Hơn 2 tháng nay, các trại giống thủy sản tại TP Biên Hòa nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung luôn trong tình trạng khan hiếm con giống xuất bán. Điều này đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái sản xuất thủy sản của HTX Thủy sản du lịch sinh thái Làng Bè (phường Hiệp Hòa, Biên Hòa).
Khan hiếm cây, con giống
Ông Vũ Đình Đàm, Giám đốc HTX Làng Bè chia sẻ, dù đầu ra nhỏ giọt nhưng đối với các thành viên, dừng sản xuất đồng nghĩa với việc không có nguồn thu. Để tránh tình trạng bỏ hoang ao nuôi, HTX tính toán, cân đối nuôi theo hình thức gối vụ, ao nào xuất được thì nuôi tiếp. Tuy nhiên, việc nhập giống cũng vô cùng khó khăn vì nguồn cung khan hiếm và đi lại khó khăn do dịch bệnh đang diễn ra.
Không chỉ giống vật nuôi, tình trạng thiếu giống cây trồng cũng đang làm khó người dân và HTX. HTX Thương mại dịch vụ Phú Quới (Gò Công Tây, Tiền Giang) chuyên sản xuất các loại rau an toàn. Theo Ban giám đốc HTX, do trên địa bàn có diện tích rau màu lớn nên nhu cầu về giống cũng không nhỏ, trong khi các thành viên không thể tự sản xuất giống rau .
Thiếu nguồn giống làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của các HTX thủy sản. |
Ông Võ Minh Luân, Giám đốc HTX Phú Quới cho biết, để có thể bảo đảm vận chuyển nông sản trong mùa dịch thuận lợi hơn, HTX đang tiết giảm diện tích rau ăn lá, rau gia vị và tăng diện tích các loại củ như cà rốt, củ cải, khoai tây. Tuy nhiên, các đơn vị liên kết cung cấp giống cho HTX cũng đang thông báo khó khăn vì khó nhập được giống cũng như hạn chế trong công tác vận chuyển.
“Nếu có đủ nguồn giống để phát triển sản xuất, các đầu mối tiêu thụ rau của HTX vẫn được giữ và có thể cung cấp khoảng 0,6-2 tấn rau mỗi ngày”, ông Luân chia sẻ.
Có thể thấy, ngoài vật tư, vốn, đầu ra, các HTX đang gặp khó khăn do thiếu giống phục vụ sản xuất. Nguyên nhân một phần là do dịch bệnh nên việc vận chuyển giống cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất vẫn còn bị "mắc" ở một số địa phương.
Bên cạnh đó, do nhu cầu sản xuất và cung ứng con, cây giống ở trong nước còn hạn chế nên xảy ra tình trạng phụ thuộc vào khâu nhập khẩu. Theo Bộ NN&PTNT, vụ đông xuân 2021 - 2022, các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ xuống giống khoảng 1,5 triệu ha lúa và sẽ cần khoảng 200.000 tấn giống. Tuy nhiên, nguồn cung từ các doanh nghiệp và Viện lúa ĐBSCL chỉ cung ứng tối đa khoảng 50% lượng giống lúa. Các HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất giống kinh doanh giống cung ứng khoảng 50.000 - 70.000 tấn. Như vậy, vẫn còn thiếu khoảng 30.000 - 50.000 tấn so với nhu cầu.
Gs Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng vùng ĐBSCL mỗi năm cần khoảng 500.000 tấn giống lúa, tuy nhiên lượng hạt giống đủ tiêu chuẩn cấp xác nhận chỉ chiếm khoảng 30% tổng lượng hạt giống lúa của vùng này.
Còn PGS-TS Đặng Văn Đông (Viện Nghiên cứu rau quả) cho biết, vì thiếu giống nông sản bảo đảm chất lượng, nhất là giống phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nên nước ta phải nhập khẩu giống từ nước ngoài. Thế nhưng, quy trình nhập khẩu giống hiện rất rườm rà, mất rất nhiều thời gian.
Theo ông Đông, muốn nhập một số giống rau, hoa từ nước ngoài theo đường chính ngạch rất khó bởi các quy định về kiểm dịch, giấy tờ thủ tục phức tạp. Thời gian từ lúc đề xuất đến lúc phê duyệt lên đến 2-3 năm. “Lúc này, có đưa giống đó về trồng thì cũng muộn, không còn nhiều giá trị trên thị trường và đồng nghĩa với việc làm mất thời cơ sản xuất kinh doanh của người dân, HTX cũng như doanh nghiệp. Trong khi nông nghiệp sản xuất chủ yếu theo mùa vụ và dịch Covid-19 đang làm đứt gãy hệ thống logistics trên toàn thế giới”, ông Đông cho biết.
Bảo đảm chu kỳ sản xuất
Thống kê của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 30/6/2021, cả nước có 26.145 HTX và 119.963 tổ hợp tác, trong đó, trên 60% HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nên việc thiếu giống cây trồng, vật nuôi làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các mô hình kinh tế hợp tác và người dân.
Theo các chuyên gia, sản xuất nông sản của người dân, HTX không thể bị ngừng trệ vì đây là lĩnh vực sản xuất những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của người dân hằng ngày. Nếu trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận chuyển nguồn giống cây trồng, vật nuôi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bị ách tắc thì thiệt hại về kinh tế chắc chắn sẽ không hề nhỏ.
Việc xuất bán, vận chuyển cây giống của HTX nông nghiệp Bình Dương gặp khó vì nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội. |
Từ đầu năm đến nay, chi phí đầu vào trong sản xuất từ thức ăn chăn nuôi đến phân bón, vật tư nông nghiệp, chi phí vận chuyển... đều đồng loạt tăng, nay việc khan hiếm về nguồn giống càng khiến các HTX khó khăn trong duy trì sản xuất.
Không chỉ việc nhập giống mà ngay cả việc cung ứng, phân phối giống của các HTX cũng gặp khó khăn. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Bình Dương (Bình Dương) ngoài trồng cây ăn quả còn cung cấp hàng vạn cây giống. Tuy nhiên, dù có giấy “luồng xanh” nhưng có địa phương cho mặt hàng HTX vận chuyển không phải là thiết yếu nên khâu phân phối bị ách tắc. Từ đầu năm đến nay, lượng cây giống xuất ra thị trường giảm 60% so với năm ngoái khiến HTX đang rơi vào cảnh thiếu kinh phí để tiếp tục sản xuất lứa giống mới.
Để tháo gỡ khó khăn này, ngoài hỗ trợ giống, chi phí mua giống thì việc thống nhất về quy định lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, trong đó có giống cây trồng, vật nuôi là rất cần thiết. Bởi đây là những hàng hóa phục vụ cho duy trì sản xuất hiện tại và lâu dài.
Về lâu dài, theo các chuyên gia, Nhà nước cần tạo điều kiện trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất giống. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, kiểm dịch thực vật cũng như có cơ chế quản lý giống hợp lý để bảo đảm nguồn giống chất lượng phục vụ sản xuất.
Huyền Trang