Nâng cao vị thế của HTX làng nghề
Năm 1959, HTX Gốm Quyết Thành (Làng Gốm Quyết Thành, xóm 11, thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, Hà Nam) được thành lập. Đây là làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời với sản phẩm đặc trưng là gốm son. Sau khi được thụ hưởng từ Đề án hỗ trợ phát triển các làng nghề của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hà Nam, làng nghề gốm Quyết Thành dần được khôi phục và phát triển ổn định.
Ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc HTX Gốm Quyết Thành cho biết, làng nghề gốm Quyết Thành đã ngày một phát triển bền vững hơn sau khi được các cơ quan chức năng hỗ trợ để thay đổi hệ thống dây chuyền lò nung đốt sản phẩm bằng khí gas.
Gốm của HTX Quyết Thành đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu sản phẩm (Ảnh: TL) |
Theo đó, lò nung công nghệ mới có nhiều ưu điểm so với lò nung truyền thống như: đốt được nhiều sản phẩm phức tạp, tỷ lệ thành công trên 95%, giảm sức lao động và ô nhiễm môi trường… Sản phẩm tạo ra đẹp hơn, tốt hơn và đa dạng mẫu mã theo yêu cầu của thị trường. Hiện nay, sản phẩm gốm của HTX Quyết Thành không chỉ được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước mà đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như: Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc), Mỹ…
Ông Lê Quang Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam có 24 HTX phi nông nghiệp, trong đó có 10 HTX làng nghề tiểu thủ công nghiệp trong tổng số 163 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp và làng có nghề được công nhận. Nhiều năm qua, sự phát triển của các làng nghề tại Hà Nam, trong đó có các HTX làng nghề đã giúp đời sống, thu nhập của người dân được cải thiện, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Sự phát triển của làng nghề đã góp phần không nhỏ đến các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
“Trong thời gian tới, để các làng nghề tại Hà Nam tiếp tục phát triển, Liên minh HTX tỉnh Hà Nam đã đề nghị với các sở, ngành và UBND tỉnh có nhiều giải pháp thúc đẩy, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, mở ra những hướng đi mới cho việc duy trì, phát triển các HTX làng nghề đang tồn tại và khôi phục các làng nghề đã bị mai một. Cùng với đó, sẽ triển khai hiệu quả các đề án hỗ trợ và phát triển nghề sản xuất gắn với du lịch, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển làng nghề gắn với nông thôn mới, giúp các làng nghề được tiếp cận với máy móc, thiết bị tiên tiến, công nghệ mới nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…”, ông Vọng thông tin.
Thích ứng với cơ chế thị trường
Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nam cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Đề án phát triển làng nghề giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, hoạt động của các làng nghề đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã có 163 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp và làng có nghề được công nhận, trong đó có 35 làng nghề truyền thống, 30 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 98 làng có nghề, thu hút gần 12.000 lao động làm việc với mức lương trung bình 3,3 triệu đồng/người/tháng.
Phơi gốm là công đoạn quan trọng trước khi được đưa vào lò nung (Ảnh: TL) |
Để làng nghề phát triển bền vững, trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ củng cố và phát triển làng nghề truyền thống, du nhập các nghề mới có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh tăng trưởng, giá trị sản xuất, nâng thu nhập bình quân lao động của làng nghề phấn đấu đạt 1,5 lần tiêu chí thu nhập xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Hà Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; tập trung xử lý ô nhiễm môi trường của các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: dệt Nha Xá, trống Đọi Tam, dũa Đại Phu...
Nghệ nhân làng nghề trống Đọi Tam đang thực hiện công đoạn cuối cùng để ra trống thành phẩm (Ảnh: TL) |
“Ngoài ra, hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề tiếp cận với công nghệ tiên tiến, xúc tiến đầu tư và bao tiêu sản phẩm; khuyến khích phát triển làng đa nghề, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các ngành nghề hướng đến khai thác lợi thế lao động và nguyên liệu tại địa phương; khuyến khích lao động chuyên sâu một nghề và biết nhiều nghề, thích ứng được tác động của cơ chế thị trường, mạnh dạn đầu tư phát triển nghề”, ông Đặng Anh Tuấn nói.
Hà Nam