Tại Hội thảo “Vai trò của HTX trong thực hiện kế hoạch Quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu”, ngày 12/11 tại Hà Nội, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhận định, khu vực kinh tế hợp tác, HTX với 70% số hộ ở khu vực nông thôn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong kế hoạch ứng phó với khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Tác động lớn tới khu vực HTX
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo |
Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Thảm họa lũ lụt lịch sử đang xảy ra tại miền Trung khiến hơn 200 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất không thể đo đếm được, hay những tác động tiêu cực của đợt hạn mặn khốc liệt ở miền Tây hồi đầu năm là những minh chứng rõ ràng nhất cho câu chuyện này.
Nhưng không phải đến bây giờ câu chuyện này mới được nhắc đến mà trong nhiều năm nay, Liên minh HTX Việt Nam cùng các Bộ, ngành, địa phương đã luôn đặt vấn đề này lên hàng đầu trong việc phát triển khu vực nông nghiệp, HTX...
Thực tế thì trong hơn một thập kỷ qua, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang không ngừng đổi mới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ số, để từ đó có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc dân, đồng thời tham gia vào các hoạt động cộng đồng chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, nông, lâm nghiệp, thủy sản là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu.
"Để giảm thiểu những nguy cơ, tác động tiêu cực, những năm qua các HTX trên địa bàn cả nước đã và đang nhanh chóng hành động, đem lại những giải pháp căn cơ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái", Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nói.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh điều hành các phiên thảo luận tại hội thảo. |
Ông Đỗ Văn Sơ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau đang chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu khi các đợt hạn mặn thường xuyên xảy ra, tình trạng thiếu nước sinh hoạt gây nhiều khó khăn, các nguy cơ hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất ven sông, cháy rừng luôn hiện hữu…
Ông Đỗ Văn Sơ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau |
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các đơn vị hành nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản trên biển đã tích cực tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm phòng tránh thiên tai, địch họa.
Đặc biệt, việc đầu tư cho công nghệ giúp không ít HTX trên địa bàn tỉnh có sản phẩm chế biến sâu và tham gia vào các chuỗi thực phẩm sạch, có mặt trên kệ của siêu thị CoopMart, chợ đầu mối...Đồng thời, mở cánh cửa xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU. Điển hình như HTX cua biển Năm Căn Cà Mau, HTX Kênh Dớn, HTX tôm khô Tân Phát…
"Các HTX nông nghiệp của Cà Mau đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất, chủ động ứng dụng công nghệ cao vào canh tác, nhằm nâng cao giá trị, giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm môi trường", ông Sơ nói.
Còn tại Lào Cai, một tỉnh miền núi, có vị trí địa lý quan trọng, bên cạnh nâng cao hàm lượng khoa học – công nghệ cho các HTX nông nghiệp, tỉnh miền núi này cũng đang tích cực hỗ trợ thành lập các HTX thuộc các lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, vệ sinh môi trường, trồng và bảo vệ rừng…
“Đến tháng 10/2020, toàn tỉnh có 4 HTX phát triển du lịch, 3 HTX dịch vụ vệ sinh môi trường. Các HTX đang tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, đồng thời góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương”, ông Bùi Xuân Thu, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai nói.
Giao thêm quyền quản lý rừng cho HTX
Rõ ràng, không chỉ có các Bộ, ngành chung tay hành động mà ngay bản thân các HTX cũng đang có nhiều hành động tích cực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có ý thức, cho nên để nâng cao vai trò trong bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu phát thải gây hiệu ứng nhà kính, khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn toàn quốc cần những giải pháp tổng thể.
Ông Hoàng Văn Thường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Cao Kỳ |
Ở góc độ của một HTX lâm nghiệp, ông Hoàng Văn Thường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Cao Kỳ (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn), cho rằng thay vì giao việc quản lý rừng cho các đơn vị cộng đồng (thôn, xóm) tại địa phương, các đơn vị quản lý cần cân nhắc giao lại cho các đơn vị HTX.
Vì theo ông Thường: "Ở các địa phương, đặc biệt là ở một tỉnh có diện tích rừng lớn như Bắc Kạn, các HTX là đơn vị trực tiếp phát triển sản xuất, điều này không chỉ giúp bảo vệ mà còn phát triển, mở rộng diện tích rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng".
