Năm 2018, kinh tế hợp tác (KTHT), HTX tiếp tục phát triển và đang trở thành thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế - xã hội. Cả nước thành lập mới 2.366 HTX, 15 Liên hiệp HTX và 7.840 tổ hợp tác (THT). Cuối năm 2018 có 22.456 HTX với gần 7 triệu thành viên, 74 Liên hiệp HTX và 103. 455 THT. Hơn 50% HTX hoạt động hiệu quả. Nhiều HTX tăng quy mô, nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Thu nhập của thành viên tăng 5% trở lên, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo.
Liên minh HTX Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện một số giải pháp nhằm phát triển KTHT, HTX và nâng cao năng lực hoạt động của Liên minh HTX tỉnh, thành phố.
Mục tiêu là nhằm phát triển KTHT, HTX trên địa bàn tỉnh, thành phố nhanh, hiệu quả, bền vững; các THT, HTX, Liên hiệp HTX tăng số lượng, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát triển HTX trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, chú trọng phát triển HTX nông nghiệp.
So với năm 2018, năm 2019 thành lập tăng ít nhất 20 HTX, 1 Liên hiệp HTX và 150 THT, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả chiếm 60% trở lên; số cán bộ quản trị HTX được đào tạo, bồi dưỡng tăng 10%, số thành viên và thu nhập của thành viên HTX tăng 10% trở lên.
Tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị |
Chính quyền vào cuộc
Trước hết, Văn bản số 63 /LMHTXVN-CSPT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, sở ngành, cấp huyện và cấp xã thực hiện các giải pháp phát triển KTHT, HTX: Tuyên truyền sâu, rộng và thường xuyên về bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới, lợi ích mang lại cho thành viên; biểu dương kịp thời các HTX, Liên hiệp HTX và THT tiêu biểu, hoạt động hiệu quả.
Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX cấp tỉnh và huyện; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để tạo điều kiện cho HTX huy động các nguồn lực phát triển; tổng kết thực tiễn phát triển HTX trên địa bàn tỉnh, thành phố để đề xuất sửa đổi một số quy định của Luật HTX 2012 cho phù hợp yêu cầu phát triển KTHT, HTX.
Tiến hành đánh giá, phân loại HTX hoạt động hiệu quả, trung bình, yếu kém để có biện pháp hỗ trợ, tư vấn cụ thể từng HTX thực hiện tái cơ cấu; giải thể dứt điểm các HTX yếu kém, đã ngừng hoạt động để tạo dư địa cho thành lập HTX mới. Phát triển THT để tổ chức sản xuất theo mô hình KTHT, chuyển dần thành HTX, thành lập và hỗ trợ Liên hiệp HTX hoạt động, làm "đầu kéo" cho các HTX huy động nguồn lực phát triển và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Liên minh HTX Việt Nam cũng kiến nghị thực hiện các chính sách thực sự hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư chế biến nông sản, tạo điều kiện liên kết chuỗi giá trị giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp bền vững, hiệu quả.
Tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, thành phố đối với HTX: Miễn phí đăng ký thành lập và thay đổi nội dung hoạt động của HTX; bổ sung vốn hoặc thành lập mới Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để hỗ trợ vốn tín dụng cho HTX; xúc tiến thương mại và chi phí làm thương hiệu sản phẩm; ứng dụng công nghệ cao; đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản trị, đào tạo nghề cho thành viên HTX…; bố trí đủ kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi cho HTX, Liên hiệp HTX tiếp cận nguồn lực hỗ trợ; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo theo mô hình HTX; đẩy mạnh tái cơ cấu và thành lập mới HTX nông nghiệp sản xuất gắn với chuỗi giá trị phù hợp với Quyết định số 46/QĐ- TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Liên minh HTX Việt Nam cũng kiến nghị tạo điều kiện cho Liên minh HTX các tỉnh, thành phố nâng cao năng lực hoạt động, ổn định tổ chức, bộ máy, cơ chế, chính sách tương đương sở, ngành kinh tế của địa phương theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 276/TB-VPCP ngày 3/8/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quản lý có hiệu quả Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; liên kết chặt chẽ hệ thống từ Trung ương đến địa phương để mở rộng cung ứng dịch vụ hỗ trợ HTX; đóng vai trò nòng cốt thực hiện kế hoạch phát triển KTHT, HTX; xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Số HTX thành viên của Liên minh HTX tỉnh, thành phố tăng 20% so với năm 2018, chiếm tối thiểu 80% tổng số HTX của tỉnh, thành phố.
Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị giao Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cho Liên minh HTX Việt Nam trực tiếp quản lý để liên kết hệ thống và nhận vốn cho vay ủy thác từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương; cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương bảo đảm hoạt động tự chủ và hiệu quả; sớm thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đối với các tỉnh chưa thành lập.
Đồng thời, ủy thác cho Liên minh HTX tỉnh/thành phố thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước đối với khu vực KTHT, HTX: Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược chính sách hỗ trợ và phát triển KTHT, HTX; xây dựng báo cáo đánh giá về phát triển KTHT, HTX; kiểm tra giám sát hoạt động của HTX; thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Cho phép Liên minh HTX tỉnh, thành phố có thời hạn nhiệm kỳ hoạt động không trùng với nhiệm kỳ 2016 - 2020 và 2021 - 2026 của Liên minh HTX Việt Nam được lùi thời hạn đại hội đến cuối 2020. Đào tạo lại cán bộ chủ chốt của Liên minh HTX tỉnh, thành phố có năng lực quản lý kinh tế, am hiểu thực tế khu vực KTHT, HTX.
Liên minh quyết tâm
Về phía mình, Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục triển khai một số giải pháp chủ yếu để phục vụ phát triển KTHT, HTX và nâng cao hiệu quả liên kết chặt chẽ hệ thống.
Tham gia Tổng kết 15 năm Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; xây dựng chính sách pháp luật về HTX, Liên hiệp HTX.
Huy động các nguồn lực để mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản trị HTX, đào tạo nghề cho thành viên HTX.
Mở rộng, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu của HTX, Liên hiệp HTX và THT về vốn tín dụng, xúc tiến thương mại, công nghệ, tư vấn pháp lý, thông tin thị trường tập trung cho các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị; phân bổ vốn tín dụng ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương cho tỉnh/thành phố; tăng cường hợp tác, liên kết với Ngân hàng Hợp tác, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, hàng hóa để hỗ trợ HTX tiếp cận vốn tín dụng, sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng HTX có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị ở các tỉnh, thành phố; đổi mới cơ chế, quy trình, tăng kinh phí hỗ trợ, đào tạo cán bộ xây dựng chuỗi giá trị; hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp cung ứng đầu vào và đầu ra cho HTX; đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình HTX.
Đổi mới nâng có hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên. Phối hợp với cơ quan báo chí tổ chức tập huấn cho phóng viên về KTHT, HTX; tuyên truyền khởi nghiệp sáng tạo theo mô hình HTX; đa dạng hóa các biện pháp và hình thức tuyên truyền ở trong nước và quốc tế.
Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai các đề án: Thành lập, hoạt động Trung tâm kiểm toán HTX; hiện đại hóa công nghệ thông tin kết nối giữa HTX với hệ thống Liên minh HTX Việt Nam; tái cơ cấu HTX nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ; đào tạo, nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ cán bộ của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại và công nghệ HTX, biểu dương HTX tiêu biểu trên địa bàn cả nước và Diễn đàn pháp lý HTX khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có sự tham gia của các tổ chức quốc tế, Liên đoàn HTX và các HTX trong khu vực, tạo điều kiện cho các HTX trong nước quảng bá hình ảnh và xúc tiến thương mại, đầu tư công nghệ.
P.V