Tại Diễn đàn “Thúc đẩy liên kết vùng - Tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, HTX” do VnBusiness tổ chức ngày 26/10, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hình thành cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.
Các hình thái ban đầu của cụm liên kết ngành được hình thành
Cụ thể, TS. Hồng Minh cho hay nhiều quốc gia trên thế giới đã hình thành các cụm liên kết ngành để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). |
Nghiên cứu của CIEM mới đây đã khảo sát kinh nghiệm xây dựng các cụm liên kết ngành ô tô của Thái Lan, cụm liên kết ngành nho Maharashtra và cụm liên kết ngành ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ.
Qua đó rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng, đó là Chính phủ chú trọng và khuyến khích việc xây dựng và thực thi các chính sách “từ dưới lên”, với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và các bên liên quan tại địa phương.
Mặt khác, kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa cách tiếp cận “từ trên xuống” và “từ dưới lên” trong quá trình ban hành và thực thi các chính sách nhằm cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành.
Nhận diện những cơ hội trên, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hình thành, phát triển cụm liên kết ngành trong thời gian vừa qua. Các hình thái ban đầu của cụm liên kết ngành đã được hình thành tại một số khu công nghiệp, khu kinh tế như: Cụm dệt may ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (Cụm vệ tinh trong chuỗi giá trị toàn cầu), Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai , hay các tổ hợp sản xuất của doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, các doanh nghiệp Nhật Bản lớn (tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long),…
Trong thời gian tới, bà Minh nhấn mạnh cần hình thành và nâng cấp hệ thống cụm liên kết các ngành công - nông nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao theo lợi thế của các địa phương tại một số vùng, địa bàn trọng điểm.
Tăng cường liên kết vùng và tích hợp kết nối chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp, nông nghiệp vào quá trình xây dựng và thực thi quy hoạch phát triển địa phương, vùng và quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho sự chuyên môn hóa địa phương và hợp tác liên vùng trên cả nước.
Đồng thời, cơ cấu lại các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp có tính đến lợi thế so sánh của từng địa bàn, vùng theo hướng tăng cường hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng trong nước nhằm thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả hơn.
HTX cần tăng năng lực ứng phó biến động khó lường từ thế giới
Về các mô hình mới góp phần tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, bà Minh khuyến nghị cần gia tăng ứng dụng chuyển đổi số trong thương mại nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh mới; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm sớm bắt nhịp phục hồi kinh tế và chuyển đổi xanh ở Việt Nam.
Đặc biệt, TS. Trần Thị Hồng Minh cũng nhấn mạnh tới việc phát huy vai trò của các HTX, Liên minh HTX. “Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, và cần sự “vươn mình vượt khó” từ tất cả các khu vực kinh tế. Yêu cầu và thách thức từ những xu hướng này đối với khu vực kinh tế tập thể lại càng lớn và đặc thù hơn”, bà Minh nhấn mạnh.
Theo đó, hệ thống Liên minh HTX, các HTX cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động quản trị, tổ chức sản xuất, thương mại, gắn với quá trình gia tăng hợp tác, liên kết với các chủ thể khác trong các cụm liên kết ngành. Quá trình thực hiện cần đi vào thực chất, hướng tới hiệu quả và lợi ích cho tất cả các bên.
Đồng thời cần tìm hiểu, tham gia, triển khai và làm chủ các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với năng lực và yêu cầu của đất nước, địa phương và ngành. “Tôi rất vui vì nhận được văn bản số 679/TTr-LMHTXVN ngày 22/9/2022 của Liên minh HTX Việt Nam đề nghị tham gia thực hiện Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, mà Viện tôi là cơ quan chủ trì, điều phối”, Viện trưởng CIEM bày tỏ.
Thêm vào đó, các HTX cần thường xuyên trao đổi, kết nối với các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học nhằm tìm kiếm những hướng đi mới, thông lệ tốt, giải pháp hay để tăng năng lực ứng phó với những biến động phức tạp, khó lường của thị trường thế giới và trong nước.
Lê Thúy