Trước cách mạng tháng 8/1945 xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa có sản phẩm tiến vua đó là gạo nếp cái hoa vàng. Sau cách mạng tháng 8 không còn tên tiến vua nữa, nhưng người dân nơi đây vẫn gieo cấy nếp cái hoa vàng để tiêu thụ và hạt gạo này trở thành đặc sản của Hà Long.
Nếp cái hoa vàng được trồng duy nhất 1 vụ trong năm, khoảng từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch, năng suất đạt trung bình đạt 40 tạ/ha. "Nếp cái hoa vàng" vốn rất gẫn gũi với người nông dân nhưng lại là đặc sản có thương hiệu nổi tiếng, là giống lúa chất lượng cao nhất trong bộ giống lúa nếp của nước ta hiện nay.
Nếp cái hoa vàng trở thành “Gia Miêu ngoại trang”
Theo kinh nghiệm của các cụ ngày xưa để lại, lúa nếp cái hoa vàng phải cấy trên nền đất thịt nhẹ thì gạo nếp mới có mùi thơm đặc trưng và có độ dẻo, cây nếp cái hoa vàng được gieo mạ vào tháng 5 âm lịch, độ mạ khoảng 30 đến 35 ngày, khi mạ ra nhánh thì mới đem đi cấy, thời vụ cấy vào đầu tháng 6 âm lịch và trỗ đòng vào đầu tháng 9 âm lịch.
Lúa được thu hoạch vào đầu tháng 10 âm lịch khi thời tiết ngày nắng hanh, đêm trời lạnh, trùng với ngày tổ chức Tết Trùng thập của người dân nơi đây. Vào ngày này mọi người thường ra chùa làm lễ, cúng các vị thần linh, cảm tạ vì đã cho họ được vụ mùa bội thu. Sau khi thực hiện xong nghi lễ thì mỗi nhà sẽ đem bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng đi biếu những người thân quen, bạn bè, hàng xóm…
Sản phẩm nếp cái hoa vàng Gia Miêu ngoại trang vinh dự được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020 (Ảnh: TL) |
Để phục hồi và phát triển giống lúa quý mang đặc trưng quê hương. Năm 2010, lãnh đạo xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Hà Long (HTX nông nghiệp Hà Long) đi mua giống tại Tổng Công ty giống cây trồng Trung ương, sau một vài vụ cấy thử nghiệm trên diện tích hơn 10 ha. Đến năm 2015, đã mở rộng diện tích cấy lúa nếp cái hoa vàng lên 77,6 ha.
Năm 2016 xã Hà Long tiếp tục có kế hoạch mở rộng diện tích giống lúa nếp cái Hoa vàng lên 100ha, đồng thời hỗ trợ nguồn giống và tập huấn KHKT cho bà con nông dân tham gia sản xuất giống lúa nếp cái hoa vàng thành sản phẩm hàng hóa. Đến nay cả xã Hà Long luôn duy trì ổn định gần 200 ha lúa nếp cái hoa vàng/1 vụ được sản xuất theo quy trình VietGap đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để xây dựng thương hiệu nếp cái hoa vàng, ông Lê Minh Công, giám đốc HTX nông nghiệp Hà Long cho biết, HTX đã triển khai cho nông dân gieo trồng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát từ các khâu đầu vào, như: Giống, làm đất, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đến vụ thu hoạch, sản lượng lúa được HTX dịch vụ nông nghiệp đứng ra làm đầu mối để tiêu thụ. Trong quy trình sản xuất ngoài sự giám sát của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, các hộ sản xuất còn được chính quyền xã và chính các hộ giám sát lẫn nhau để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Do được áp dụng các khâu kiểm soát nghiêm ngặt nên toàn bộ sản lượng được tiêu thụ với giá ổn định và cao hơn so với sản xuất truyền thống. Đến nay sản phẩm nếp cai hoa vàng đã có cái tên mới “Nếp cái hoa vàng Gia Miêu ngoại trang”.
