Thời điểm hiện tại đang vào mùa thu hoạch nhiều loại trái cây trong cả nước nói chung và của Bình Thuận nói riêng. Chính vì vậy, vấn đề đối với các HTX, tổ hợp tác đó là ngoài việc tiêu thụ khó khăn, còn có áp lực chi phí sản xuất, thuế, phí...
Tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn
Nguyên nhân, do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh bị đứt đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 và thương mại gián đoạn. Chưa kể đến, khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần, dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, điện duy trì, nhất là kho lạnh để bảo quản và vốn tồn đọng hàng hóa.
Diện tích thanh long tại Bình Thuận vượt quy hoạch trong khi hệ thống phục vụ sản xuất chưa theo kịp. |
Ông Hồ Công Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận cho biết: Hầu hết các HTX, tổ hợp tác tại Bình Thuận đều ở quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Sản phẩm chế biến tại các HTX, tổ hợp tác chủ yếu vẫn là sơ chế nên giá trị gia tăng thấp, chủng loại chưa phong phú. Tỷ lệ chế biến sâu chỉ đạt khoảng 20 - 30%... chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Huỳnh Văn Tất là thành viên HTX Thuận Tiến xã Hàm Liên, huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận cho biết, gia đình ông chuyên sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP để xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Australia. Nhưng do chưa chủ động được thị trường tiêu thụ, chính vì vậy, khi dịch Covid-19 xảy ra, đã khiến cho việc sản xuất thanh long của gia đình gặp rất nhiều khó khăn.
"Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ và xuất khẩu bị ngưng trệ, giá bán giảm thấp khiến thu nhập của gia đình tôi bị ảnh hưởng. Cùng với đó, việc thiếu vốn đã khiến cho gia đình chỉ sản xuất cầm chừng và thu nhập của những người lao động trong vườn cũng bị ảnh hưởng. Một số lao động đã phải nghỉ việc một thời gian", ông Huỳnh Văn Tất nói.
Bên cạnh đó, tình trạng cung lớn hơn cầu đang diễn ra đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp trong các HTX, tổ hợp tác tại Bình Thuận. Tiêu biểu như quả thanh long, theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, Bình Thuận sẽ phát triển diện tích 30.000 ha thanh long. Tuy nhiên, hiện nay diện tích thanh long đã vượt quy hoạch 3.750 ha. Điều này đặt ra nhiều khó khăn trong tiêu thụ, giải quyết nước tưới, nguồn điện sản xuất và vấn đề quản lý…
Mặt khác, giá giảm sâu đối với một số nông sản trong thời gian dịch bệnh tại một số địa phương khác cũng đặt ra vấn đề cần phải hoàn thiện cơ chế vận hành kết nối địa phương với địa phương, nhằm tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định và chủ động.
Đồng hành cùng HTX, tổ hợp tác
Trước những vấn đề cần tháo gỡ, UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các sở, ban ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh chú trọng đơn giản hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian các thủ tục hành chính. Qua đó, nhằm kêu gọi, thu hút các tổ chức có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông nghiệp, đầu tư hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp.
HTX thanh long Hòa Lệ đã xây dựng kênh bán hàng trực tuyến trên trên các sàn giao dịch điện tử |
Rà soát các quy hoạch khu chế biến nông sản, tham mưu điều chỉnh theo hướng gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu quy mô tập trung nhưng phải phù hợp với quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo vệ môi trường. Cập nhật thường xuyên thông tin giá cả, dự báo thị trường trong và ngoài nước để thông tin kịp thời đến người dân, doanh nghiệp, HTX. Song song đó là việc tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản…
Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết: Một số giải pháp cụ thể trong thời gian tới cần chú trọng là điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ. Đối với thanh long, cần xử lý bằng kỹ thuật chăm sóc phù hợp với sản lượng gần tới kỳ thu hoạch và tăng cường sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch.
Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân bố trí sản xuất rải vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu.
Xây dựng các giải pháp giúp ổn định thị trường giá cả tiêu thụ, không để tiểu thương ép giá và dư nguồn cung thanh long, ùn ứ gây thiệt hại cho HTX, người trồng, hộ sản xuất thanh long. Quan trọng là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và các thị trường truyền thống khác.
Cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các ngành chức năng, các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình để tự cứu mình cũng cần phải chủ động tìm nhiều giải pháp để tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các loại trái cây do chính mình làm ra. Trong đó, việc lựa chọn và khai thác mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm được xem là giải pháp hiệu quả...
Ngoài các biện pháp của tỉnh, bản thân các HTX cũng có những phương án riêng cho mình trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Đơn cử, HTX thanh long sạch Hòa Lệ (Hàm Thuận Bắc) là một trong những HTX đã xây dựng kênh bán hàng trực tuyến trên Facebook, website và trên các sàn giao dịch điện tử.
Ông Đỗ Thanh Hiệp - Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ cho biết, thông qua sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, dự án, HTX Hòa Lệ hiện đang tích cực live streaming bán hàng. Qua hình thức kinh doanh này, HTX đã bán được một số đơn hàng về nước ép, thanh long sấy và đơn hàng trên trang Shopee… Đây là hình thức mới, đồng thời là sân chơi bổ ích, ý nghĩa, giúp các HTX thanh long sạch quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Dù còn khá mới mẻ, nhưng việc ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm đang được nhiều HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình đồng tình, ủng hộ. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu, tiêu thụ thanh long truyền thống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là phải giữ được chữ tín để có thể tồn tại lâu dài chứ không phải xem đây chỉ là một phương án tạm thời trong mùa dịch.
Nguyễn Khuê