Việc giao quyền quản lý, phát triển rừng cho HTX cũng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Việc tạo ra giá trị cao, giúp người bảo vệ rừng “sống khỏe”, sẽ làm giảm thiểu tình trạng chặt phá, khai thác bừa bãi vì đói nghèo, nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, tố cáo lâm tặc.
“Việc hỗ trợ, nâng cao vai trò của HTX trong bảo vệ, phát triển rừng rất quan trọng để chống biến đổi khí hậu. Cứ lấy ví dụ như tại HTX Cao Kỳ, nếu 200 thành viên, mỗi thành viên có 5 ha rừng, cả nước đã có thêm hàng nghìn ha rừng, giá trị kinh tế và sinh thái là rất lớn”, ông Hoàng Văn Thường nhấn mạnh.
Bà Triệu Thị Oanh, Giám đốc HTX dược liệu cổ truyền H2O Việt Nam (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), cho biết, việc khai thác dược liệu tác động trực tiếp đến hệ sinh thái rừng, vì vậy cần siết chặt các quy định quản lý, loại bỏ tình trạnh khai thác tận diệt.
Bà Triệu Thị Oanh, Giám đốc HTX dược liệu cổ truyền H2O Việt Nam |
Theo bà Oanh, hiện đang xảy ra thực trạng một số đơn vị, cá nhân vì lợi nhuận mà khai thác dược liệu tự nhiên kiểu triệt phá, tận thu cả cây, cả dễ khiến việc phục hồi gặp rất nhiều khó khăn. Việc xuất khẩu tiểu ngạch cũng không đem lại giá trị tương xứng cho cây dược liệu Việt Nam.
“Để giải quyết “vấn nạn” đang xảy ra, tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức, giúp người dân khai thác đúng cách. Nâng cao vai trò của các HTX trong việc quản lý, khai thác dược liệu tự nhiên tại các địa phương. Việc khai thác cần phải đi cùng bảo tồn để bảo vệ hệ sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu”, bà Oanh phân tích.
Hành động vì biến đổi khí hậu
Đồng tình với những giải pháp, kiến nghị đến từ đại diện các HTX, ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp hỗ trợ, thông tin truyền thông chống biến đổi khí hậu.
Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
“Với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng cần các giải pháp căn cơ, quyết liện như vậy, thậm chí mạnh mẽ hơn. Bởi đại dịch có thể ngăn chặn bằng vaccine, còn biến đổi khí hậu thì cần sự đoàn kết của cả nhân loại”, ông Võ Thành Thống nói.Ông Thống lấy ví dụ, điển hình như trong công tác chống Covid-19, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã huy động tổng lực các nguồn lực như trong thời chiến. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đồng loạt lên tiếng, liên tục, kéo dài nhằm nâng cao nhận thức của người dân.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Hà Lan, ông Harm Haverkort, Trưởng đại diện Agriterra Việt Nam, cho biết tại Hà Lan, việc phát triển các HTX thông minh để thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đang được thúc đẩy.
Ông Harm Haverkort, Trưởng đại diện Agriterra Việt Nam |
Theo đó, các HTX không chỉ đẩy mạnh cơ giới hóa mà còn được hỗ trợ để nâng cao hàm lượng khoa học – kỹ thuật, ứng dụng nguồn năng lượng tái tạo, từ đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tăng lượng hấp thụ khí CO2 trên diện tích đất nông nghiệp.
Theo Trưởng đại diện Agriterra Việt Nam, để giúp các HTX phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu, tất cả các bên cần hợp tác với nhau. Cụ thể, các chủ thể pháp lý như Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách cần có sự hỗ trợ thiết thực, đúng và trúng hơn để giúp HTX tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững.
Trở lại với vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu trong khu vực HTX tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh nói rằng, để giúp các HTX hóa giải điểm nghẽn trong phát triển sản xuất, ứng phó biến đổi khí hậu, Liên minh HTX Việt Nam đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.Trong đó phải kể tới Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu đang được triển khai thường xuyên tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Liên minh HTX Việt Nam và 63 Liên minh HTX tỉnh, thành phố trên cả nước.
"Liên minh HTX Việt Nam đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ các HTX xử lý chất thải, áp dụng canh tác tự nhiên tiết kiệm, thay thế nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời…", Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nói.
Hiến Nguyễn