Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, đến nay đã có có 2.200/19.000 HTX nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số và có trên 5,3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp đã được tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 5,8 triệu hộ được đào tạo kỹ năng số. Điều này cho thấy, chuyển đổi số đã và đang len lỏi vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX và người dân.
Thiếu kế hoạch bài bản
Tuy nhiên, từ thực tế sản xuất kinh doanh của HTX cho thấy, không ít HTX đã sử dụng phần mềm, công nghệ mới nhưng hiện tại không còn sử dụng.
Bà Phạm Thị Hoài, Giám đốc HTX Thủy sản Làng Chài (Tuyên Quang) cho biết, các thành viên cũng bán hàng trên mạng, tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi số từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Thế nhưng sau dịch, một trong những điều quan trọng mà hội đồng quản trị của HTX nhận thấy là chi phí đầu tư hạ tầng, công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, cũng như đáp ứng số lượng mua lớn của người tiêu dùng thì HTX chưa thực hiện được. Vấn đề này đã tác động đến quá trình chuyển đổi số, trong đó có việc nhiều thành viên dừng hoặc chưa nhiệt huyết trong bán hàng online.
Từ những gì HTX này đang gặp phải, các chuyên gia cho rằng thời điểm Covid-19, nhiều mô hình kinh tế tập thể đã thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nhưng đến nay đã có sự thay đổi. Điều này có thể do HTX dùng đa dang, ồ ạt các phần mềm, công nghệ và sau một thời gian, HTX thấy không hiệu quả, không phù hợp nên bỏ. Ngoài ra, có thể do HTX không có đủ năng lực để số hóa, hoặc không đủ nguồn lực để chuyển đổi số.
Nghiên cứu trên thế giới, cho thấy ngân sách chuyển đổi số trong mỗi HTX có thể rơi vào khoảng 2-5%/năm. Nhưng tại Việt Nam, nhiều HTX, chưa xây dựng hoặc dự trù riêng một khoản ngân sách cho chuyển đổi số nên gặp khó khăn trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.
Thiếu kế hoạch là một trong những nguyên nhân khiến nông dân, HTX khó chuyển đổi số hiệu quả. |
Dù là một trong những HTX đi đầu trong chuyển đổi số ở khu vực kinh tế tập thể, nhưng do vốn hẹp nên HTX Sunfood Đà Lạt (Lâm Đồng) mới chỉ dừng thực hiện ứng dụng công nghệ hiện đại trên mô hình mẫu, từ đó dẫn đến quá trình chuyển đổi không đồng bộ, hiệu quả sản xuất chưa được cao.
Hiện, rất nhiều HTX rơi vào tình cảnh tương tự như Sunfood Đà Lạt. Các HTX này không đủ nguồn lực để xây dựng cho mình lộ trình chuyển đổi số cụ thể. Trong khi chuyển đổi số là cả một quá trình. Nếu chuyển đổi số chỉ diễn ra trong một vài năm, sau đó dừng lại không những không phát huy hiệu quả mà còn gây tốn kém cho HTX.
Ngoài ra, có rất ít HTX có kế hoạch chuyển đổi số trong quá trình sản xuất kinh doanh. Điều này dẫn đến tình trạng khi nghe các thông tin, chương trình chuyển đổi số, rất nhiều lãnh đạo và thành viên HTX chưa nắm được các giá trị của chuyển đổi số, Từ đó, HTX muốn chuyển đổi số nhưng không biết bắt đầu từ đâu, không có người hoặc đơn vị hướng dẫn, trợ giúp.
Điều này cũng tương đồng với thống kê của Liên minh HTX Việt Nam đó là, chỉ mới có khoảng 19% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể cho chuyển đổi số và 37,5% HTX có chủ trương, quyết tâm chuyển đổi số nhưng không biết phải bắt đầu chuyển đổi số từ đâu.
HTX cần sự trợ giúp, hướng dẫn cụ thể
Theo các chuyên gia, một trong những cấp độ của chuyển đổi số chính là chuyển đổi số theo quy trình. Nhưng nhiều HTX mặc dù có thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh từ rất lâu nhưng không chuyển hóa được quy trình sản xuất theo hướng hiện đại như ISO, GlobalGAP… Điều này là do HTX không có đủ khả năng xem lại 'lỗ hổng' trong quy trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất nên không thành công, không hiệu quả.
Chính vì vậy, nhiều HTX mong muốn được hỗ trợ chuẩn hóa quy trình hoạt động khi thực hiện chuyển đổi số, hay hỗ trợ về lộ trình chuyển đổi số, cần tư vấn về ứng dụng các nền tảng, giải pháp công nghệ chuyển đổi số…
Thực tế, nguồn nhân lực về IT, khoa học công nghệ nói chung ở Việt Nam vẫn còn thiếu hụt, nhân sự này làm việc ở các doanh nghiệp đã thấp thì ở các HTX còn thấp hơn. Từ đó dẫn tới thực trạng, phần lớn các HTX không có nhân sự chuyên về chuyển đổi số. Và khi không có nguồn nhân lực chuyên nghiệp thì rất khó để HTX xây dựng được một lộ trình chuyển đổi số cụ thể, phù hợp. Dù rất muốn nhưng có HTX không biết ứng dụng công nghệ thông tin vào đâu, vào khâu nào của quy trình sản xuất, quản lý, kế toán…
Muốn giải quyết được vấn đề này, các chuyên gia cho rằng điều đầu tiên là HTX cần chuẩn hóa các bước sản xuất theo quy trình, từ đó tạo điều kiện số hóa dữ liệu bằng các công cụ, phần mềm thay vì ghi chép trên giấy. Sau đó HTX từng bước áp dụng các công nghệ hiện đại ở cấp cao hơn như AI, Big Data…
Nhưng để làm được điều này, HTX phải tự làm hoặc thuê nhân lực từ bên ngoài để xây dựng lộ trình cụ thể, đi liền với đó là dành một phần nguồn lực cụ thể cho từng giai đoạn như 3-5 năm, hoặc dài hơn nữa.
Bên cạnh đó, HTX cần xác định được những trở ngại trong chuyển đổi số, sau đó cải tiến quy trình. Chẳng hạn như HTX chạy theo xu thế, áp dụng rất nhiều công nghệ mới ra trên thị trường nhưng hiệu quả thấp, phải dừng giữa chừng thì cần có sự nghiên cứu, chọn lọc công nghệ phù hợp với quy mô, lĩnh vực, thị trường...
Trong điều kiện nguồn lực và năng lực của các HTX vẫn còn nhiều hạn chế như hiện nay, các cơ quan quản lý cần có các kế hoạch, chương trình hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX chuyển đổi số cụ thể. Bởi hiện nay các kế hoạch, chương trình hỗ trợ chuyển đổi số mới chỉ tập trung đến các doanh nghiệp, chưa có nội dung liên quan đến hỗ trợ mô hình HTX.
Cụ thể là Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" chưa có những quy định cụ thể về đối tượng là khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Sunfood Đà Lạt cho biết, HTX cũng như nhiều HTX mong muốn nhận được sự trợ giúp, hướng dẫn cụ thể, thiết thực hơn nữa, phù hợp với mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh của HTX, giúp HTX có thể áp dụng hiệu quả hơn những hạng mục trong quá trình chuyển đổi số.
Huyền Trang