Với điểm nhấn là trang trại nông nghiệp sạch, HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ (Hải Dương) đã có kế hoạch kết hợp phát triển du lịch để gia tăng giá trị. Tuy nhiên, kế hoạch này đang dang dở vì dù đã bỏ tiền ra đầu tư khu tham quan, hoàn thiện quy trình sản xuất, khu trải nghiệm nhưng để đầu tư thêm khu vực trưng bày sản phẩm, nhà đón khách lại là điều khó khăn với các thành viên.
Còn nhiều dang dở
Bởi xây dựng những khu vực như trên được thực hiện gần nơi sản xuất của HTX nhưng đó lại là đất nông nghiệp. Trong khi muốn xây dựng, HTX phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng dù đã liên hệ và làm việc nhưng phía chính quyền địa phương vẫn chưa có hướng dẫn, cơ chế cụ thể cho HTX về vấn đề này.
“Vì đã đầu tư được nhiều phần trong kế hoạch nên HTX rất muốn hoàn thiện những phần còn dang dở để phát huy giá trị của mô hình du lịch nông nghiệp”, bà Lương Thị Cúc, đại diện HTX cho biết.
HTX Thái Lai-Saemaul (Đà Nẵng) cũng rơi vào cảnh tương tự khi muốn hoàn thiện một số hạng mục hạ tầng để đảm bảo phục vụ khách nhưng vướng vấn đề quy hoạch đất đai. Điều này không chỉ khiến HTX khó thu hút các nguồn hỗ trợ, đầu tư mà còn khiến thành viên, người dân quan ngại về tính hiệu quả của mô hình du lịch trải nghiệm.
Có thể thấy, khó khăn trong phát triển mô hình du lịch nông nghiệp đối với các HTX là không nhỏ và đến cả từ yếu tố chủ quan và khách quan. Nhiều HTX dù đã thu hút được khách đến tham quan trải nghiệm nhưng phần lớn là do thành viên tự mày mò, nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn. Việc HTX du lịch được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo làm du lịch cũng khiêm tốn và chỉ diễn ra ở một số địa phương nhất định. Vì vậy mà kỹ năng giao tiếp, chất lượng dịch vụ phục vụ khách của các HTX bị ảnh hưởng ít nhiều.
Ngoài ra, dù nhiều địa phương trên cả nước đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nhưng yếu tố cơ sở hạ tầng, điện, đường… vẫn chưa được quan tâm khiến việc thu hút khách du lịch và liên kết với các doanh nghiệp lữ hành của HTX gặp không ít trắc trở.
Giám đốc HTX dịch vụ du lịch Tam Giang (Thừa Thiên Huế), ông Văn Hữu Sang cho biết nhiều doanh nghiệp du lịch có nhã ý liên kết với HTX để xây dựng tour nhưng khi nhìn thực tế điểm du lịch của HTX và cơ sở hạ tầng ở địa phương, doanh nghiệp đã lắc đầu.
Để người dân, HTX, doanh nghiệp yên tâm làm du lịch nông nghiệp, cần có chính sách và định hướng xuyên suốt của cơ quan quản lý. |
Không ít địa phương hiện nay cũng đã thừa nhận, dù đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nhưng giữa xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch chưa thực sự chạm đến nhau, từ đó chưa tạo thuận lợi cho người dân, HTX, doanh nghiệp làm du lịch nông nghiệp.
Theo báo cáo từ một số địa phương, hiện chỉ có rất ít trang trại nông nghiệp của người dân, HTX (khoảng 3-5% tổng số trang trại của từng địa phương) sản xuất nông nghiệp kết hợp các hoạt động du lịch nông nghiệp nhưng có hoạt động lưu trú khách du lịch qua đêm.
