Mới đây, UBND tỉnh Long An đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới. Và nhiều ý kiến cho rằng trái thanh long đã góp phần đưa huyện Châu Thành là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.
Tạo công việc ổn định
Từ một huyện nghèo, chuyên canh lúa, đời sống nông dân nhiều khó khăn, Châu Thành đã chuyển đổi ngoạn mục sang cây trồng thanh long với vai trò tích cực của nhiều HTX và đạt nhiều thành tựu về kinh tế, tạo việc làm ổn định, có thu nhập khá cho các hộ nông dân địa phương.
Nhiều HTX thanh long ở Long An tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động nông thôn địa phương |
Đến nay, diện tích trồng cây thanh long toàn huyện Châu Thành có hơn 9.000ha (chiếm trên 80% diện tích trồng thanh long toàn tỉnh) và hiện đang có nhiều HTX trong huyện hoạt động hiệu quả gắn liền với loại cây này.
Điển hình như các HTX thanh Long Tầm Vu, HTX Dương Xuân, HTX Thuận Mỹ, HTX Thanh Phú Long và HTX Thuận Mỹ đã xuất khẩu trái thanh long với số lượng lớn. Điều này đã mang lại lợi nhuận cho thành viên và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương với mức thu nhập khá.
Để đạt được những thành quả như hiện nay, ông Trương Quang An, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu, lưu ý nếu làm nông nghiệp theo kiểu truyền thống là "không ăn", khó phát triển bền vững. Nông dân giờ phải có đầu óc kinh doanh, biết liên kết với nhau, xây dựng các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.
HTX Tầm Vu hiện đang phát triển khá hiệu quả, hàng hóa được thị trường tín nhiệm và xuất khẩu đi nhiều nước. Hiện nay, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 140 lao động địa phương với thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Hoặc như HTX Dương Xuân hiện có 110 thành viên với 70 ha thanh long và 14 tổ hợp tác cung ứng sản phẩm. Để góp phần tạo việc làm cho nông dân ở địa phương, HTX thường xuyên phổ biến hiệu quả về chương trình thanh long ứng dụng công nghệ cao cho các thành viên HTX, kể cả người dân quanh HTX.
Bên cạnh đó, HTX còn chuẩn bị nền tảng, từng bước đưa người trồng thanh long trở thành thành viên HTX, từ đó vừa tạo công ăn việc làm cho nông dân địa phương vừa cung cấp lượng hàng lớn, chất lượng cao cho hoạt động xuất khẩu.
Trong 5 năm tới, huyện Châu Thành có thể sẽ nhân rộng khoảng 2/3 diện tích thanh long trong toàn huyện. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các lao động nông thôn và nhà nông trong huyện có thêm công việc ổn định từ trái thanh long.
Điều quan trọng là người dân trong huyện khi tham gia sản xuất thanh long cần cố gắng đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ và phát triển tổ hợp tác, HTX để liên kết sản xuất hàng hóa, chất lượng đồng đều.
Dạy nghề trồng thanh long VietGAP
Ngoài huyện Châu Thành thì huyện Tân Trụ ở Long An cũng được ghi nhận là địa phương tiêu biểu thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và gia tăng việc làm khi chuyển đổi canh tác từ cây lúa sang thanh long.
Tân Trụ vốn dĩ là huyện nông nghiệp, trước đây người dân sống chủ yếu nhờ vào cây lúa. Tuy nhiên, những năm vừa qua, huyện đã phát triển cây thanh long. Chính vì vậy, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện thường xuyên tổ chức nhiều “lớp dạy nghề kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP” cho nông dân.
Với sự quan tâm của huyện trong việc dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP, đã giúp người dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật để tiến tới ứng dụng công nghệ cao trên cây thanh long.
Và các HTX trồng cây thanh long trong huyện cũng được thành lập và phát triển. Như hồi giữa tháng 5/2020 ở xã Nhựt Ninh của huyện Tân Trụ đã thành lập HTX thanh long Nhựt Ninh nhằm giúp nông dân địa phương gia tăng thu nhập từ trái thanh long.
Việc dạy nghề trồng thanh long VietGAP được nhiều nhà nông hưởng ứng |
Tính đến nay, toàn huyện Tân Trụ có gần 1.000 ha thanh long, trong đó xã Nhựt Ninh có trên 74 ha thanh long ruột đỏ.
Trước đó, các hộ trồng thanh long trong xã canh tác theo phương pháp truyền thống, tự tìm hiểu và học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Do chưa có HTX và không được tiếp cận khoa học kỹ thuật, không được các chuyên gia hỗ trợ nên những người trồng thanh long trong xã không đạt yêu cầu, từ đó dẫn đến đầu ra không ổn định.
Còn hiện nay, các hộ nông dân trồng thanh long ở xã Nhựt Ninh đã ý thức hơn trong việc học tập và đào tạo để canh tác cây thanh long chuyên nghiệp hơn. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và tiếp cận phương thức sản xuất hiện đạị.
Do đó, việc các hộ trồng thanh long liên kết thành lập HTX thanh long Nhựt Ninh được kỳ vọng vừa áp dụng tiến bộ kỹ thuật vừa góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân địa phương trong thời gian tới.
Thanh Loan