Từ năm 2009 đến nay, bằng nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 30a, huyện An Lão đã đầu tư hơn 404 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng với 196 công trình điện, đường, trường, trạm. Huyện cũng đã bố trí hơn 90,2 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ gia đình, HTX đầu tư phát triển sản xuất, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo theo hướng bền vững.
Cách làm hay từ liên kết sản xuất
An Lão là một trong 63 huyện nghèo trên cả nước được hưởng các chính sách theo Chương trình 135, 30a, chương trình khác của Chính phủ. Mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho người dân gặp không ít khó khăn bởi điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, giao thông trắc trở, đặc biệt người dân phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số H’rê sản xuất theo kinh nghiệm.
Theo UNBD huyện, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian đầu, huyện đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhưng hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững bởi vẫn đi theo lối mòn là chú trọng để người dân tự phát triển sản xuất. Do đó, nhiều hộ đã xóa được nghèo nhưng lại liên tục tái nghèo.
Gần đây, huyện có nhiều giải pháp mở hướng xóa nghèo bền vững cho người dân. Một trong những cách làm hay, thiết thực và được đồng bào ủng hộ là liên kết người dân để phát triển sản xuất thông qua các mô hình tổ hợp tác, HTX.
Thông qua các tổ hợp tác, HTX, người dân đã có ý thức phát triển sản xuất khoa học, được đào tạo nghề và tạo điều kiện vay vốn ưu đãi…
Tiêu biểu là mô hình HTX Dâu tằm tơ - Thương mại tổng hợp An Lão (xã An Hòa) đã được UBND huyện An Lão cấp giấy phép kinh doanh về lĩnh vực dâu tằm tơ và kinh doanh tổng hợp. Với vốn điều lệ 4,4 tỷ đồng, HTX đứng ra cung ứng các dịch vụ như: trồng và mua bán các giống cây dâu tằm; tổ chức chăn nuôi tằm và mua bán các giống, kén tằm…
HTX hướng dẫn người dân sử dụng giống dâu mới S7-CB được Phòng NN&PTNT huyện giới thiệu. Đây là giống có thể chịu được hạn và ngập úng, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở địa phương. Phương pháp trồng bằng hom thay thế cho cách trồng bằng hạt trước đây giúp năng suất và sản lượng cao gấp đôi. Đặc biệt, phiến lá dày, xanh tươi lâu sau khi hái, cây ít sâu bệnh và dễ hái hơn do cuống lá giòn hơn.
Ông Phạm Văn Cho (thôn Vạn Khánh, xã An Hòa) cho biết trước đây người dân tự mua giống trôi nổi nên hay bị chết do thời tiết thay đổi. Nay với giống mới và áp dụng kỹ thuật, trung bình mỗi sào (500m2) dâu cho thu hoạch khoảng 2 tạ lá, tương đương 4 tấn lá/ha/năm.
Nghề trồng dâu nuôi tằm giúp nâng cao đời sống nhân dân (Ảnh:TL) |
Nguồn dâu chất lượng giúp tằm ăn đạt hiệu quả hơn nên chỉ khoảng 17 - 20 ngày đã cho thu hoạch một lứa kén (trước đây là gần 1 tháng).
Thông qua sự liên kết “4 nhà”, các thành viên và người dân thực hiện mua tằm con về nuôi thay cho phương thức ấp nở từ trứng như trước đây, nhờ đó giảm được tỷ lệ hao hụt do trứng hư không nở và rút ngắn thu hoạch của mỗi lứa nuôi.
Nghề trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa nên thu hút được nhiều người dân tham gia HTX. Chị Phan Thị Thanh Tâm, thành viên HTX, cho biết: Mỗi sào dâu có thể đủ cho tằm ăn và cho thu hoạch ít nhất nửa hộp kén tằm, thu nhập khoảng trên 2,5 triệu đồng, từ đó mỗi năm cho gia đình chị thu hoạch khoảng 6 - 10 lứa tùy điều kiện chăm sóc và thời tiết.
Mô hình sản xuất của HTX Dâu tằm tơ - Thương mại tổng hợp An Lão đã giúp người dân có cuộc sống khá giả hơn. Trồng dâu nuôi tằm cũng trở thành nghề kinh tế mũi nhọn giúp xã An Hòa mỗi năm giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo.
Giảm nghèo gắn với xây dựng NTM
Một trong những đích đến của xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao mức sống của người dân. Chính vì vậy, huyện An Lão chú trọng thực hiện các tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng NTM. Qua đó, không chỉ mang lại những kết quả đáng kể trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, mà còn giúp huyện đạt được những tiêu chí trong xây dựng NTM.
Theo báo cáo của UBND huyện An Lão, trong năm 2019, huyện đã tiếp tục đầu tư gần 18 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng N TM. Trong đó, vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hơn 15,3 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 2,5 tỷ đồng.
Gắn giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới giúp nâng cao đời sống nhân dân (Ảnh:TL) |
Huyện ưu tiên đầu tư tập trung nguồn lực xây dựng các tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm để bảo đảm cho xã An Hòa và An Tân đạt chuẩn NTM vào năm 2020 đúng lộ trình đề ra.
Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, tỷ lệ hộ nghèo của huyện An Lão giảm từ 59,9% (năm 2016) xuống còn 36,3% (năm 2019) theo chuẩn mới. Tỷ lệ người dân có thẻ BHYT đạt 100%; 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 97,1% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh…
Những năm tiếp theo, huyện An Lão tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch của Nghị quyết 30a. Riêng trong năm 2020, toàn huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 26,9%.
Để thực hiện được mục tiêu này, huyện tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Tăng cường phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể nhân dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo, nhất là ở cấp xã.
Đặc biệt, huyện tiếp tục tạo điều kiện thành lập và phát triển các tổ hợp tác, HTX hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo để có việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống.
Huyền Trang