Sau hơn 1 năm phát động phong trào chống rác thải nhựa, đã được cộng đồng hưởng ứng, quan tâm, đồng thuận cao. Đặc biệt, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã bắt tay chống rác thải nhựa, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội về biện pháp giảm thiểu sử dụng túi nilon, ô nhiễm từ chất thải nhựa.
HTX chung tay chống rác thải nhựa
Ngày 9/6/2019 tại lễ phát động toàn quốc ra quân chống rác thải nhựa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Mỗi gia đình, mỗi người dân hãy nói không với rác thải nhựa, chống rác thải nhựa và túi nilon là nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi thực hiện thường xuyên.
Việc nhiều loại rau ở một số siêu thị, thay vì đựng trong túi nylon, lại được gói cẩn thận trong lá chuối đã thu hút sự chú ý cũng như đồng tình của người tiêu dùng (Ảnh: TL) |
Ngay sau buổi lễ phát động các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX đã triển khai hàng loạt các chương trình hành động, sáng kiến giảm thiểu, nói không với rác thải nhựa như hạn chế chai nhựa sử dụng một lần, giảm sử dụng túi nilon, đồ hộp nhựa. Một liên minh chống rác thải nhựa ra đời với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, HTX, nhiều hệ thống siêu thị lớn tích cực vào cuộc thực hiện các chương trình như thay bao bì sử dụng thân thiện với môi trường, sử dụng lá chuỗi gói rau thay cho túi nilon.
Tại Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), ngoài việc duy trì và mở rộng nhóm sản phẩm gói bằng lá chuối, từ tháng 5-2019, các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers trên cả nước ngưng kinh doanh ống hút bằng nhựa. Hiện tại, Saigon Co.op đang kinh doanh các mặt hàng đĩa, tô, hộp, ly… từ bã mía; ống hút từ giấy, gạo.
Ngoài ra, Saigon Co.op còn bổ sung vào danh mục hàng nhãn riêng các loại ống hút giấy và găng tay tự hủy sinh học. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các mặt hàng thân thiện với môi trường như: muỗng, nĩa, dao, ống hút, đũa làm bằng gỗ; túi đựng thức ăn tự hủy; túi vải mua sắm; giấy vệ sinh tái chế 100%; bàn chải đánh răng bằng tre; ống hút bằng giấy, inox, bột cỏ; chai thủy tinh đựng nước… Các chương trình khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng túi ni-lông khi mua sắm như tặng thêm điểm thưởng khi dùng “túi môi trường”; mang chai nước thủy tinh để lấy nước uống… cũng thường xuyên được tổ chức.
Theo đại diện truyền thông Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết, sức mua các mặt hàng thay thế này đã tăng 15% – 20% so với trước thời điểm bắt đầu “nói không” với ống hút nhựa. Một số mặt hàng thay thế khác đang được thử nghiệm như ống hút làm bằng sậy, sản phẩm có nguồn gốc từ bột ngô thay nhựa… cũng có sức mua khá tốt, dần được người tiêu dùng ưa thích. Khoảng 30% - 40% khách hàng có ý thức tốt về hạn chế túi ni-lông, dùng ít hoặc từ chối dùng túi này khi đi mua sắm. Con số này có ý nghĩa khích lệ cao, giúp nhà sản xuất lẫn nhà phân phối có thêm động lực thực hiện các chương trình dài hơi hơn.
Đến nay, mạng lưới bán lẻ phục vụ người tiêu dùng của Saigon Co.op đã phủ đến 43 tỉnh thành trong cả nước với gần 800 điểm bán, trong đó có 110 siêu thị Co.opmart/Co.opXtra, 400 cửa hàng Co.op Food, gần 300 cửa hàng Co.opSmile, Cheers, cửa hàng Co.op Smile liên kết... rộng khắp cả nước.
Cần chung tay của cả cộng đồng
Trong bối cảnh diễn ra dịch covid-19 đầu năm nay, nhiều hoạt động xã hội tạm dừng. Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa đô thị có xu hướng tăng, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng có thể thấy đồ nhựa vẫn đang ăn sâu bám rễ vào nhiều hoạt động đời sống của xã hội. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi đồ nhựa đã trở thành một thói quen, muốn thay đổi một thói quen không thể một sớm, một chiều, nhất là nhiều người chưa thấy bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa.
Phấn đấu đến năm 2021 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần (Ảnh: TL) |
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Thế giới đã đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".
Nhận thức rõ vấn đề này, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường đang được trình Quốc hội cũng "dành" hẳn một Điều cho vấn đề rác thải nhựa. Điều 77 ngoài quy định trách nhiệm giảm thiểu rác thải nhựa là của mọi cá nhân, tổ chức tại Việt Nam thì đã có quy định rõ vai trò của các cơ sở sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm nhựa dùng một lần và các hàng hóa chứa vi nhựa, các đơn vị có trách nhiệm hạn chế rác thải nhựa, cũng như có lộ trình sản xuất, nhập khẩu đồ nhựa dùng 1 lần...
Minh Thành