Trước đây, khi cần xuất khẩu hàng hóa, HTX luôn phải thực hiện các công đoạn xuất khẩu và phân phối lại cho doanh nghiệp hoặc phải trực tiếp ra nước ngoài để tìm kiếm và đặt hàng. Còn hiện nay, chỉ cần truy cập vào các trang thương mại điện tử lớn như Amazon, Ebay, Alibaba…, nhiều HTX có thể mở các gian hàng, tiếp cận với hàng tỷ người tiêu dùng, đối tác trên toàn thế giới.
Nhiều HTX chưa mặn mà
Việc mở các gian hàng, đăng bán trực tiếp trên các trang trang thương mại điện tử quốc tế là cách nhanh nhất để HTX kết nối với khách hàng, tìm thị trường và gia tăng doanh thu xuất khẩu. Hình thức này vừa cắt giảm chi phí vận hành, vừa giúp HTX phân phối sản phẩm đến người dùng cuối tại nhiều thị trường mà hạn chế các khâu trung gian.
Ngoài ra, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng là cơ hội để HTX có thể bước chân vào các thị trường khó tính, nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống. Và hiện, một số HTX đã tận dụng rất tốt điều này.
Tuy nhiên, do chỉ mới ở giai đoạn đầu tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới nên các HTX vẫn còn loay hoay với không ít khó khăn. Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (Đắk Lắk), cho biết khi tham gia bán hàng tại các website quốc tế, rào cản lớn nhất chính là việc HTX chưa có chiến lược kinh doanh phù hợp với xu hướng tiêu dùng ở từng thị trường và chưa hiểu biết về luật pháp nước sở tại.
Đồng thời, sự chênh lệch về chất lượng, mức độ đa dạng giữa hàng của HTX và các sản phẩm của các nước rất lớn. Chính vì thế, nhiều HTX vẫn chưa mặn mà với thương mại điện tử xuyên biên giới dù thấy rằng lợi ích của hình thức kinh doanh này là không hề nhỏ.
Nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm là điều mà các HTX cần làm để có thể tận dụng những tiềm năng của bán hàng trên các sàn điện tử xuyên biến giới. |
Thống kê từ Hiệp Hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng cho thấy, có khoảng trên 50% doanh nghiệp, HTX sẵn sàng mua hàng thông qua các trang thương mại điện tử xuyên biên giới. Vậy nhưng chỉ có khoảng 22% HTX, doanh nghiệp thực sự bán hàng và 8% HTX, doanh nghiệp thực sự đầu tư cho các gian hàng tại đây.
Theo các chuyên gia, các HTX cũng giống như các doanh nghiệp nhỏ, nên muốn mở các gian hàng trên các trang thương mại điện tử xuyên biên giới không hề dễ dàng, mà phải trải qua nhiều bước thẩm duyệt của các sàn này.
HTX cũng phải đảm bảo nông sản, hàng hóa phải đạt các tiêu chuẩn, đáp ứng tiêu chí của thị trường, phải trải qua quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Bao bì sản phẩm, quy cách đóng gói, HTX cũng phải đạt tiêu chuẩn của sản thương mại quốc tế. Ngay cả khi được lên sàn, HTX vẫn phải tiếp tục có chiến lược tiếp thị, quảng cáo và quản lý hàng hóa phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX Mây, tre Bao La (Thừa Thiên-Huế), dù biết hàng thủ công mỹ nghệ được nhiều nước ưa chuộng nhưng HTX vẫn chưa có đội ngũ nhân viên đủ mạnh, với các kỹ năng về marketing cần thiết để có thể nâng cao độ nhận diện thương hiệu, kéo tương tác về cửa hàng online hay quảng cáo sản phẩm trên các trang thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đầu tư bài bản
Theo báo cáo của Amazon, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, đạt 75,4 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,3 tỷ USD) trong năm 2021. Dự kiến, B2C của Việt Nam sẽ đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026.
Điều này cho thấy thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng phát triển và được coi là hướng đi hữu hiệu giúp các HTX thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Theo các chuyên gia, việc nghiên cứu chi tiết thị trường nhập khẩu là rất quan trọng đối với các HTX. Hiện, một số mặt hàng của các HTX được thị trường quốc tế yêu thích và có lợi thế cạnh tranh về chi phí và giá thành như nông sản (gạo, điều, cà phê, trái cây…), hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, cơ khí chế tạo… Chính vì vậy, các HTX cần chọn ra những mặt hàng tiềm năng, đặc trưng để đưa lên gian hàng thì mới có hiệu quả.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, để hạn chế đối mặt với những khó khăn khi bán hàng qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp, HTX cần giải quyết được những bất lợi về năng lực cung ứng sản phẩm. Quá trình này cần thời gian và sự đầu tư của các HTX.
Một thực tế hiện nay là dù cơ chế tài chính hỗ trợ HTX, doanh nghiệp về xúc tiến xuất khẩu đã có nhưng thực tế lại luôn đi nhanh hơn chính sách. Điều này khiến xúc tiến thương mại của HTX chậm nhịp hơn yêu cầu thực tiễn.
Còn theo ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, thế mạnh của các HTX là sản xuất ra các loại nông sản liên quan đến thực phẩm. Chính vì thế mà các HTX cần phải chú ý đến hạn sử dụng, tính toán về thời gian vận chuyển, thời gian lưu kho, chu kỳ bán hàng để đảm bảo giá trị kinh tế.
Chẳng hạn một bao gạo 10kg hay 5kg cũng phải cộng cả chi phí vận chuyển và lưu kho để đưa ra mức bán lẻ phù hợp trên thị trường. Đối với các HTX có thể lựa chọn cá sản phẩm hữu cơ có giá trị cao để dễ cân đối chi phí vận chuyển, lưu kho và có thể đưa ra mức giá phù hợp khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, HTX cũng phải lường hết được những chi phí khi bán hàng qua thương mại điện tử xuyên biên giới thì mới cạnh tranh về giá cả. Nếu sản phẩm ít cạnh tranh, giá trị thấp nhưng lại đăng ký ở các sàn có mức phí quản lý cao sẽ dẫn đến giá bán không đáp ứng đủ chi phí bán hàng.
Huyền Trang