Loay hoay tìm vốn
Thành lập tháng 9/2004, đến nay sau 15 năm đi vào hoạt động, HTX Vận tải Nhơn Trạch đã thu hút gần 6.000 đầu xe từ 4 đến 52 chỗ ngồi, xe container, xe tải với hơn 4.000 thành viên tham gia.
Ông Phan Huy Sự - Giám đốc HTX Vận tải Nhơn Trạch, cho rằng với số lượng gần 6.000 xe, gần 10.000 lao động, nhu cầu về vốn để hàng tháng trả tiền lãi và tiền gốc cho ngân hàng, chi phí nhiên liệu, tiền lương cho người lao động và các chi phí khác hàng tháng là rất lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi là hết sức khó khăn.
“Để giải quyết việc trước mắt, một số thành viên phải vay nóng với lãi suất cao, ảnh hưởng đến thu nhập. Điều này đã và đang đi ngược lại với chủ trương khi Đảng, Nhà nước đang tích cực chống tín dụng đen. Do vậy, đề nghị Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị Đảng, Chính phủ sớm có giải pháp triển khai hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với các HTX vận tải. Cần phải hỗ trợ ưu đãi cho HTX vận tải về vấn đề tín dụng, qua đó giảm thiểu tiêu cực, giảm chi phí, tăng năng xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống và giúp cho HTX phát triển bền vững”, ông Sự kiến nghị.
Báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, đến thời điểm này, cả nước có 64.081 tổ hợp tác (THT) phi nông nghiệp; 23 Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp; 8.744 HTX phi nông nghiệp. Kinh tế hợp tác (KTHT), HTX phi nông nghiệp thời gian qua đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động; doanh thu, lợi nhuận tăng theo từng năm. Những mô hình mới đã mang lại thành công cho hàng nghìn HTX, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn thành viên trên cả nước.
Số lượng THT, Liên hiệp HTX, HTX phi nông nghiệp tăng nhanh và hoạt động ngày càng hiệu quả đã kéo nhu cầu về vốn vay tăng theo để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù Đảng, Nhà nước và Liên minh HTX Việt Nam trong những năm qua đã có những giải pháp tích cực để giúp khu vực KTHT, HTX tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, khi triển khai, việc các HTX được tiếp cận vốn vay còn hết sức hạn chế.
Báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, tính đến nay, tổng số có 5.730 lượt HTX phi nông nghiệp và 607 lượt THT và thành viên HTX phi nông nghiệp được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX các cấp. Tổng doanh thu cho vay là trên 6.000 tỷ đồng, tổng dư nợ các Quỹ hỗ trợ là 1,3 tỷ đồng (tính đến 31/12/2017). Lãi suất cho vay trung bình là 5,4%.
Trong giai đoạn 2013 - 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tạo điều kiện cho 5.207 HTX được hưởng ưu đãi về tín dụng cho vay tín chấp với tổng dư nợ là 281.403 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, các HTX chưa tiếp cận được chính sách này, khó tiếp cận vay vốn của các ngân hàng thương mại do đa số các HTX không đáp ứng được những điều khoản, thủ tục cho vay.
Thiếu vốn, nhiều HTX không thể mở rộng sản xuất kinh doanh |
Hỗ trợ vốn theo hướng mở
Nhìn nhận thực tế về thực trạng này, ông Phạm Công Bằng - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương, cho biết hiện nay chưa đến 20% các HTX có khả năng tự lực vốn sản xuất kinh doanh, trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng lại vô cùng hạn chế, chỉ chiếm dưới 1%. Theo ông Bằng, vấn đề vốn vẫn là “điểm nghẽn”, khó khăn lớn nhất của HTX.
“Thiếu vốn khiến nhiều HTX không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí còn có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản. Những HTX muốn vươn lên tiếp cận công nghệ cao cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như không giải quyết được vấn đề vốn, thì không có sự chuyển đổi sản xuất theo mô hình chuỗi và sẽ không có sự tăng trưởng bền vững”, ông Bằng nhận định.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành đã thể chế hóa, ban hành và bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với HTX, đặc biệt là hỗ trợ tiếp cận vốn và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thời gian qua đã tạo kênh tín dụng quan trọng giúp các cơ sở KTHT, HTX tháo gỡ một phần khó khăn về vốn để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho một lượng lớn lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX còn bộc lộ khó khăn, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn và đa dạng về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các cơ sở KTHT, HTX… việc tiếp cận vốn vay ưu đãi của các HTX còn rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do họ không có tài sản bảo đảm và không đáp ứng được các yêu cầu chặt chẽ từ các ngân hàng.
“Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành chức năng, quỹ tín dụng nhân dân, các ngân hàng thương mại cần có giải pháp căn cơ, để tháo gỡ khó khăn về vốn, cần kích hoạt nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các HTX, hộ nông dân trên cả nước. Cần có sự thay đổi trong cơ chế hỗ trợ vốn cho các HTX theo hướng mở và rõ ràng hơn. Thủ tục cho vay cần đơn giản hóa, áp dụng cơ chế ưu đãi như mở rộng cho vay tín chấp, tập trung vào các HTX hoạt động có hiệu quả gắn với chuỗi giá trị. Đồng thời, cần có quy định thống nhất về quản trị rủi ro để tăng tính an toàn cho quỹ”, Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Phương Nam