Tôn giáo ở Việt Nam với phát triển kinh tế tập thể, HTX: Nhìn từ góc độ đạo Phật
Thúc đẩy vai trò của các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng trong việc xã hội hóa các hoạt động kinh tế, trong đó có kinh tế tập thể, HTX đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành và địa phương.
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo. Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, các tôn giáo đều tăng trưởng và phát triển so với trước đây trên nhiều phương diện như tín đồ, chức sắc, cơ sở thờ tự, các hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội. Điều đó phản ánh chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Việt Nam hiện nay có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận. Mỗi tôn giáo có giáo lý, giáo luật riêng nhưng đều chung đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động và tham gia đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là một nước đa tôn giáo, nhưng cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam luôn gắn bó với dân tộc. Đồng thời, là nhân tố xã hội và văn hoá tích cực góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Việt Nam còn là một đất nước rất ôn hoà trong quan hệ giữa các tôn giáo, có truyền thống đoàn kết tôn giáo, đoàn kết toàn dân trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Phật giáo đã hình thành và phát triển lâu đời ở Việt Nam, nhưng phải tới sau năm 1975, đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất đã tạo cơ duyên thuận lợi cho giới Phật giáo thực hiện một Phật sự lớn được đặt ra từ lâu. Đó là việc thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo trong một tổ chức chung.
Còn nhớ, tháng 2/1980, Ban vận động Phật giáo thống nhất đã được thành lập với 33 vị tăng, ni, cư sĩ đại diện cho các tổ chức hệ phái của Phật giáo cả nước. Ban Vận động do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban và các vị Hòa thượng Thích Thế Long, Thích Minh Nguyệt, Thích Trí Tịnh, Thích Bửu Ý, Thích Mật Hiển, Thích Giới Nghiêm làm Phó trưởng ban Thường trực. Hoạt động của Ban Vận động đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chứng minh gồm các vị Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Thích Thanh Duyệt, Thích Pháp Tràng, Thích Hoằng Thông....
Về mặt đào tạo chức sắc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã mở 3 Học viện Phật giáo, 6 lớp Cao đẳng Phật học, 31 trường Trung cấp Phật học đào tạo 5.090 tăng ni. Chính phủ đã thực hiện nhiều chương trình đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các tôn giáo, nhất là đồng bào ở vùng miền núi, thuộc dân tộc thiểu số. Bảo đảm và tạo điều kiện cho các hoạt động tôn giáo theo pháp luật, trong đó có các hoạt động tín ngưỡng, các lễ hội quan trọng của các giáo hội, như lễ Phật đản của Phật giáo.
Việt Nam vốn là một quốc gia có nền nông nghiệp lâu đời, từ nhiều đời nay, cùng với sự phát triển của đạo phật, nông nghiệp được xem là một ngành song hành cùng sự phát triển đó. Đạo phật có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trên lãnh thổ Việt Nam, và người dân, các phật tử cũng phần lớn sinh sống bằng nghề nông nghiệp nên cũng không khó hiểu khi nói phật giáo và kinh tế nông nghiệp luôn song hành từ nhiều thế kỷ ở Việt Nam.
Những năm gần đây, trước những biến động khôn lường của kinh tế thế giới tác động đến tình hình kinh tế trong nước, kéo theo các vấn đề về xã hội như tỉ lệ người thất nghiệp, chế độ an sinh, phúc lợi xã hội, ô nhiễm môi trường… Với tinh thần nhập thế, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của đất nước, Phật giáo đã, đang có những hoạt động kinh tế để góp phần vào công cuộc phát triển nền kinh tế và giải quyết các vấn đề phát sinh do hệ quả của nền kinh tế thị trường nhằm ổn định đời sống xã hội.
Ví dụ điển hình trong kinh tế và phật giáo chính là Du lịch văn hóa tâm linh gắn với tôn giáo và đức tin và ở Việt Nam. Trong đó Phật giáo có số lượng lớn nhất, cùng tồn tại song song với các tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Cao đài, Hòa Hảo… Triết lý phương Đông, đức tin, giáo pháp, những giá trị vật thể và phi vật thể gắn với những thiết chế, công trình tôn giáo ở Việt Nam là những ngôi chùa, tòa thánh và những công trình văn hóa tôn giáo gắn với các di tích là đối tượng mục tiêu hướng tới của du lịch tâm linh.
Du lịch văn hóa tâm linh ở Việt Nam gắn với tín ngưỡng thờ cúng, tri ân, báo ân những vị anh hùng dân tộc, những vị tiền bối có công với nước, dân tộc (Thành Hoàng) trở thành du lịch về cội nguồn dân tộc với đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Nếu nhìn ở góc độ địa phương, có lẽ tỉnh Ninh Bình là một ví dụ điển hình, trở thành một hiện tượng về du lịch tâm linh. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính…
Tất cả những di tích và danh lam thắng cảnh này đã trở thành những điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê của ngành Du lịch, năm 2009 với doanh thu từ du lịch của tỉnh đạt 170 tỷ đồng, sau 4 năm đến năm 2013 ngành Du lịch Ninh Bình đã đón trên 4 triệu lượt khách, tăng trưởng bình quân 20%/năm, với doanh thu trên 800 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh Ninh Bình ước đón gần 1,458 triệu lượt khách, đạt 168% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách nội địa đón hơn 1,446 triệu lượt khách, khách quốc tế hơn 11 nghìn lượt khách. Doanh thu ước đạt gần 854 tỉ đồng, đạt 154,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là một con số tăng trưởng khá ấn tượng của ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn hiện nay.
