Đi vào hoạt động từ tháng 9/2016, HTX Nông nghiệp Số có đội ngũ nhân sự trẻ nhiệt huyết. Đặc biệt, HTX là nơi hội tụ những con người có tri thức, khát vọng và yêu thích phát triển nông nghiệp.
HTX hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp. Sau 2 năm hoạt động, HTX luôn đi đầu trong khu vực kinh tế hợp tác (KTHT), hỗ trợ người sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm.
Nâng cao hàm lượng tri thức
Lâu nay, các HTX, nhất là HTX nông nghiệp chưa được hỗ trợ nhiều về CNTT. Mặt khác, với mặt bằng chung còn thấp (từ nhân lực, năng lực đến cơ sở vật chất) nên các HTX nông nghiệp chưa chú trọng ứng dụng CNTT, CNC nên quá trình sản xuất và xây dựng thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn.
Nhận thấy điểm yếu đó, HTX cũng thấy đây cũng chính là thị trường tiềm năng, là cơ hội để đầu tư. Ngoài mục tiêu lợi nhuận, quan trọng hơn cả, HTX mong muốn giúp cộng đồng HTX có cơ hội được tiếp cận những công nghệ tiên tiến, đưa CNTT phục vụ hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Đình Tĩnh - Giám đốc HTX, 100% thành viên của HTX đều có trình độ từ đại học trở lên (trong đó có 2 tiến sỹ và 6 thạc sỹ), tất cả đều tâm huyết với lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài việc thiết kế các website, tư vấn CNTT... các thành viên của HTX đã xây dựng các phần mềm ứng dụng đặc thù, phù hợp với năng lực của các HTX, như: hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, ghi chép nhật ký điện tử thông qua chip điện tử, lưu trữ dữ liệu trên bigdata. Ngoài ra, HTX còn nghiên cứu và hỗ trợ miễn phí cho các HTX về hệ thống ghi chép nhật ký đầu vào, nhật ký canh tác bằng quẹt thẻ; giám sát nhật ký, nhân công qua hình ảnh, tự động in tem truy xuất tại ruộng; truyền dữ liệu qua wifi; đầu nhận dạng không dây; in không cần máy vi tính và tổ chức đào tạo ứng dụng CNTT cho các HTX với chi phí giá rẻ, gần như miễn phí.
Các phần mềm ứng dụng của HTX nghiên cứu ra chủ yếu cho nông dân sử dụng nên việc dùng các ngôn từ, thuật ngữ đều chính xác, dễ hiểu, rõ ràng. Thậm chí, với người chưa sử dụng máy tính cũng có thể làm được sau khi xem và được HTX hướng dẫn như phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản…
Cam Cao Phong dán tem truy xuất nguồn gốc của HTX Nông nghiệp Số |
Hỗ trợ các HTX
Với nhiều tính năng, phần mềm truy xuất nguồn gốc của HTX Nông nghiệp Số đã được nhiều HTX bạn lựa chọn, trong đó có Liên hiệp HTX cam Cao Phong (Cao Phong, Hòa Bình).
Liên hiệp HTX cam Cao Phong có 200 thành viên, sở hữu trên 500 ha cam, quýt sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, với sự tham gia của 4 HTX, gồm: HTX Hà Phong, HTX Nông Nghiệp Số, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Phúc Linh, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Ánh Xuân.
Các HTX đều thực hiện sản xuất theo hướng an toàn, 100% sản phẩm của Liên hiệp đều được truy xuất nguồn gốc, dán tem thông minh trước khi đưa ra thị trường thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc của HTX Nông nghiệp Số.
Phần mềm này là 1 kênh cung cấp thông tin sản xuất của các HTX từ quá trình sản xuất đến khi ra sản phẩm. Các doanh nghiệp, người tiêu dùng có thể dựa vào đây để lựa chọn sản phẩm, thay vì các HTX phải mang đi giới thiệu.
Bên cạnh đó, phần mềm truy xuất nguồn gốc còn giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm cam Cao Phong so với các loại cam khác, từ đó nâng cao hiệu quả của các chuỗi sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Liên hiệp HTX cam Cao Phong còn ứng dụng phần mềm khảo sát môi trường sản xuất, thiết lập bản đồ số trong sản xuất cam nhằm bảo đảm môi trường trước, trong và sau khi sản xuất cũng như phân khu sản xuất khoa học, an toàn.
Đến nay, nhiều phần mềm của HTX như phần mềm truy xuất nguồn gốc, khảo sát môi trường, nhật ký điện tử… được sử dụng rộng rãi tại hàng trăm HTX trong và ngoài thành phố.
HTX đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xuất khẩu 50 dòng sản phẩm nông sản, xây dựng 100 cửa hàng nông sản và trở thành HTX về CNTT số 1 trong khu vực KTHT.
Như Yến