Hết dưa hấu, mít, thanh long, hiện lại đến lượt quả xoài ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long bị xuống giá do khó xuất sang Trung Quốc. Điều này khiến một số HTX trồng xoài ở Đồng Tháp rơi vào cảnh thu không đủ bù chi.
Diện tích tăng, giá liên tục giảm
Ông Trần Văn Trạng, Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết mỗi kg xoài bán ra, thành viên HTX lỗ 1.000-2.000 đồng. Cụ thể, xoài Đài Loan hiện chỉ bán với giá 2.000 đồng/kg, xoài cát chu chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc cũng ở mức 20.000-25.000 đồng/kg.
Theo ông Trạng, nút thắt trong đầu ra cho trái xoài ngoài việc Trung Quốc áp dụng các quy định mới về xuất nhập khẩu một cách chặt chẽ hơn, còn do địa phương chưa quản lý được sản lượng xoài cung cấp ra thị trường từng tháng trong năm.
Trong khi đó, bà Cao Thị Triêm, Giám đốc HTX bưởi da xanh Giao Long (Bến Tre) cho biết dù là vùng trồng bưởi đặc sản nhưng có lúc, thành viên chỉ bán được với giá 10.000-12.000 đồng/kg bưởi da xanh. Với bưởi đường lá cam, giá mặt bằng chung cũng chỉ từ 100.000- 300.000 đồng/chục, trong khi mọi năm bưởi loại 1 có giá bán cả triệu đồng/chục.
Theo bà Triên, nguyên nhân chính xảy ra tình trạng được mùa mất giá là do cung vượt cầu. Chính vì vậy, dù HTX cố gắng bao tiêu sản phẩm thu mua của thành viên nhưng vẫn bị lỗ, bởi đến thời điểm này bưởi da xanh vẫn chưa phải là sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong khi chi phí đầu vào quá cao.
Trên thực tế, nhận thấy nhiều loại nông sản đem lại thu nhập cao và lợi nhuận lớn nên không ít bà con nông dân ồ ạt trồng khiến diện tích cây ăn quả tăng liên tục. Theo Bộ NN&PTNT, diện tích cây ăn quả cả nước năm 2021 đạt 1,18 triệu ha, tăng 448.000ha so với năm 2020. Một số cây ăn quả chủ lực như: Nhãn, xoài, thanh long... tăng 5-19% về diện tích so với năm 2020.
Chú trọng đến chất lượng nông sản là cách giúp HTX giải quyết được bài toán thị trường. |
Chỉ tính riêng quả bưởi ở khu vực Nam bộ đã có diện tích 31,9 nghìn ha năm 2021, tăng 5 nghìn ha so với năm 2020. Còn diện tích cây bơ năm 2021 cũng đạt gần 10 nghìn ha ở vùng Tây Nguyên, tăng khoảng 2 nghìn ha so với năm 2020. Và hiện một số loại quả này đang được người dân tiếp tục mở rộng vùng trồng.
Việc diện tích cây ăn quả tăng đồng nghĩa với những lo ngại về thị trường đầu ra. Theo dự báo, nếu Trung Quốc vẫn thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch thì đầu ra cho các loại nông sản, trong đó có các loại cây ăn quả vẫn còn khó khăn.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết để có thể ngay lập tức chấm dứt điệp khúc được mùa mất giá là điều không hề dễ dàng. Dù các Bộ ngành đang cố gắng giúp người dân, HTX, doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản thì vẫn chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề. Trong đó, nguyên nhân chính và cũng không thể giải quyết trong thời gian ngắn đó là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, trồng trọt kiểu phong trào.
Giữ chất lượng để giữ thị trường
Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt. Nhưng theo Bộ NN&PTNT, mới chỉ có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt. Như vậy, trong danh sách này vẫn chưa có nhiều loại nông sản được coi là thế mạnh của Việt Nam như cam, bơ, sầu riêng, dừa, roi…. Do đó, việc trồng các loại nông sản một cách ồ ạt là điều mà các chuyên gia khuyến cáo không hề nên.
