Vốn vẫn là “điểm nghẽn”, là khó khăn lớn nhất của HTX. Nếu như không giải quyết được vấn về vốn thì khó có sự chuyển đổi sản xuất theo mô hình chuỗi và sẽ không có sự tăng trưởng bền vững ở các HTX.
Khó tiếp cận vốn vay
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 206 HTX với 52.573 thành viên, vốn điều lệ 292 tỷ đồng. Tình trạng chung hiện nay tại Đồng Tháp là các HTX vẫn hoạt động đơn lẻ, thiếu sự liên kết theo hệ thống, phạm vi hoạt động nhỏ hẹp, thiếu vốn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế; ngành nghề sản xuất kinh doanh còn ít, chủ yếu là các HTX nông nghiệp.
Việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và công nghệ lạc hậu là những yếu tố liên quan đến khối lượng, chất lượng hàng hóa. Số lượng ít, chất lượng thấp và không đồng đều là rào cản lớn cho việc tiếp cận thị trường của các HTX nông nghiệp.
Theo báo cáo của Quỹ Đầu tư phát triển HTX tỉnh Đồng Tháp, qua 7 năm hoạt động, số vốn của Quỹ đạt 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ mới có 8 HTX được vay vốn để thực hiện 14 phương án sản xuất kinh doanh, với tổng số 10,1 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% nguồn vốn hiện có.
Về chính sách tiếp cận vốn nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, nhiều HTX kiến nghị có thể cho HTX vay tín chấp thay cho chính sách 30% vốn thế chấp hiện nay. Chẳng hạn có thể xem kết quả kinh doanh của HTX trong 3 năm gần nhất, phương án sản xuất kinh doanh hiện tại hiệu quả cùng với hợp đồng mua bán của HTX với doanh nghiệp thì có thể giải ngân cho HTX...
Khó khăn về vốn không chỉ có các HTX ở Đồng Tháp, mà là khó khăn chung của hầu hết các HTX trong cả nước. Bởi theo Quyết định số 23/2017/QĐ- TTg, ngày 22/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã nâng vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đạt 500 tỷ vào năm 2018 và đến năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay Quỹ vẫn chỉ có 450 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ và phát triển HTX cũng được xác định là công cụ quan trọng để hỗ trợ, phát triển HTX, nhưng đến nay còn 12 tỉnh, thành phố chưa thành lập. Quỹ gặp khó khăn về vốn, nên việc triển khai cho các HTX vay vốn cũng hết sức khó khăn.
Ông Phạm Công Bằng - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương, cho biết hiện nay chưa đến 20% các HTX có khả năng tự lực vốn sản xuất kinh doanh, trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng lại vô cùng hạn chế, chỉ chiếm dưới 1%. Đặc biệt các HTX nông nghiệp tiếp cận vốn tín dụng còn khó hơn rất nhiều.
“Nguyên nhân là do các HTX không có tài sản để thế chấp, cầm cố vay vốn. Một số HTX có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, nhưng cũng không được ngân hàng cho vay vốn vì không bảo đảm tính pháp lý. Điều này đã và đang gây ra những trở ngại trong quá trình phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong bối cảnh hiện nay”, ông Bằng cho biết.
Khó tiếp cận vốn vay, HTX khó phát triển bền vững |
Cần một giải pháp tổng thể
Theo ông Bằng, vấn đề vốn vẫn là “điểm nghẽn”, khó khăn lớn nhất của HTX. Thiếu vốn khiến nhiều HTX không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí còn có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản. Còn những HTX muốn vươn lên tiếp cận công nghệ cao lại gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như không giải quyết được vấn về vốn thì không có sự chuyển đổi sản xuất theo mô hình chuỗi và sẽ không có sự tăng trưởng bền vững
Để giải được bài toán về vốn, theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường, trước hết các HTX phải chuyển đổi mô hình hoạt động, giải quyết được những hạn chế về nhân lực, xây dựng được mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả năng áp dụng công nghệ… Khi những điểm nghẽn này được giải quyết, những khó khăn về vốn sẽ được hóa giải. Bên cạnh đó, bản thân mỗi HTX phải nâng cao năng lực để thu hút vốn.
Nếu coi các HTX như “bà đỡ” để giúp phát triển KTTT, hỗ trợ nông dân thì Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX lại được ví như “dòng máu” để lưu thông các hoạt động cũng như phát triển hiệu quả. Tuy nhiên, vốn đang là điểm nghẽn, khó khăn lớn nhất của HTX để sản xuất kinh doanh. Do vậy, rất cần sự chung tay hỗ trợ từ Nhà nước để tăng thêm nguồn vỗn từ Quỹ.
“Nếu được Nhà nước cấp vốn bổ sung, Quỹ sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn, góp phần giảm tình trạng vay nặng lãi, tạo nền tảng, mở rộng đối tượng vay và đáp ứng nhu cầu vốn lớn của các HTX cả về ngắn hạn và trung hạn để khu vực KTTT phát triển mạnh và bền vững”, Phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Được biết, thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tư vấn và hỗ trợ đến 200 triệu đồng cho mỗi mô hình chuỗi giá trị để làm bước đệm ban đầu, bao gồm việc đào tạo nhân lực, trang bị công cụ, tìm nhà tư vấn, làm thương hiệu, xúc tiến thương mại và ký kết các hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Liên minh HTX Việt Nam cũng xây dựng một số đề án tạo điều kiện nâng cao năng lực quản trị của HTX và tăng vốn tự có để tạo điều kiện thu hút vốn.
Hà Nam