Anh Phan Văn Dũng là một trong những hộ tiên phong trồng khoai lang tại xã Mỹ Thái, tỉnh Kiên Giang (Ảnh:Internet) |
Nhiều năm trước, xã Mỹ Thái là xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, với điều kiện tự nhiên, địa hình nhiều kênh rạch, đất bị nhiễm phèn, nên dù bà con chăm chỉ khắc phục, canh tác, lúa vẫn không mang lại năng suất, hiệu quả khả quan, khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Hướng đi mới
Anh Phan Văn Dũng cũng trong tình trạng đó, cuộc sống khó khăn tại vùng quê nghèo Mỹ Thái đã thôi thúc anh phải tìm hướng đi mới để khắc phục.
Quá trình tìm tòi, học hỏi qua tài liệu, sách báo, anh nhận thấy khoai lang rất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Từ đó, anh đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang khoai lang. Năm đầu tiên, diện tích trồng khoai lang của anh không những cho năng suất, hiệu quả cao mà còn mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình.
Thấy vậy, nhiều hộ dân trong xã đã tìm đến học hỏi và áp dụng sản xuất. Mặc dù đạt hiệu quả cao nhưng do hoạt động riêng lẻ, nên mỗi vụ thu hoạch, người dân đều phải chật vật tìm đầu ra, lại bị thương lái ép giá.
Năm 2015, được sự hỗ trợ của các cấp, ban, ngành địa phương, HTX khoai lang Mỹ Thái ra đời với 14 thành viên và gần 200ha đất canh tác.
Sau khi đi vào hoạt động, HTX đã thống nhất các hoạt động như tưới tiêu, xuống giống, phun thuốc nên nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, quản lý được dịch bệnh. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng bị thương lái ép giá, các thành viên HTX đã thay phiên nhau luân canh khoai - lúa, giúp giá khoai luôn cao và ổn định.
Đặc biệt, để hoạt động sản xuất hiệu quả và bền vững, các thành viên đã góp vốn xây dựng bờ bao vững chắc nhằm chủ động cho khâu bơm tưới và ngăn lũ.
Thoát nghèo từ trồng khoai
Sự ra đời của HTX không chỉ góp phần chuyển đổi mô hình thành công, mà còn giúp nhiều hộ nông dân, thành viên HTX thoát nghèo, có nguồn thu nhập cao và ổn định hơn.
Giờ đây, khoai lang không chỉ là cây lương thực đơn thuần mà còn là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương (Ảnh:Internet) |
Anh Dũng, hiện tại với vai trò là Phó giám đốc HTX khoai lang Mỹ Thái cho biết: Khoai lang là loại cây dễ trồng, lại phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, nên cho năng suất cao, củ to, tinh bột nhiều, bảo quản được lâu, thương lái thường thu mua cao hơn 500 đồng/kg so với các vùng khác.
“Trồng khoai cho giá trị kinh tế cao gấp 5 - 6 lần trồng lúa. Vụ vừa qua, gia đình tôi trồng được 17ha khoai lang đỏ và khoai sữa, bán với giá 540.000 - 550.000 đồng/tạ, thu lãi khoảng 35 - 40 triệu/ha, tổng thu gần 1 tỷ đồng/vụ”, anh Dũng nói.
Cũng là thành viên HTX, chuyển đổi từ trồng lúa sang khoai, ông Nguyễn Hoàng Triều phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi có 25ha trồng khoai lang đỏ, vừa rồi thu hoạch đạt gần 30 tấn/ha, bán được giá hơn 420.000 đồng/tạ, trừ hết chi phí lãi khoảng 1 tỷ đồng”.
Không chỉ làm giàu cho các hộ thành viên, HTX khoai lang Mỹ Thái còn giải quyết việc làm cho số lượng khá lớn lao động tại địa phương.
Cụ thể, mỗi khi vào vụ thu hoạch, HTX thu hút từ 500 - 1.000 người lao động trong và ngoài xã với tiền công từ 150.000 – 250.000 đồng/ngày.
Anh Trần Văn Tình (xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất) cho biết, vợ chồng anh làm thuê làm mướn khắp nơi, nhưng nguồn thu nhập khá bấp bênh. Từ khi biết đến HTX khoai lang Mỹ Thái, vợ anh xin làm thêm, mỗi tháng ngoài nguồn thu nhập chính 5 - 6 triệu đồng, vợ chồng anh kiếm được 2 - 3 triệu đồng nữa, cuộc sống ổn định hơn nhiều.
Có thể thấy, hiệu quả từ mô hình của HTX khoai lang Mỹ Thái đã góp phần thay đổi tư duy suy nghĩ và lối canh tác truyền thống cũng như xây dựng được lòng tin của bà con nông dân. Thời gian qua, nhiều hộ gia đình đã lựa chọn khoai lang là cây chủ lực chính để tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Khi nhắc về HTX khoai lang Mỹ Thái, ông Nguyễn Văn Tỵ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thái cho biết, HTX hoạt động rất hiệu quả, cho năng suất cao, không chỉ giúp thành viên HTX có nguồn thu nhập cao, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. HTX góp phần mở hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với vùng đất địa phương.
Khánh Hường