Những năm qua, để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, Đồng Tháp đã tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực (lúa, xoài, hoa kiểng, cá tra, sen) và tiềm năng tại các địa phương theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung, theo chuỗi giá trị.
Nhân rộng HTX kiểu mới
Trên tinh thần đó, tỉnh phát triển mặt hàng lúa gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực quốc gia theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao và theo nhu cầu thị trường.
Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất nhưng vẫn đảm bảo diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh đến năm 2025 tối thiểu là 470.940ha, năng suất đạt trên 3 triệu tấn.
Đáng chú ý, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng sản phẩm chủ lực tại các địa phương, các HTX có vai trò quan trọng. Điển hình như ở huyện Tháp Mười đang xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, mở hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững cho nhiều nông dân.
Nổi bật nhất phải kể đến những mô hình liên kết trong sản xuất lúa của nông dân Tháp Mười, trong đó có HTX Thắng Lợi (xã Mỹ Đông). Đây là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia mô hình “cánh đồng lúa liên kết” của tỉnh Đồng Tháp từ những năm 2010. Mô hình cánh đồng liên kết được áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo.
Giám đốc Nguyễn Văn Hùng cho biết, sự thay đổi trong tư duy sản xuất và chủ động trong ứng dụng công nghệ mới giúp hiệu quả sản xuất của HTX Thắng Lợi ngày càng gia tăng, mở ra cơ hội xây dựng kinh tế, thoát nghèo, làm giàu cho thành viên, hộ liên kết.
Thành công của nông thôn mới ở Đồng Tháp có đóng góp quan trọng của các HTX kiểu mới. |
Cũng có thể kể đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 tại huyện Tháp Mười. Được thành lập từ năm 2013 với 108 thành viên, HTX tham gia dịch vụ tưới tiêu, nạo vét kênh mương và liên kết tiêu thụ lúa, mang lại lợi nhuận 300 triệu đồng/năm, giải quyết nhiều việc làm cho nông dân.
Đặc biệt, HTX có mô hình hoạt động hiệu quả, nhất là mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và tối ưu hóa sản xuất. HTX đã thực hiện tốt cả dịch vụ đầu vào và đầu ra, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp giúp sản phẩm lúa gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Theo thống kê, tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh Đồng Tháp có 214 HTX (tăng 67% so với năm 2001) với khoảng 55.000 thành viên, vốn điều lệ trên 240 tỷ đồng, vốn hoạt động trên 1.100 tỷ đồng.
Doanh thu bình quân của HTX khoảng 3 tỷ đồng, lãi bình quân 320 triệu đồng, thu nhập bình quân lao động thường xuyên khoảng 70 triệu đồng (giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 36 triệu đồng). Đáng chú ý là từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thực hiện sản xuất xanh và bền vững.
Hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác, HTX là một trong những cơ sở để tỉnh Đồng Tháp vươn lên xếp thứ 3 về số sản phẩm OCOP trong cả nước. Nhờ đó, bộ mặt khu vực nông thôn không ngừng được đổi mới, hạ tầng kinh tế-xã hội, đô thị nông thôn có bước chuyển biến tích cực.
Cụ thể, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 103 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt 15 tiêu chí và 10 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí. 3 thành phố hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh và thành phố Hồng Ngự), và 2 huyện (Tháp Mười, Cao Lãnh) đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng thời, tỉnh hiện có 265 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao (trong đó có 204 sản phẩm đạt 4 sao và 61 sản phẩm đạt 3 sao). Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2022 đã được ban hành, với 5 ngành hàng chủ lực: Lúa gạo, xoài, cá tra, hoa kiểng, sen.
Đang có những đóng góp rất tích cực trong phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, thực tế cho thấy quy mô của các mô hình liên kết HTX kiểu mới tại Đồng Tháp vẫn còn ở mức thấp, hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là tăng cường khả năng kết nối giao thông.
Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục phấn đấu ở vị trí tiên phong trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường nâng cấp hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng và TP.HCM.
Căn cứ quy hoạch của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp cần hoàn thiện, bổ sung quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển đồng bộ, lâu dài, hướng tới các mục tiêu bền vững, đột phá hơn. Đặc biệt, tỉnh cần nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, giữ vững thương hiệu du lịch Đồng Tháp an toàn, đa dạng và hấp dẫn...
Mỹ Chí