Điều này được cho là do chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn chưa thực sự rõ ràng, cụ thể khiến các HTX, người dân khi trực tiếp làm du lịch nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn từ nhân lực, quản lý, hạ tầng, thu hút khách…
Chính sách cần dài hơi
Có thể khẳng định, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là hướng đi đúng đắn và nhiều tiềm năng cho các địa phương, HTX. Trong khi Việt Nam vốn là một đất nước nông nghiệp và đang thu hút 65% số HTX ở nông thôn.
TS Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp - phát triển nông thôn II (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhiều nước trên thế giới, cụ thể như Hàn Quốc đang xảy ra tình trạng thiếu các mô hình du lịch nông nghiệp trong khi nhu cầu của người dân rất cao. Điều này dẫn tới tình trạng người dân Hàn Quốc phải đi rất xa mới có một nơi để tham quan, trải nghiệm.
Và hiện một số địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn ở Việt Nam cũng đang rơi vào cảnh tương tự trong khi nguồn thu từ hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp được đánh giá là sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.
Theo TS Trần Minh Hải, muốn phát triển mô hình HTX du lịch, trước hết cần coi trọng tính đặc thù của từng địa phương. Chẳng hạn như các HTX ở miền núi phía Bắc nên quan tâm phát triển các sản phẩm OCOP để thu hút khách du lịch. Còn tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP HCM, cần đầu tư mạnh hơn nữa trong việc phát triển mô hình nông nghiệp du lịch theo hướng công nghệ cao vì vừa tận dụng được thế mạnh về khoa học công nghệ, vừa giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường và vừa đáp ứng nhu cầu cuộc sống của con người hiện đại.
Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, các chính sách về phát triển du lịch nông nghiệp cần có sự thống nhất, đồng bộ ngay từ cấp quốc gia. Hiện, chính sách phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ NN&PTNT đã được Chính phủ phê duyệt và đi vào thực hiện nhưng lại chưa có sự lồng ghép, hướng dẫn với các chính sách du lịch nông nghiệp của Bộ VH-TT&DL. Chính vì vậy, nhiều địa phương loay hoay trong thực hiện chính sách, chưa quy hoạch địa điểm, cảnh quan, sản phẩm du lịch nông nghiệp, đồng thời thiếu liên kết và quảng bá sản phẩm. Còn người dân, HTX du lịch lâm vào cảnh chờ đợi, tiến thoái lưỡng nan và thiếu động lực để hoàn thiện, phát triển.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nên xem xét xây dựng chính sách, cơ chế cụ thể cho từng ngành hàng, lĩnh vực như: du lịch kết hợp với trồng hoa, hay du lịch kết hợp với thủy sản, gạo, rau màu… để người dân, HTX khi làm thực tiễn dễ dàng tiếp cận các mức hỗ trợ cũng như bảo đảm các điều kiện đặc thù trong sản xuất và kinh doanh du lịch.
Dẫn chứng từ thực tiễn của không ít HTX cho thấy, khi làm nông trại trồng cây ăn quả chuyển từ nông nghiệp đơn thuần sang nông nghiệp du lịch thì vườn phải luôn có quả cho khách đến tham quan, trải nghiệm. Còn nếu không có quả quanh năm thì thu nhập có thể thấp hơn sản xuất quả đơn thuần để bán. Chính vì vậy, cần có cơ chế, định hướng rõ ràng cho từng ngành nghề để người dân, HTX kiên định với du lịch nông nghiệp.
Ngoài chính sách tổng thể, các địa phương cần xây dựng chính sách, cơ chế cụ thể cho phát triển du lịch nông thôn để tạo thuận lợi cho người dân, HTX đi đúng hướng và tận dụng được các tiềm năng, nguồn hỗ trợ…
Bởi thực tế hiện nay, mới có một số địa phương xây dựng chính sách, cơ chế riêng cho phát triển du lịch nông thôn. Điều này dẫn đến nhiều mô hình du lịch của HTX khó tiếp cận được chính sách đầu tư, chính sách đất đai... nên chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như chưa phát huy được hết vai trò của mô hình HTX trong làm du lịch.
Huyền Trang