HTX trồng và sản xuất chè Thanh Thủy có số vốn điều lệ hơn 200 triệu đồng với 13 thành viên tham gia. Từ khi thành lập, HTX thường xuyên đến từng gia đình giúp người dân có thêm kinh nghiệm trồng, thu hoạch và chế biến chè, qua đó giúp bà con có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Bà con ở Vị Xuyên thu hoạch chè (Ảnh: TL) |
"Đánh thức" tiềm năng cây chè cổ
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội, nhưng thiên nhiên ưu đãi cho 4 thôn vùng cao của xã Thanh Thuỷ những đồi chè Shan tuyết cổ trên độ cao từ 500 - 1.000m so với mực nước biển.
Do có khí hậu và thiên nhiên ưu đãi, nên chất lượng trà Shan tuyết nổi tiếng thơm, ngon và sạch, được người sành trà trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên, do chưa có một quy trình chuẩn nên từ khâu chăm sóc chè đến sản xuất, tiêu thụ bộc lộ nhiều hạn chế. Hầu hết diện tích chè chưa được người dân chú trọng đầu tư chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nên năng suất khiêm tốn, mới chỉ đạt 30 tạ/ha/năm.
Hơn nữa, việc thu hái chè búp tươi của người dân thường dài hơn so với tiêu chuẩn kỹ thuật mà các doanh nghiệp yêu cầu, nên giá bán chè tươi tương đối thấp, từ 5.000 – 12.000 đồng/kg.
Ngoài ra, do giao thông đi lại khó khăn, việc vận chuyển chè từ nơi thu hái đến nhà xưởng sản xuất mất nhiều công sức, thời gian.
Từ thực tiễn này, với mong muốn phát huy giá trị chè Shan tuyết Thanh Thủy, năm 2015, một thành viên của tổ hợp tác sản xuất chè là gia đình ông Lý Văn Phúc, thôn Nà Toong đã chủ động đầu tư máy chế biến chè sao suốt tại nhà, có giá bán gần 200.000 đồng/kg chè thành phẩm, chất lượng được người tiêu dùng đánh giá cao.
Khi sản phẩm bán ra ổn định, tháng 9/2017, ông Phúc và các thành viên trong tổ hợp tác quyết định tạo thương hiệu riêng và thành lập HTX trồng và sản xuất chè Thanh Thủy, với số vốn điều lệ hơn 200 triệu đồng, có 13 thành viên tham gia.
Từ khi thành lập, HTX thường xuyên đến từng gia đình giúp người dân có thêm kinh nghiệm trồng, thu hoạch và chế biến chè, từ đó có thể đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Hiện nay, mỗi hộ có khoảng 4 ha chè hữu cơ, tổng diện tích nguyên liệu của HTX khoảng 150 ha. Trung bình mỗi năm, HTX bán ra thị trường trên 4 tấn chè khô với doanh thu hơn 800 triệu đồng. Nhờ đó, HTX tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, góp phần ổn định đời sống cho bà con địa phương.
Chị Giàng Thị Vàng - hộ trồng chè ở thôn Nà Toong, chia sẻ trước đây gia đình mỗi vụ bán ra được mấy triệu đồng, không đủ tiền sinh hoạt, chị đã tính bỏ cây chè để trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Tư khi được cán bộ xã vận động, tham gia vào HTX, mỗi năm chị thu về được cả trăm triệu đồng. Nhiều thương lái còn tìm đến tận nhà chị mua vì biết chè sạch và được thu hoạch đảm bảo.
"Vị ngọt" từ kiên trì
Ông Lý Văn Phúc, Giám đốc HTX trồng và sản xuất chè Thanh Thủy cho biết: "Ban đầu mới làm chè sạch, ai cũng thấy khó khăn. Bà con nông dân không biết cách chăm sóc và thu hoạch chè, nên khi chế biến thì chất lượng chưa được như ý. Cộng thêm đường sá đi lại khó khăn, từ nhà nọ sang nhà kia còn xa, nói gì đến khu vực chè mọc trên núi cao".
Hơn nữa, bà con vùng Vị Xuyên còn nghèo, thấy lợi trước mắt thì làm, thấy không hiệu quả thì bỏ. Vì vậy, gia đình ông vừa phải hướng dẫn bà con thu hoạch, chăm sóc chè, vừa vận động bà con kiên trì không bỏ loại cây đặc sản vùng núi cao mà ít nơi nào có được.
Đất không phụ lòng người, thành công đã đến với HTX trồng và sản xuất chè Thanh Thủy. Chè của HTX đã có thương hiệu, đầu ra ổn định, chất lượng được khách hàng đánh giá cao.
Do được thu hoạch và sản xuất đúng tiêu chuẩn nên chè Shan tuyết của HTX có chất lượng cao (Ảnh: TL) |
Hiện, sản phẩm của HTX không chỉ bán lẻ trong tỉnh mà còn xuất bán sang các tỉnh lân cận. Chè hữu cơ thôn Nà Toong đang được xã Thanh Thủy tập trung phát triển, dự định sẽ đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho việc chế biến, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo thu nhập hơn nữa cho người trồng chè.
Chè hữu cơ Nà Toong còn được xã Thanh Thủy lựa chọn là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương.
Lãnh đạo xã Thanh Thủy chia sẻ, việc thành lập HTX là bước ngoặt quan trọng để cụ thể hóa chiến lược xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu chè Chốt tại thôn Nà Toong mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra. Không những vậy, thông qua việc thành lập HTX còn có nhiều thuận lợi, bởi HTX là đơn vị có tư cách pháp nhân để ký kết hợp đồng mua vật tư đầu vào với số lượng lớn, giá rẻ, ký kết hợp đồng trực tiếp với đơn vị thu mua, không thông qua thương lái, giúp tăng giá bán sản phẩm, dễ tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng… Hơn nữa, Ban quản trị HTX là người địa phương, trực tiếp sản xuất, tạo thuận tiện cho việc tuyên truyền, vận động, quản lý, chăm sóc, thu hoạch chè.
Thời gian tới, HTX trồng và sản xuất chè Thanh Thủy sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới từ chè, đồng thời phát triển thêm dịch vụ, thu hút nhiều khách hàng tiềm năng, khẳng định thương hiệu chè Hà Giang trên thị trường trong nước.
Minh Phạm