Từ ví dụ của Ninh Bình có thể thấy, mô hình kinh doanh theo tư tưởng Phật giáo đều lấy hạnh phúc con người và hòa hợp với thiên nhiên làm chủ đạo. Từ đạo đức Phật giáo và những giá trị nhân bản đã sản sinh ra rất nhiều vị Phật tử doanh nhân thành đạt tại Việt Nam như ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen); Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch Thái Hà Books) hay bà Phạm Minh Hương (Chủ tịch công ty cổ phần chứng khoán Vndirect)... Những vị Phật tử này đều áp dụng mô hình kinh doanh theo tư tưởng nhà Phật đó là: “Sống và làm việc không chỉ cho mình mà cho tất cả mọi người, trong đó có mình”.
Ở khu vực Kinh tế tập thể, HTX, những năm gần đây bắt đầu xuất hiện nhiều HTX du lịch tâm linh. Việc ra đời các HTX mô hình này thời gian qua đã khẳng định vai trò, vị thế của du lịch tâm linh đạo Phật trong phát triển kinh tế ở các địa phương. Thông qua các tour du lịch tâm linh đạo Phật, các HTX không chỉ nhân rộng, lan tỏa tinh thần cao đẹp của đạo Phật, mà còn góp phần phát triển kinh tế, mang lại sự thịnh vượng cho người dân theo đúng tinh thần tốt đẹp của đạo Phật.
Ví dụ như ở tỉnh Bắc Giang, để phát huy tiềm năng du lịch của địa phương, tháng 12-2016, HTX Dịch vụ và Du lịch Yên Thế được thành lập với 7 thành viên do ông Vũ Xuân Quý, người hơn 20 năm gắn bó với rừng Thác Ngà làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc. Các thành viên HTX được phân công phụ trách theo từng lĩnh vực phù hợp năng lực với phương châm phục vụ tận tình, chu đáo. Khi đến đây, ngoài được thăm quan danh lam thắng cảnh các ngôi chùa nổi tiếng, thăm quan di tích lịch sử, sinh thái, tâm linh... du khách có thể lựa chọn thưởng thức ẩm thực độc đáo như “Gà đồi Yên Thế”, vải, nhãn, trám cùng một số lâm lộc, sản vật quý của núi rừng như: Nấm hương, mộc nhĩ, măng đắng, hạt dẻ, mật ong. Nơi đây còn có đặc sản ẩm thực phong phú như bánh khảo, chè lam, bánh dày, xôi vò, rượu nếp nương…
Tất cả những di tích lịch sử hay những đặc sản này đều ít nhiều gắn liền với những tích, những câu chuyện gắn liền với đạo Phật trên vùng đất Yên Thế.
Rõ ràng, sự gắn kết của các tôn giáo nói chung và phật giáo nói riêng với sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp, kinh tế tập thể, HTX ở Việt Nam sau này có thể xem là mối quan hệ đặc thù, đặc biệt gần như chỉ có ở Việt Nam.
Trải qua mỗi giai đoạn, phật giáo cũng có những sự thay đổi theo sự thay đổi của lịch sử đất nước. Và, kinh tế nông nghiệp, kinh tế tập thể, HTX trong mỗi thời kỳ cũng có sự khác nhau nhưng sợi dây xuyên suốt vẫn gắn liền giữa đạo phật và kinh tế nông nghiệp là đảm bảo đời sống cho người dân nói chung và các phật tử nói riêng.
Ðạo Phật truyền sang đất Việt đã gần 2.000 năm, có thời rực rỡ huy hoàng, nhưng cũng có thời lu mờ hôn ám, có nhiều người tự xưng là tín đồ đạo Phật mà lại có những tín ngưỡng sai lạc hẳn tinh thần Phật Giáo. Căn cứ vào hình thức ấy, người ta vội mỉm cười, cho đạo Phật là mê tín, là ỷ lại thần quyền, là chỉ lo tư lợi, là chán đời, là nhu nhược yếu đuối.
Nhưng trên tất cả, dù rực rỡ huy hoàng hay lu mờ hôn ám, đạo Phật vẫn cho người ta thấy nét thiện tâm, giúp cho con người ngày càng hướng tới cái thiện. Thông qua những sinh hoạt tôn giáo tâm linh, giúp cho tinh thần con người ngày càng hướng thiện, làm những việc nghĩa cho đời.
Đạo Phật còn giúp khai sáng trí tuệ, hoàn thiện bản năng của mỗi con người, biết bỏ qua những lầm lỗi và yêu thương nhau hơn. Đặc biệt, không chỉ về tâm linh, đạo Phật còn giúp phát triển kinh tế, thông qua các mô hình kinh tế tập thể, Hợp tác xã giúp người dân phát triển kinh tế, mang lại ấm no, hạnh phúc đúng như tinh thần của đạo Phật.
Thông qua đạo Phật, người ta càng tin tưởng vào ngày mai tươi sáng hơn, cùng nhau góp sức, xây dựng kinh tế ngày càng phát triển, trong đó có nền kinh tế nông nghiệp, kinh tế tập thể, HTX ở Việt Nam.
Hà Lê