Trong điều kiện biến đổi khí hậu, người dân, HTX lâm nghiệp cũng gặp không ít khó khăn như vốn chủ sở hữu ít, chủ yếu vốn vay từ các tổ chức tín dụng ngắn hạn, trong khi thời gian trồng và thu hoạch rừng thường kéo dài ít nhất 4-5 năm. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất còn ảnh hưởng từ cháy rừng, sét đánh, lũ lụt... Đây luôn là mối đe dọa thường trực đối với người dân, HTX trồng, khai thác rừng.
Rủi ro lớn
Để hạn chế việc này, mua bảo hiểm nông nghiệp là một giải pháp nhằm hạn chế rủi ro cũng như bảo đảm cho công sức lao động của người nông dân. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có một số HTX thành công trong việc mua bảo hiểm cho vật nuôi, nông sản còn lại các HTX lâm nghiệp vẫn chưa thể thực hiện được.
Hoả hoạn là mối đe dọa thường trực đối với người dân, HTX trồng, khai thác rừng. |
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề Hội thảo vai trò của HTX trong thực hiện kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Phạm Thế Quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên cho biết, theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sẽ được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Với diện tích gần 10 nghìn ha rừng gỗ lớn, định hướng sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững cũng như thấy lợi ích của việc tham gia bảo hiểm nên các thành viên HTX Lâm nghiệp Phú Yên quyết định mua bảo hiểm lâm nghiệp.
Tuy nhiên, khi đặt vấn đề mua bảo hiểm, phía doanh nghiệp bán bảo hiểm cho rằng gỗ là đối tượng có giá trị cao, lại sản xuất trên diện tích lớn, một số thiên tai mang tính chất thảm họa, phạm vi, mức độ thiệt hại lớn, ảnh hưởng tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm nên từ chối bán.
"HTX muốn mua nhưng cũng chưa thể thể tiếp cận được loại hình bảo hiểm này", ông Quốc nói.
Còn theo đại diện của HTX nông lâm nghiệp Hiệp Thuận (Quảng Nam), nhờ tích cực tuyên truyền, thành viên đã hiểu ra vai trò của việc mua bảo hiểm cho diện tích rừng trồng của mình. Tuy nhiên, có một khó khăn là các tổ chức sản xuất nông nghiệp đang được hỗ trợ 20% thì mức phí bảo hiểm phải đóng là khoảng 3,6%/năm, trong khi thực tế để trồng rừng, các thành viên đều phải đi vay vốn, mà thời gian thu hoạch kéo dài nên mức hỗ trợ của Nhà nước vẫn quá nhỏ bé.
Tạo nền tảng để phát triển
Trong những năm gần đây, mô hình HTX lâm nghiệp đã được nhiều địa phương quan tâm phát triển. Tiêu biểu, tại Yên Bái, có 30 HTX, tổ hợp tác lâm nghiệp, Bắc Kạn có 17 HTX nông lâm nghiệp, Hà Giang có 10 HTX lâm nghiệp, Thừa Thiên Huế có 15 HTX lâm nghiệp, Phú Yên có 4 HTX. Ngoài ra còn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa... mỗi tỉnh có hàng chục HTX lâm nghiệp hoạt động tương đối hiệu quả.
Để tăng diện tích che phủ rừng lên 5,2% vào cuối năm 2020 theo mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đề ra, đồng thời góp phần đưa sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu thì việc phát triển các HTX lâm nghiệp sản xuất theo chuỗi là việc làm vô cùng cần thiết.
Theo Ts Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam), trồng rừng thường phụ thuộc vào thiên nhiên, do đó cũng cần có bảo hiểm khi rủi ro. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả thực tiễn, ngoài sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp khi nghiên cứu các gói bảo hiểm ở các mức độ khác nhau thì Nhà nước cần xem xét để tăng mức hỗ trợ và giảm lãi suất đối với nông dân, đơn vị liên kết hợp tác sản xuất trồng rừng bền vững khi mua bảo hiểm.
Thực tế hiện nay các HTX lâm nghiệp đã được hưởng một số chính sách về đào tạo nghề, ứng dụng KHKT, vay vốn, tiếp cận Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Ví dụ: Chính sách hỗ trợ thành lập mới, tổ chức lại theo Luật HTX 2012 do nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ 100%, trong khi không ít địa phương chưa cân đối được thì việc HTX tiếp cận được nguồn hỗ trợ là rất khó.
“Chính vì vậy, tạo điều kiện cho các HTX, đặc biệt là HTX sản xuất lâm nghiệp là việc làm cần thiết vì hiệu quả kinh tế, môi trường của mô hình này rất cao”, Ts Nguyễn Mạnh Cường nói .
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng việc tăng mức hỗ trợ mua bảo hiểm có vai trò quan trọng khi khuyến khích người dân, HTX sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ đó thúc đẩy sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tai.
Rõ ràng, muốn đảm bảo được diện tích rừng phát triển bền vững thì ngoài những chính sách hỗ trợ, khuyến khích và tạo điền kiện cho các HTX lâm nghiệp có thể tham gia mua bảo hiểm để yên tâm trồng và bảo vệ rừng là điều vô cùng quan trọng và cũng là mong muốn của đa số các HTX lâm nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Như Yến