểm tra, giám sát kỹ, trước khi đưa ra tiêu thụ.
Bắt sâu bằng tay là việc làm được các thành viên THT rau hữu cơ Iem Gõh Chu Ru duy trì nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường. |
Việc cung cấp dinh dưỡng cho rau được thay thế bằng phân heo, phân bò trộn với vỏ cà phê, thân cây chuối và rơm rạ và ủ trong thời gian 2-3 tháng. Trường hợp cây bị sâu, bệnh thì diệt trừ bằng cách bắt thủ công hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý.
Với quy trình sản xuất khoa học, THT rau hữu cơ Iem Gõh Chu Ru đã được cấp chứng nhận hữu cơ CFGS. Cũng từ đây, các sản phẩm của Iem Gõh Chu Ru sử dụng nhãn hiệu CFGS trên bao bì đóng gói. Sản phẩm được đóng gói vào các bao giấy, thùng giấy rồi chuyển cho khách hàng. Đây là cách mà THT duy trì với mục đích giảm rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường. Các sản phẩm rau được thu hoạch vào thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần, sau đó được chuyển đến phòng sơ chế để đóng gói và đưa ra thị trường.
Tự tin phát triển sản xuất
Hiện nay, sản phẩm của Iem Gõh Chu Ru đã được thị trường đón nhận. Một lượng lớn nông sản sạch đã được một công ty đóng ở TP Hồ Chí Minh bao tiêu và hàng trăm mối khách hàng gồm cá nhân, tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt tiêu thụ. Trung bình, mỗi tháng, Iem Gõh Chu Ru cung cấp cho thị trường từ 1,2-1,5 tấn rau các loại với giá từ 20.000-35.000 đồng/kg. Hoạt động của Iem Gõh Churu ổn định, mang lại nguồn thu nhập cho người dân.
Vườn rau của THT ngoài góp phần phát triển nông nghiệp hữu cơ còn là điểm tham quan du lịch và là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, du lịch trải nghiệm cho các tổ chức, cá nhân muốn tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ, trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái mới của Đơn Dương nói riêng và Lâm Đồng nói chung.
THT thu hút được đông đảo chị em phụ nữ là đồng bào dân tộc Chu Ru tham gia sản xuất. |
Thôn Ma Đanh nằm ở khu vực có khí hậu trong sạch, mát mẻ quanh năm. Do đó, vùng này có nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng thực hiện các trang trại chăn nuôi, trồng trọt Organic nên hình thành vùng rộng lớn lên đến cả trăm ha. Đó là điều kiện thuận lợi để các thành viên tin tưởng vào mô hình sản xuất rau hữu cơ.
Cùng với việc quảng bá sản phẩm ra thị trường, các hộ trồng rau còn giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện như "Ngày hội phụ nữ sáng tạo, bảo vệ môi trường" do Hội LHPN huyện, tỉnh tổ chức, tham gia chợ phiên hay lễ hội, tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm tại các trường học nhằm đưa rau hữu cơ đến gần hơn với người tiêu dùng và lan toản phong trào sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường.
Hiện, THT đang tiếp tục mở rộng mô hình và hướng đến khuyến khích các bạn trẻ tham gia. “Đây sẽ là điều kiện để THT ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất theo hướng công nghệ cao từ đó giúp việc trồng rau theo hướng hữu cơ đơn giản hơn nhưng giá trị tăng gấp nhiều lần”, Tổ trưởng Ma Đậm nói.
Huyền Trang