Nghề nuôi chim cút ở huyện Bảo Lâm đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là ở các xã Tân Lạc, Lộc An, Lộc Thành, Lộc Đức và Lộc Ngãi. Ưu điểm của nghề này là chi phí đầu tư ban đầu nuôi chim cút thấp, ưu điểm ít dịch bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc và ít ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, tận dụng được nguồn nhân công nhàn rỗi, thu hồi vốn nhanh…
HTX tạo gắn kết nghề nuôi chim cút
Hiện nay, thị trường tiêu thụ trứng cút khá thuận lợi, tận dụng nguồn phân bón cho các loại cây trồng nên các hộ dân ở huyện mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi chim cút.
Từ khi mua con giống đến lúc cút đẻ trứng khoảng 35 ngày, tỷ lệ đẻ trứng đạt từ 85 đến 90%/ngày, chăm sóc tốt, thời gian cút đẻ trứng sẽ kéo dài từ 7 đến 9 tháng. Với giá trứng từ 3 đến 4 ngàn đồng/chục, nếu nuôi 20 nghìn con, trừ chi phí mỗi tháng một chủ hộ nuôi cút ở huyện Bảo Lâm có thể thu về trên 20 triệu đồng.
HTX Nông nghiệp Gia Phát đang giúp người dân ở huyện Bảo Lâm cải thiện thu nhập với nghề nuôi chim cút. |
Không những vậy, ngày càng có nhiều hộ nuôi chim cút trong huyện đã đồng thuận chuyển đổi từ quy mô gia đình sang quy mô HTX gắn kết với nhau cùng khai thác các nguồn giống, vật tư đầu vào đảm bảo chất lượng và kết nối thị trường đầu ra ổn định lâu dài.
Điển hình như HTX Nông nghiệp Gia Phát ở xã Tân Lạc (huyện Bảo Lâm). Trong 10 hộ thành viên nuôi chim cút của HTX thì hộ nuôi quy mô nhiều nhất với 60.000 con, hộ nuôi ít nhất với 5.000 con.
Ở khâu đầu ra, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm trứng cút, chim cút với giá cao hơn giá thị trường trên dưới 15%, sau đó phân phối đến hệ thống đại lý ở các Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng), Tp.HCM, Tp. Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng... Ngoài ra, HTX còn chế biến tại chỗ phân cút vi sinh để cung ứng giá rẻ cho thành viên sử dụng canh tác cây trồng.
Ông Vũ Duy Văn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phát, cho biết mục tiêu trong vài năm tới là HTX sẽ tiếp tục huy động, đề xuất tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi liên kết chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng. Qua đó, nâng cấp sản phẩm trứng cút đặc trưng của vùng đất Bảo Lâm, Bảo Lộc được xếp hạng OCOP 4 sao của tỉnh Lâm Đồng.
Là thành viên của HTX, ông Trần Văn Thắng cho biết, sau 3 năm hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật nuôi chim cút với quy mô 30.000 con, sản lượng thu hoạch 23.000 - 25.000 trứng/ngày.
Hạch toán với thời điểm tiêu thụ trứng cút 450 đồng/quả vào tháng 10/2022, mỗi ngày, trại nuôi của thành viên Trần Văn Thắng thu về lãi thuần 1,5 - 2 triệu đồng. Chưa kể nguồn thu từ phân chim cút mỗi ngày khoảng 500 kg, thành tiền gần 1 triệu đồng.
Đồng hành cùng dân thoát nghèo
Nuôi chim cút theo mô hình hợp tác, nên hộ thành viên yên tâm đầu tư, bố trí diện tích đất, lao động. Còn nguồn giống, vật tư đầu vào và thị trường đầu ra, công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi đều do HTX Nông nghiệp Gia Phát đảm trách.
Huyện Bảo Lâm đang khuyến khích các HTX, tổ hợp tác sản xuất các sản phẩm đặc trưng của huyện như quả bơ. |
HTX đã thỏa thuận với các bên cung ứng đầy đủ và kịp thời nguồn giống chim cút đạt yêu cầu chất lượng và hiệu quả, đồng thời khai thác thị trường đầu ra để chủ động kế hoạch chăn nuôi của hộ thành viên. Ngoài ra, HTX thường xuyên cập nhật quy trình khoa học kỹ thuật chăn nuôi mới, dây chuyền thiết bị hiện đại để xây dựng mô hình, nhân rộng cho các hộ thành viên.
“HTX hoạt động dịch vụ chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ cung cấp con giống, thức ăn đến quy trình kỹ thuật chăn nuôi và thu mua trứng cút, chim cút thương phẩm, cá tầm thương phẩm để cung cấp cho đại lý trong cả nước. Đồng thời, HTX thường xuyên tạo cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi giữa các hộ trong và ngoài thành viên với nhau...”, Giám đốc Vũ Duy Văn chia sẻ.
Ngoài việc phát triển HTX nuôi chim cút, ở huyện Bảo Lâm đang có cơ chế cũng như chính sách khuyến khích các HTX, tổ hợp tác sản xuất các sản phẩm đặc trưng của huyện như: Sản phẩm chế biến từ chè và cà phê; hạt mắc ca, quả bơ, quả sầu riêng, quả măng cụt, quả dứa…tham gia chương trình OCOP để đổi mới, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm.
Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua huyện Bảo Lâm luôn quan tâm đặc biệt đến việc tạo sinh kế cho lao động địa phương để giảm nghèo. Và nhất là phát triển các HTX, tổ hợp tác để tạo ra “hướng đi dài” giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Toàn huyện hiện có trên 35 HTX, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều mô hình HTX, THT liên kết sản xuất hoạt động hiệu quả, tạo động lực lan tỏa trong toàn huyện, như liên kết sản xuất cà phê bền vững, liên kết sản xuất bơ, sầu riêng chất lượng cao, chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn GAHP, nuôi chim cút…
Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm, tính đến cuối năm 2022, số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 824 hộ, chiếm tỷ lệ 2,44%, trong đó, 586 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 5,56%. Ngoài ra, Bảo Lâm còn 1.749 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,18%, trong đó, 932 hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 8,82%.
Mục tiêu đặt ra trong năm 2023 của huyện Bảo Lâm là giảm hộ nghèo xuống còn 699 hộ, chiếm tỷ lệ 2,07%, trong đó, 359 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 3,40%. Tương tự, số hộ cận nghèo giảm còn 1.296 hộ, chiếm tỷ lệ 3,84%, trong đó, 389 hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 3,69%.
Để công tác giảm nghèo bền vững ở Bảo Lâm trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, các HTX, tổ hợp tác cần đồng hành, phát huy tốt vai trò của mình. Nhất là cùng với người dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, chú trọng khuyến nông, hướng dẫn các hộ nghèo áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi các loại cây trồng khác có năng suất và chất lượng cao... Từ đó giúp đời sống của người dân trong huyện được cải thiện, nâng cao.
Thanh Loan