Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, nhưng hiện nay chỉ có 223 HTX trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Số lượng không nhiều nhưng các HTX đã đóng vai trò tích cực trong việc duy trì, phát triển làng nghề, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động.
Vừa giữ nghề, vừa làm kinh tế
Trước đây, nhiều hộ gia đình tại các làng nghề thường có tâm lý giữ nghề, truyền nghề riêng cho người trong gia đình, dòng họ để tránh bị “mất nghề”, nhưng nay quan niệm đã thay đổi. Họ đã chủ động truyền nghề lại cho thế hệ trẻ nhằm giúp làng nghề tránh mai một và ngày càng phát triển hơn.
Đơn cử như làng nghề dát quỳ vàng ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, với mong muốn phát triển làng nghề, HTX Công nghiệp Quỳ vàng Kiêu Kỵ đã cùng với Sở Công thương Hà Nội và Trung tâm khuyến công huyện Gia Lâm tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho lớp trẻ trong làng và một số địa phương lân cận. Các học viên trẻ theo học các lớp học nghề đều được bảo đảm việc làm sau khi học.
Từ nguy cơ mai một nghề truyền thống, đến nay, làng nghề đã có gần 1.000 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 4000.000 - 10.000.000 đồng/người/tháng. Làng nghề cũng nhờ đó ngày càng phát triển, tham gia quá trình sửa sang, xây dựng các công trình, di tích trên mọi miền đất nước.
Tương tự như Kiêu Kỵ, làng nghề nổi tiếng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm) trước đây cũng sản xuất manh mún, không hiệu quả. Sau đó, làng nghề đã tổ chức theo hướng HTX tập trung các thành viên, tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho lớp trẻ.
HTX Công nghiệp Quỳ vàng Kiêu Kỵ đã giữ vững nghề "dát vàng" của người dân Kiêu Kỵ (Ảnh: TL) |
Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết, hiện nay, Bát Tràng có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất - kinh doanh gốm sứ, tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.000 lao động địa phương và hơn 4.000 lao động đến từ các địa phương lân cận. Hằng năm, giá trị sản xuất - thương mại từ gốm sứ đạt hơn 2.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/người/năm...
Tại nhiều làng nghề khác, các HTX đã hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào duy trì và phát triển làng nghề. Như HTX sản xuất mây tre đan xuất khẩu Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), HTX guột mây tre lá Hồng Kỳ (huyện Phú Xuyên)..., hằng năm xuất khẩu hàng chục nghìn sản phẩm mây tre đan sang thị trường các nước châu Á, châu Âu...
Bên cạnh đó, một số đơn vị như HTX Ðồng Tâm (huyện Thanh Trì), HTX công nghiệp Thăng Long (quận Hoàng Mai), HTX công nghiệp Trường Sơn (quận Ðống Ða)... đã huy động vốn đầu tư máy móc, thiết bị kỹ thuật, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Thích ứng xu thế
Không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập, tổ chức HTX với những cách làm bài bản đã khiến các nghệ nhân thay đổi tư duy phát triển nghề truyền thống. Theo đại diện Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề TP Hà Nội, nhờ tham gia HTX, người dân Bát Tràng hiện nay đã biết tận dụng những thế mạnh của mình để giới thiệu rộng rãi sản phẩm ra thị trường.
Ngoài ra, những nghệ nhân trẻ tuổi đã biết kết hợp truyền thống với xu hướng hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng hơn.
Hơn nữa, để tận dụng triệt để những nét đẹp của nghề truyền thống, các HTX làng nghề đã kết hợp sản xuất gắn với du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, đồng thời quảng bá những sản phẩm thủ công tinh xảo của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tham gia vào HTX khiến tư duy sản xuất của người dân Bát Tràng thay đổi |
Điều này đã được chứng minh khi hiện nay đã có hơn 10 làng nghề truyền thống được công nhận nằm trong dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Mới đây, Hà Nội đã công nhận khoảng 15 điểm, khu du lịch cấp thành phố, trong đó có sự góp mặt của khá nhiều làng nghề.
Đáng chú ý, trong bối cảnh phải giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay khiến nguồn thu từ kinh doanh du lịch cũng như xuất nhập khẩu hàng hoá bị giảm sút, nhưng các HTX với tinh thần chủ động, sáng tạo vẫn tiếp tục duy trì sản xuất để sẵn sàng "đứng dậy" sau mùa dịch.
Tại huyện Chương Mỹ, bà con làng nghề mây tre đan Phú Vinh đưa nguyên - vật liệu về gia đình để sản xuất hàng hóa, thay vì làm việc tập trung ở các nhà xưởng như trước.
Theo nghệ nhân Nguyễn Phương Quang, trước khi xảy ra dịch Covid-19, làng nghề Phú Vinh hoạt động sôi động ngày đêm với nhiều đơn hàng phục vụ trong nước, xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu là đồ gia dụng và thủ công mỹ nghệ. Nay, các cơ sở không có đơn hàng mới nhưng phải tìm cách để hoàn thành các đơn hàng trước Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, tranh thủ thời gian cách ly phòng, chống dịch bệnh, bà con cùng các thành viên HTX làng nghề ở Hà Nội như làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng nghiên cứu cách phối liệu, mẫu mã mới, màu sắc, khả năng chịu nhiệt, chịu độ co,... để có thể đưa vào sản xuất sau khi hết dịch.
Bảo Hân