Khẳng định thương hiệu OCOP 3 sao
Quý I/2020, sản phẩm nếp cái hoa vàng Gia Miêu ngoại trang vinh dự được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm mang nhiều đặc trưng riêng như hạt gạo nếp, hương thơm dịu, nhấm thử thấy vị ngọt nhẹ man mát như sữa non lan tỏa nơi đầu lưỡi. Khi nấu chín hạt nếp trong và ráo, bóng, dẻo nhưng không nát. Đồ xôi, làm cốm, làm các loại bánh truyền thống sau 3-4 ngày vẫn mềm và ngon, mùi hương nếp thơm ngào ngạt nên được người tiêu dùng đặc biệt ưa thích.
Với nhiều ưu điểm vượt trội của giống gạo quý, vị đậm đà, mềm dẻo và thơm lừng, thường dùng gói bánh chưng hoặc làm bánh trong các dịp lễ tết, có thể bảo quản dài ngày mà bánh không bị lại gạo. Ngoài ra nếp cái hoa vàng còn được sử dụng để nấu ủ và tạo ra thứ rượu thơm ngon hảo hạng dùng tiếp khách quý.
Người dân nơi đây mong muốn giống lúa nếp đặc sản này có thể tiếp tục vươn xa, được xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới (Ảnh: TL) |
Hiện nay, lúa nếp cái hoa vàng có thể đem lại lợi nhuận kinh tế cao gấp 3 lần lúa tẻ. Mỗi sào lúa tẻ đạt khoảng 270kg x 6000đồng/1kg, tuy lúa nếp đạt chỉ khoảng 200kg x 16.000đồng/1kg, nếu sau chế biến đóng gói có thể bán với giá khoảng 28.000đồng/1kg trong khi chi phí phân bón, sức lao động cả 2 loại như nhau.
Đáng chú ý, năm 2013, HTX đã phối hợp với Công ty Sao Khuê Thanh Hóa, đầu tư vùng nguyên liệu, thu mua, chế biến, trung bình mỗi năm tiêu thụ từ 100 đến 150 tấn. Với năng suất trung bình 1,8 đến 2,2 tạ/sào, để xây dựng thương hiệu nếp cái hoa vàng HTX đã tập huấn cho người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ra thị trường được nhiều khách hàng biết đến tin tưởng và đặt mua với số lượng lớn.
Ông Đỗ Thế Anh, giám đốc Công ty CP Thương mại Sao Khuê cho biết, để bảo đảm lợi ích cho nông dân cũng như công ty trong quá trình thực hiện liên kết, công ty đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa nếp cái hoa vàng với HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hà Long theo phương thức ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, chuyển giao khoa học công nghệ và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm ngay sau khi thu hoạch với giá quy định trong hợp đồng là 16.000 đồng/kg, hiện giá này đang cao hơn giá thị trường từ 5 đến 10%.
Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa thông thường sang trồng giống lúa nếp cái hoa vàng, đến nay, toàn xã Hà Long đã mở rộng diện tích trồng lúa nếp cái hoa vàng ra 12 thôn trong xã.
Mặc dù lúa nếp cái hoa vàng được trồng tại nhiều tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ nhưng không ở đâu cho chất lượng đặc biệt, dẻo thơm như lúa nếp cái hoa vàng được trồng tại vùng đất xã Hà Long. Với người dân nơi đây, cấy lúa nếp cái hoa vàng không chỉ là một nghề mà còn là nét văn hóa được gìn giữ và nuôi dưỡng cho thế hệ mai sau với mong muốn giống lúa nếp đặc sản này có thể tiếp tục vươn xa, được xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới, mang lại giá trị kinh tế cao cho người lao động.
Bất kỳ ai đi ngang qua những cánh đồng lúa ở Hà Long cũng cảm nhận được mùi thơm ngát, mát dịu của hương lúa nếp mơn man. Nhắm mắt, hít một hơi thật sâu để có thể tận hưởng trọn vẹn hương thơm của bông lúa từ khi trổ đòng đến khi lúa chín được nấu thành xôi hoặc làm thành bánh.
Minh Thành