Tuy nhiên số lượng còn hạn chế, nguyên nhân cơ bản do các HTX, đặc biệt các HTX khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin hoặc nhiều HTX chưa đủ nguồn nhân lực và tài chính để đầu tư tham gia các Chương trình XTTM lớn. Ngoài ra, các đơn vị chủ trì chưa đầu tư xây dựng nhiều đề án hỗ trợ XTTM mang tính dài hạn, theo chuỗi từ XTTM phát triển sản phẩm, thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xây dựng kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ.
Khắc phục những hạn chế, tồn tại
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải: Công tác XTTM hỗ trợ kinh tế hợp tác, HTX tại các địa phương vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo các cấp từ Chính phủ, Bộ ngành và các địa phương. Cơ chế hỗ trợ hoạt động XTTM cũng đang dần hoàn thiện nhằm tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, HTX trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, hàng công nghiệp và cung ứng vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.
Cần đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm hàng hóa, nông sản cho miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo cho các HTX (Ảnh: TL) |
Tại các khu vực miền núi, biên giới và hải đảo. Phát triển hệ thống phân phối hàng hóa Việt Nam từ khu vực sản xuất đến miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo, trong đó có hàng hóa của các HTX; xây dựng và cung cấp thông tin thị trường biên giới, cửa khẩu của Việt Nam và các nước có chung biên giới cho các HTX biết.
Tổ chức các hoạt động giao nhận, vận chuyển và dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tổ chức hoạt động giao dịch thương mại và đưa hàng vào khu kinh tế cửa khẩu, tổ chức và phát triển hoạt động phân phối hàng hóa Việt Nam trong đó có sản phẩm hàng hóa của các HTX sang các khu vực biên giới với các nước có chung biên giới.
Các hoạt động nâng cao năng lực cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa qua biên giới và thương nhân tại các khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo để hỗ trợ tốt hơn cho các tổ chức, HTX và thành viên HTX. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm hàng hóa, nông sản cho miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo cho các HTX, doanh nghiệp và nhân dân…
Đại diện Trung tâm xúc tiến thương mại (Liên minh HTX Việt Nam) đánh giá, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, biên giới, miền núi và hải đảo, đã góp phần thúc đẩy thương mại, tạo lập kênh phân phối cung cấp sản phẩm thiết yếu cho người dân, đồng thời góp phần đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất của các HTX, tạo dựng thị trường vững chắc hơn cho hàng Việt tại thị trường nội địa.
Đẩy mạnh các giải pháp
Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã (HTX), là cầu nối thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng...
Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập ngày càng sâu, rộng, trong điều kiện Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, đòi hỏi chính sách hỗ trợ hoạt động XTTM phải thay đổi phù hợp với điều kiện mới, cách thức triển khai hoạt động XTTM cũng cần đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường xuất khẩu, duy trì và phát triển thị trường trong nước.
Hợp tác xã Nông-Lâm nghiệp Quyết Tiến (Gia Lai) thường xuyên tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại (Ảnh: TL) |
Do vậy, cần tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm phổ biến cho các HTX và địa phương về thời cơ và thách thức khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do nhằm tận dụng triệt để điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các đối tác. Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác thông tin, cơ chế trao đổi thông tin tình hình của các thị trường (nhu cầu, thị hiếu, tập quán thương mại, cơ chế chính sách nhất là về lĩnh vực quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa) tại các thị trường xuất khẩu và có kế hoạch cung cấp thông tin bằng nhiều hình thức tới các HTX để có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, cân đối hiệu quả về cơ cấu sản phẩm sản xuất được trong nước với nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu chất lượng ngày càng cao của thị trường nước ngoài.
Ông Dương Văn Huấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, “cần tập trung các hoạt động truyền thông tích cực để quảng bá hình ảnh hàng hóa Việt Nam, trong đó có sản phẩm hàng hóa của các HTX (đặc biệt là các mặt hàng nông thủy sản và thủ công mỹ nghệ...). Tăng cường hỗ trợ chặt chẽ các địa phương và HTX trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý vùng, miền đối với các mặt hàng, sản phẩm hàng hóa chủ lực. Tiếp tục hỗ trợ các đơn vị đạt thương hiệu quốc gia như đào tạo tập huấn về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu. Trong đó, chú trọng xây dựng và triển khai các đề án xúc tiến thương mại có tính liên kết giữa các đơn vị, kết nối cung cầu, khuyến khích các HTX các địa phương ưu tiên dùng sản phẩm của nhau, củng cố và phát triển hệ thống phân phối và thị trường tiêu thụ trong nước, khai thác thị trường miền núi, nông thôn”.
Các HTX đẩy mạnh phối hợp với các địa phương, các cơ quan hữu quan thực hiện chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại và tổ chức xúc tiến thương mại, hợp tác xã về tư vấn lập kế hoạch, đào tạo kỹ năng chuyên sâu về nghiên cứu thị trường, marketing, phát triển thương hiệu và sản phẩm…
Chủ động yêu cầu các hiệp hội chuyên ngành như Hiệp hội lương thực, Hiệp hội rau quả Việt Nam, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, hoặc các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng đề án thông tin xúc tiến thương mại chuyên sâu về mặt hàng hay thị trường phục vụ HTX thông tin cập nhật, hữu ích làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược kinh doanh, phát triển thị trường.
Minh Thành