Thông tin giả mạo không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Thời gian gần đây, đã có những HTX bị mạo danh mã số vùng trồng, mạo danh thông tin sản phẩm, bị lấy cắp hình ảnh, bị gọi điện lừa đảo…
HTX phải chịu hậu quả
Hiện nay, một số trang mạng xã hội và website đăng thông tin hoặc thực hiện các livestream bán sản phẩm hạt điều có chỉ dẫn Bình Phước với những thông tin như: 110.000 đồng/5 hộp hạt điều vỡ 3kg; 110.000 đồng/3 hộp hạt điều vỏ lụa 1,5kg… Điều đặc biệt là những hộp điều này không có nhãn mác, thông tin, xuất xứ.
Sau xác minh, HTX nông nghiệp Bù Gia Mập (Bình Phước) và các cơ quan quản lý tại địa phương nhận thấy hạt điều được bán trên các trang mạng nói trên chưa phải là điều Bình Phước mà điều nhập khẩu cũ, kém chất lượng hoặc là điều trồng nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu ở những địa phương khác.
Hay như HTX Nông sản hữu cơ Lương Sơn (Hòa Bình) đã từng gặp phải tình cảnh sản phẩm rau mang thương hiệu của HTX sản xuất và đăng ký nguồn gốc xuất xứ được bán trên mạng xã hội và một số cửa hàng nông sản sạch. Trong khi những trang mạng xã hội và cửa hàng đó không phải là đơn vị ký kết hợp đồng tiêu thụ rau của HTX.
Theo chia sẻ của các HTX, hành vi giả mạo các hạt điều có nguồn gốc từ tỉnh Bình Phước, hay rau hữu cơ từ Lương Sơn đã xâm phạm nghiêm trọng đến chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” và “Rau hữu cơ Lương Sơn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ.
Nhiều HTX đang phải chịu những hậu quả không nhỏ từ các thông tin giả mạo. |
Các thông tin giả mạo trên còn làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu mà các HTX đang dày công xây dựng. Quyền lợi của các thành viên cũng bị ảnh hưởng khi thông tin giả gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, đối tác khi sử dụng các sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng.
Theo các chuyên gia, thông tin giả mạo ảnh hưởng đến mọi HTX, người dân. Nhất là hiện nay, khi internet, mạng xã hội phát triển, thông tin giả càng có đất sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc HTX phải hứng chịu những hậu quả không hề nhỏ.
Chẳng hạn như HTX đang sản xuất kinh doanh bình thường nhưng có một thông tin giả mạo, hoặc mập mờ nào đó có nội dung tiêu cực về sản phẩm, về hoạt động của HTX. Ngay lập tức việc cung ứng hàng hóa của HTX có thể chịu ảnh hưởng. Nặng thì khách hàng có thể ngừng mua, ngừng nhập hàng của HTX, nhẹ thì đối tác, người tiêu dùng sẽ hoài nghi, đặt câu hỏi, nhập hàng ít… Điều này chắc chắn sẽ gây thiệt hại đến quá trình sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu của mô hình kinh tế tập thể.
Đặc biệt hiện nay, nhiều HTX đã sản xuất theo quy trình, có giấy chứng nhận xuất xứ, xây dựng được thương hiệu nên có sự ảnh hưởng nhất định trên thị trường. Từ đó mà vấn đề HTX bị giả mạo, mạo danh thông tin, gọi điện lừa đảo ngày càng nhiều.
Nếu các tin giả tràn lan, các tổ chức tín dụng càng hoài nghi về mô hình HTX cũng như sức khỏe của các mô hình kinh tế tập thể sẽ khiến HTX càng khó tiếp cận với các nguồn vốn ngân hàng, thậm chí HTX đang vay ngân hàng có thể đình trệ hợp đồng tín dụng.
HTX chủ động là chưa đủ
Trước thực trạng trên nhiều HTX đã có những chiến lược cụ thể để bảo vệ chính mình. Chẳng hạn như khi phát hiện ra sự việc, HTX rau hữu cơ Lương Sơn đã phải truy cứu trách nhiệm đến từng tổ sản xuất, và khi biết chắc thành viên của các tổ đều làm đúng quy trình, không bán rau ra ngoài cho những trang mạng và cửa hàng như trên, HTX đã có thông tin cảnh báo và đính chính vấn đề để tránh ảnh hưởng đến thương hiệu và gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Một số HTX hiện nay cũng cẩn thận hơn đó là khi đăng hình ảnh, video hay thông tin lên các trang mạng đều chèn logo, ghi rõ thông tin HTX vào ảnh, bài viết như HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh (Long An), HTX Tân Dân (Hà Nội)…
Việc chủ động trang bị cho mình hệ thống thông tin chuyên nghiệp, bài bản trên các kênh thông tin chính thống của chính HTX đang sở hữu được đánh giá là cách làm chuyên nghiệp. Khi không may gặp tình trạng bị giả mạo thông tin, các đối tác, khách hàng sẽ chủ động vào các trang của HTX để kiểm chứng, đối chiếu.
Tuy nhiên, những cố gắng của các HTX là chưa đủ, thay vào đó, cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ HTX trước thực trạng này.
Theo các chuyên gia, hiện đã có những văn bản pháp luật nhằm hạn chế tình trạng tin giả như Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về lĩnh vực giao dịch điện tử, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, bưu chính…
Theo đó nếu cá nhân, tổ chức lan truyền tin giả chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử lý vi phạm hành chính. Nếu tin giả gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm hay thiệt hại vật chất cho tổ chức, cá nhân thì hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức phạt hành chính đối với trường hợp tung tin giả hiện nay còn thấp, chỉ mấy chục triệu là chưa đủ sức răn đe, thậm chí không bằng mức lợi nhuận mà các đối tượng đã sử dụng tin giả để có được thì khó mang lại hiệu quả.
Thậm chí, để được bồi thường thiệt hại trước thông tin giả mạo, đơn vị bị hại phải xác minh thiệt hại. Theo các HTX, để chứng minh thiệt hại đó là rất khó, HTX phải có hóa đơn, chứng từ, thậm chí ra toà còn phải xin giấy chứng nhận của nhiều cơ quan. Điều này không chỉ gây mệt mỏi mà thậm chí còn gây thêm phiền phức, thậm chí còn tốn thêm chi phí cho HTX.
Chính vì vậy, theo các HTX, cơ quan quản lý cần phải điều chỉnh văn bản pháp luật một cách phù hợp, bớt rườm rà để vừa bảo đảm công bằng cho HTX, vừa đủ sức răn đe, hạn chế những thông tin giả mạo.
Huyền Trang