Một trong những điển hình thành công trong mối liên kết này là HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai) đã ký hợp đồng dài hạn với Công ty Bel Gà (Bỉ) để mua 10 triệu gà giống/năm cho các trại gà của thành viên theo một lịch trình và giá cả xác định từ đầu năm. HTX luôn được mua con giống với giá thấp hơn giá thị trường ít nhất 5%.
Ngoài hợp đồng tiêu thụ hơn 70% lượng gà với Công ty Koyu & Unitek có giá cả ổn định trong cả năm, HTX còn ký hợp đồng tiêu thụ 30% lượng gà còn lại với các doanh nghiệp có thương hiệu trong ngành thực phẩm bán lẻ trong nước như: San Hà, Leboucher, Tân Mỹ Châu, Long Bình… Sau khi gà xuất chuồng, phân gà của từng trại được Công ty Huy Bảo thu mua để sản xuất phân vi sinh.
Nút thắt trong liên kết
Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp không chỉ giúp HTX Long Thành Phát hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín một cách minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích, mà còn củng cố lòng tin của của thành viên. Ngoài ra, các thành viên có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao trình độ chăn nuôi.
Hiệu quả, lợi ích là vậy, song đến nay, tỷ lệ liên kết giữa HTX và doanh nghiệp để hoàn thiện chuỗi giá trị bền vững trên thị trường còn khiêm tốn. Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đến nay cả nước có 3.219 HTX thực hiện liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp (chiếm khoảng 25% tổng số HTX). Và cả nước cũng mới có 1.599 doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX, tổ hợp tác, nông dân trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản mới được thực hiện chủ yếu ở các ngành hàng có quy mô sản xuất khá lớn như gạo, cá tra, thủy sản, còn riêng với ngành hàng rau củ quả đa phần vẫn thông qua thương lái.
Mô hình chăn nuôi gà công nghệ cao của HTX Long Thành Phát đạt được hiệu quả cao là nhờ mối liên kết bền vững với doanh nghiệp. |
Thực trạng trên cho thấy, chuỗi giá trị trong sản xuất hàng hóa còn phân tán, khả năng nhân rộng các mô hình liên kết còn hạn chế; tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa người sản xuất và doanh nghiệp còn thấp. Điều đó dẫn đến khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất đối với người nông dân, thành viên HTX chưa cao.
“Nút thắt” của tình trạng này là do nhiều nguyên nhân, trong đó có khó khăn do HTX và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung khi ký kết hợp đồng. Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc HTX mật ong Điện Biên cho biết, đã có nhiều doanh nghiệp đề nghị ký hợp đồng với HTX nhưng khi ngồi lại với nhau, doanh nghiệp luôn đưa ra giá thu mua rất thấp và đề ra những điều khoản chưa hợp lý với điều kiện thực tế của HTX. Vì thế, hiện nay 70% sản phẩm của HTX tiêu thụ qua đơn vị thu mua nhỏ lẻ, còn lại là thành viên tự bán qua mạng xã hội, mối quen biết.
“Doanh nghiệp nắm đằng chuôi nên họ luôn đưa ra giá thu mua thấp và ngược lại - lại đưa ra yêu cầu quá cao về chất lượng sản phẩm. Nếu giá thu mua quá thấp thì việc bảo đảm thu nhập cho thành viên sẽ rất khó khăn, đồng thời làm mất giá trị của sản phẩm”, ông Đạt chia sẻ.
Bên cạnh đó, quá trình sản xuất nông nghiệp thường xuyên phải chịu ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh. Song, những rủi ro này đa phần do nông dân, HTX phải gánh chịu mà ít có sự chia sẻ của doanh nghiệp hay đơn vị đầu tư thực hiện liên kết.
Là người trực tiếp tham gia sản xuất và phát triển kinh doanh, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch HĐQT HTX Bưởi da xanh Bến Tre cho biết, sản xuất nông nghiệp ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, thiên tai và bất ổn thị trường. Hơn nữa, đa phần nông dân đều chỉ tập trung vào sản xuất, chưa có nhiều chuyên môn về xây dựng thương hiệu và thương mại sản phẩm nên vẫn ở thế yếu.
“Mặc dù đã liên kết được với doanh nghiệp, nhưng những thiệt hại đó, người nông dân phải gánh chịu như một phần quy luật tự nhiên, chứ chưa có bất cứ giải pháp nào để kiểm soát”, ông Bảo nói.
Ngoài ra, vẫn có tình trạng ý thức tuân thủ hợp đồng đã ký của một bộ phận người dân, thành viên HTX chưa cao dẫn đến sự bội tín. Theo các chuyên gia, đã có trường hợp nông dân, thành viên bán nông sản cho người mua hoặc các doanh nghiệp khác khi giá thị trường cao hơn hoặc xuất hiện các điều kiện khác hấp dẫn hơn. Một số còn cố tình bán sản phẩm cho các bên khác để lẩn tránh việc thanh toán các khoản mà doanh nghiệp đứng ra đầu tư theo hình thức ứng trước.
Chia sẻ lợi ích, hợp tác cùng có lợi
Việc hình thành, phát triển được mối liên kết bền vững trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa HTX và doanh nghiệp đã và đang tạo ra bước ngoặt lớn tại một số địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia, hợp đồng liên kết giữa HTX và doanh nghiệp hiện còn nhiều bất cập, chưa có chế tài xử lý khi vi phạm hợp đồng. Nội dung hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế nên ràng buộc pháp lý chưa cao. Do đó, các bên dễ vi phạm hợp đồng và nông dân, thành viên HTX thường là đối tượng gặp bất lợi.
Dù đã liên kết với doanh nghiệp nhưng thành viên HTX Bưởi da xanh Bến Tre vẫn lo lắng vì biến đổi khí hậu đang tác động đến quá trình sản xuất và mong muốn có sự chia sẻ của doanh nghiệp. |
Hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn thông qua mối liên kết bền vững giữa HTX và doanh nghiệp, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, việc xây dựng và giữ vững mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp là điều vô cùng cần thiết. Bởi, doanh nghiệp là đầu tàu trong chuỗi giá trị, còn HTX là chất keo kết dính người dân với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để mối quan hệ này phát triển bền vững, theo ông Thịnh, Nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp lý có chế tài đủ mạnh để vừa bảo vệ doanh nghiệp, vừa bảo vệ được HTX và nông dân, đồng thời ràng buộc trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi cao hơn về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp để thu hút doanh nghiệp đầu tư cho HTX và ngược lại có thể hỗ trợ HTX vực dậy sau khi phải hứng chịu những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Còn theo Ts Thị Võ Kim Sa (Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II), việc đưa ra các hợp đồng giữa HTX và doanh nghiệp cần phù hợp với thực tiễn, cùng tôn trọng nhau để phát triển. “Nếu cần yêu cầu cao về chất lượng, doanh nghiệp có thể đồng hành cùng HTX trong quá trình sản xuất như hỗ trợ kỹ thuật, máy móc, cán bộ để HTX từng bước hoàn thiện yêu cầu về chất lượng và quản lý”.
Đồng thời, các cơ quan hữu quan cần phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng liên kết. Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo điều kiện và đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX xây dựng, phát triển các mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản đạt hiệu quả kinh tế cao. Còn người nông dân, thành viên HTX cũng phải chủ động trang bị cho mình kiến thức về sản xuất, thị trường, pháp luật để chủ động bảo vệ quyền lợi trong quá trình liên kết.
Huyền Trang