Đối với sản xuất nông sản, điều quan trọng là phải tính toán được cung cầu, từ đó có kế hoạch sản xuất phù hợp. Trong đó, cần điều tiết và kiểm soát lượng cung thông qua kiểm soát quy mô sản xuất để hỗ trợ giá cho nông sản như: Giảm bớt sản lượng, thu mua sản phẩm theo giá hợp đồng định trước để đảm bảo nông dân, thành viên HTX không bị thiệt khi được mùa.
Bà Nguyễn Thị Thu Liên (Hiệp Hội Thực phẩm Minh Bạch) cho biết, trong bối cảnh thị trường toàn cầu cạnh tranh gay gắt, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, buộc các HTX phải tìm ra những cách thức mới để tập trung phát triển nông nghiệp bền vững và theo chiều sâu. Thay vì chỉ tập trung vào số lượng, HTX nên ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tạo ra và cung cấp nông sản với giá trị ngày càng cao hơn.
Dẫn chứng về vấn đề này, bà Liên cho biết một số loại quả như bưởi da xanh hiện không còn là đặc sản Bến Tre mà còn bị mất giá vì diện tích cây trồng này tăng rất nhanh, không chỉ tại các tỉnh Đông Nam bộ mà nguồn cung ngày càng dồi dào ở cả các tỉnh miền Bắc, miền Tây. Do đó, áp lực cạnh tranh tiêu thụ của trái bưởi sẽ ngày càng gay gắt hơn trong thời gian tới vì mặt hàng này chủ yếu tiêu thụ tươi, chưa thu hút được đầu tư chế biến, xuất khẩu vẫn chủ yếu là xuất tiểu ngạch.
Thực tế trồng một số loại cây ăn quả đã và đang mang lại thu nhập cao cho người nông dân, HTX và nhiều địa phương cũng nhận thấy rõ vai trò của mô hình HTX trong liên kết sản xuất, từ đó có những tính toán về diện tích, sản lượng phù hợp với hợp đồng thu mua của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nhưng ở chiều ngược lại, nhiều nông sản cũng đã gặp tình trạng sau thời gian hoàng kim rơi vào bế tắc như thanh long, mít, dưa hấu… Ông Lê Văn Hậu (Công ty chứng nhận Vinacontrol) cho biết, các loại nông sản, đặc biệt là các loại cây ăn quả đòi hỏi kỹ thuật cao từ trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển mới có thể xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, điều kiện bảo quản, chế biến của các HTX, doanh nghiệp hiện vẫn còn hạn chế, nếu chỉ tập trung nâng số lượng thì không thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
“Chúng ta không chỉ giải quyết vấn đề này dựa theo lý thuyết là đã đưa ra khuyến cáo người dân, HTX không mở rộng diện tích ồ ạt mà đi cùng với đó, các Bộ ngành cần có giải pháp để đồng hành cùng HTX chiếm lĩnh thị trường bền vững hơn”, ông Hậu nói.
Và giải pháp chính là sản xuất theo nhu cầu thị trường thông qua các chuỗi giá trị. Chỉ có làm tốt việc khuyến khích, tập hợp người nông dân sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, cụ thể là các HTX thì điệp khúc được mùa mất giá mới được giải quyết trong tương lai.
Ngoài ra, các ngành chức năng cũng cần hoàn thiện việc xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam để các HTX có thể nắm được đâu là nông sản đặc trưng của từng vùng miền và tính toán sản xuất cho hợp lý, tránh tình trạng trồng lấn sang những loại cây khác và không cho chất lượng như mong muốn.
Bên cạnh đó, bản đồ nông sản cũng sẽ là kênh thông tin chính thức, giới thiệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm nông sản từng địa phương. Từ đó, thông qua môi trường số, các doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp từng địa phương, HTX để liên kết tiêu thụ.
Huyền Trang