Do không có tài sản bảo đảm nên nhiều HTX không vay được vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh |
Tại toạ đàm: Nâng cao năng lực cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong phát triển lâm nghiệp và tham gia chương trình khí hậu quốc gia, do Viện Phát triển kinh tế hợp tác tổ chức ngày 7/7, hầu hết các HTX đều đưa ra kiến nghị Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam (Co-opbank), Quỹ hỗ trợ Hợp tác xã Việt Nam cần có cơ chế thông thoáng hơn để cho các HTX có thể tiếp cận được vốn.
Vay ngân hàng thương mại còn nhanh hơn Co-opbank
Nhiều HTX cho rằng, họ mong muốn được vay vốn bằng tín chấp, định giá tài sản theo giá thị trường, giảm bớt thủ tục hồ sơ vay vốn…
Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX nông nghiệp 19/5 (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) chia sẻ, các HTX đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. Đặc biệt, để vay được vốn từ Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam (Co-opbank) các HTX phải làm hồ sơ vay vốn.
Nhưng đây lại là khó khăn với các HTX bởi: “Hầu hết các HTX sản xuất nông nghiệp có kinh doanh tốt, nhưng hệ thống hành chính yếu nên khó xây dựng được hồ sơ vay vốn theo yêu cầu. Vì vậy, cần có giải pháp hỗ trợ từ Co-opbank và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX”, ông Thịnh cho hay.
Trong khi đó, các HTX hiện nay hầu hết đều chưa có trụ sở chính thức, chủ yếu là đi thuê, đi mượn, nên không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo không có giá trị lớn. Một khó khăn nữa đối với các HTX hiện nay là khi mua đất để làm trụ sở nhưng lại không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, không thể coi đó là tài sản thế chấp vay vốn.
Ngoài ra, việc định giá tài sản là đất đai hiện rất thấp so với giá thị trường do hầu hết các HTX chỉ có đất nông nghiệp. “Hiện giá đất nông nghiệp được định giá là 200 - 300 triệu/ha. Vì vậy, các HTX được vay vốn rất thấp”, ông Thịnh cho hay.
Đối với thủ tục vay vốn, một số HTX cho rằng so với các ngân hàng thương mại, chỉ cần HTX có tài sản thế chấp, thủ tục giải ngân vốn rất nhanh, nhưng vay theo Co-opbank thì thủ tục, hồ sơ chờ rất lâu.
Cũng băn khoăn về thủ tục hồ sơ vay vốn như ông Thịnh, ông Sầm Nưa - Phó giám đốc HTX Dược liệu Lũng Lô, Văn Chấn, Yên Bái chia sẻ, HTX thành lập cuối năm 2018, chủ yếu kinh doanh trồng dược liệu, vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Năm đầu HTX trồng thử nghiệm các cây dược liệu như trồng Hoài Sơn, Đương Quy..., đến năm 2020 triển khai mở rộng diện tích.
“Hiện HTX đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất và hạ tầng do HTX chưa có thu nhập. Nhưng với những điều kiện như trên, HTX có được vay vốn từ HTX hay không? ”, ông Nưa băn khoăn.
Hầu hết các HTX cho rằng cần có cơ chế thông thoáng hơn để cho các HTX có thể tiếp cận được vốn, giúp các HTX tháo gỡ khó khăn.
Gỡ khó cho các HTX
Trước những kiến nghị của các HTX, đại diện Co-opbank cho biết, khó khăn nhất của ngân hàng khi cho HTX vay vốn là thiếu tài sản thế chấp, còn các thủ tục có thể hoàn thiện sau.
Quang cảnh buổi toạ đàm |
Hiện Co-opbank đã đi khảo sát hoạt động của HTX ở các vùng để đưa ra cơ chế cho vay phù hợp đối với HTX. Co-opbank đã xây dựng quy định cho vay, nhưng việc cho HTX vay đang gặp vấn đề liên quan đến tài sản thế chấp, tín chấp. Chẳng hạn, nếu cho vay tín chấp ngân hàng phải quản lý được tài chính của HTX.
“Hiện nay, Co-opbank cho vay với lãi suất rất thấp, hoạt động của Co-opbank không có lãi, không có trích lập dự phòng rủi ro, nên phải thẩm định hồ sơ vay cẩn thận”, vị đại diện này đưa ra lý do.
Về định giá tài sản thế chấp hiện nay ngân hàng cũng đang gặp khó khăn.Tuy nhiên, trong trường hợp định giá 1 quả đồi trồng cây không thể theo giá thị trường, nhưng với tài sản là bất động sản có thể định giá theo giá thị trường.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX Tỉnh Yên Bái, cho rằng cái khó của HTX là không có tài sản thể chấp để vay vốn, nhưng các Quỹ tín dụng nhân dân và Co-opbank vẫn phải đảm bảo thu hồi nguồn vốn cho vay. Vì vậy, cần có cách làm phù hợp với mô hình HTX.
Chia sẻ thêm, ông cho hay 6 tháng vừa qua cả nước bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, trong đó khu vực kinh tế hợp tác bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, việc hỗ trợ các HTX phục hồi sau dịch là điều vô cùng cần thiết.
Tại Yên Bái, ngay trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát, Liên minh HTX tỉnh đã tiếp cận với Quỹ phát triển HXT Trung ương để vay vốn hỗ trợ cho HTX.
Chẳng hạn có HTX được hỗ trợ vay tới 6 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư, sản xuất. Ngoài ra, một số HTX nhỏ lẻ ảnh hưởng của dịch bệnh có thể cầm cự được khoảng 50 - 70 ngày, nhưng do dịch kéo dài nên khó cầm cự. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ phát triển HTX đã vượt qua được cơn khủng hoảng dịch bệnh.
“Do dịch bệnh, nhiều HTX chăn nuôi trâu bò không có doanh thu nhưng mỗi ngày vẫn phải chi khoảng 60.000 đồng tiền thức ăn cho mỗi con trâu, bò. Nhờ sự quan tâm của Liên minh HTX Việt Nam chỉ đạo Quỹ phát triển HTX các tỉnh, hỗ trợ các HTX được vay vốn để duy trì hoạt động”, ông Đạo cho hay.
Hiện nay, để gỡ khó các HTX, đặc biệt là thành viên HTX, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái triển khai quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để giải quyết kịp thời cho các HTX.
“Nếu cho các HTX vay vốn, thì phải có tài sản thế chấp, hoàn tất thủ tục hồ sơ vay vốn rất lâu, vì vậy, chúng tôi giải quyết cho cá nhân thành viên HTX vay, mỗi thành viên được vay 100 triệu không cần tài sản thế chấp”, ông Đạo cho hay.
Thanh Hoa