Là một trong những HTX đi tiên phong trong xây dựng mô hình nhà màng trồng rau sạch tại Thủ đô, HTX nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) đã đầu tư trồng rau thủy canh trong nhà màng với diện tích 2,5 ha. Các loại rau, củ, quả chủ yếu là các loại cà chua, rau muống, dưa lưới trái vụ chất lượng cao và một số rau, củ quả khác đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu
Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc HTX cho biết, với phương châm làm nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, HTX huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời nhập hệ thống tưới nước nhỏ giọt để phục vụ sản xuất.
Nhiều HTX ở Hà Nội đã áp dụng phương pháp, kỹ thuật gieo trồng mới, tạo ra nhiều loại rau trái vụ, bảo đảm môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Do có hệ thống tưới, cung cấp chất dinh dưỡng tự động theo tiến độ sinh trưởng phát triển của cây nên kiểm soát hoàn toàn dư lượng phân bón trong cây, cây phát triển khỏe, vì vậy loại bỏ được 90% yếu tố mùa vụ, tạo điều kiện canh tác cây trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, HTX còn phổ biến cho các thành viên HTX áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, ghi chép nhật ký sản xuất, tất cả sản phẩm đều được bảo đảm sạch từ khâu làm đất, chọn giống cho đến chăm bón, tiêu thụ nên được người tiêu dùng tin tưởng.
“Quá trình sinh trưởng của cây rau, ngoài việc theo dõi, tỉa lá già, lá úa, ngày nào tôi cũng kiểm tra dinh dưỡng, quan sát sự phát triển của rau, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Trồng rau thủy canh trong nhà lưới ít xảy ra sâu bệnh hại nên hầu như không phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật. Trang trại rau thủy canh của HTX đạt tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2018”, ông Hồng cho biết.
Trong quá trình sản xuất, HTX liên tục thực hiện bẫy dính nhằm phát hiện và tiêu diệt một số loài sinh vật gây hại trong nhà màng. Theo đó, bẫy dính giúp phát hiện sâu bệnh ở giai đoạn sớm và sau đó sử dụng các biện pháp sinh học để chống lại chúng, ngăn chặn các ứng dụng không cần thiết của hóa chất gây hại cho môi trường.
“Hiện tại, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng tôi sản xuất thêm dưa lưới trong nhà màng. Tính trung bình với diện tích 1.000m2 trồng được 2.200 cây thu được khoảng 2,4 tấn dưa lưới mang lại lợi nhuận 70 triệu đồng/vụ đã giúp cho nhiều hộ thành viên vươn lên làm giàu”, ông Hồng vui vẻ chia sẻ.
Bà Đào Thị Anh Điệp, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đánh giá, hiện nay ở Thủ đô, một số địa phương như huyện Hoài Ðức, Mê Linh, Gia Lâm, Thanh Trì... cũng đã áp dụng thành công việc trồng các loại rau, quả đặc sản trái vụ, khắc phục hạn chế mang tính mùa vụ, cung cấp sản phẩm đa dạng hơn cho thị trường.
“Việc trồng rau trái vụ đã tạo ra môi trường sinh thái không thuận lợi cho các loại sâu bệnh như sâu xanh, bọ nhảy, sâu tơ, vốn chỉ có thể phát triển ở nhiệt độ thấp, phát sinh gây hại, cho nên hầu như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong suốt quá trình sinh trưởng của cây trồng. Ðây là yếu tố quan trọng tạo ra các sản phẩm rau an toàn cho người sử dụng, thuận lợi cho tiêu thụ, mang lại giá trị kinh tế cho các HTX”, bà Điệp cho hay.
Đảm bảo môi trường là tiêu chí quan trọng của HTX
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết, việc phát triển các loại rau trái vụ sẽ tăng hệ số quay vòng sản xuất nhờ chủ động thời vụ, không phụ thuộc vào thời tiết; giảm chi phí phân bón do không bị rửa trôi, giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường và giảm công sức làm đất. Rau trái vụ không chỉ nâng cao thu nhập cho thành viên HTX, giúp họ thoát nghèo, làm giàu mà góp phần tăng nguồn cung cấp rau an toàn cho người dân Thủ đô.
Các HTX sản xuất rau trái vụ đều theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. |
“Trong thời gian tới, Chi cục sẽ mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn trái vụ cho các vùng chuyên canh sản xuất rau trên địa bàn thành phố, trước mắt là các vùng đất bãi màu mỡ”, ông Hồng nhấn mạnh.
Tại vùng rau an toàn của huyện Đông Anh, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Tàm Xá, xã Tàm Xá bà Phạm Thị Lý cho hay: Hiện tại, HTX Tàm Xá đang sản xuất 2 ha rau trái vụ như bắp cải, su hào, củ cải, cà chua, bí xanh, mướp hương… Tất cả diện tích gieo trồng, sản xuất của HTX đều theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Việc áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn giúp bà con kiểm soát được lượng phân bón, nước tưới cũng như tình hình sâu bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn đảm bảo chất lượng, màu sắc của sản phẩm, trọng lượng đồng đều.
Điểm nổi bật ở đây là người trồng đã được trang bị kiến thức về quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật trồng các loại rau lấy hoa, củ, quả và ăn lá, kỹ thuật sử dụng màng phủ nông nghiệp cho một số loại rau.
"Các thành viên HTX luôn trồng trọt theo đúng yêu cầu kỹ thuật, bảo vệ nguồn tài nguyên phục vụ nông nghiệp. Rau an toàn nơi đây được người tiêu dùng đón nhận, tiêu thụ mạnh đã cho thấy phát triển trồng trọt gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng cần được nhân rộng", bà Lý cho hay.
Ông Lê Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy Đông Anh chia sẻ, nhiều HTX ở Đông Anh cũng đã khuyến khích hướng dẫn thành viên HTX sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý đúng cách bao bì thuốc sau khi sử dụng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nông dân trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp bền vững, các HTX đã và đang tiên phong trong công tác xóa đói, nghèo tại địa phương.
“Trong thời gian tới,, để phát triển vùng rau hiệu quả, huyện tiếp tục huy động các kỹ sư nông nghiệp đến các xã, thành lập các tổ hợp tác, HTX. Bên cạnh đó, huyện chiêu mộ lao động kỹ thuật tại các vùng chuyên canh rau trực tiếp tham gia trồng, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, vì sản xuất rau trái vụ là hình thức canh tác mới, người dân cần thực hiện đầy đủ theo đúng quy trình kỹ thuật từ làm đất, bón phân, nước tưới, phòng trừ sâu bệnh... Nhờ đó, những hạn chế mang tính mùa vụ của một số loại rau quả được khắc phục, góp phần tăng năng suất sản phẩm”, ông Kiên nói.
Kim Yến