Võ Miếu là xã thuần nông của huyện Thanh Sơn, với tổng diện tích đất tự nhiên gần 4,5 nghìn ha, hơn 3.000 hộ dân và 12,8 nghìn nhân khẩu. Cây trồng chủ yếu là lúa, ngô và đặc biệt là cây chè - sản phẩm chủ lực của địa phương.
Xuất phát điểm với chỉ 4/19 tiêu chí, đến nay, xã Võ Miếu đã hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư nâng cấp, hệ thống đường giao thông, cảnh quan môi trường được cải thiện.
Còn nhiều thách thức
Các tiêu chí về y tế, giáo dục và văn hóa đang là những điểm nhấn ấn tượng nhất tại Võ Miếu. Về y tế, các trạm y tế xã được đầu tư khang trang, cơ sở vật chất tương đối hiện đại, trình độ y bác sĩ bảo đảm theo quy định, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Về giáo dục - văn hóa, hệ thống trường học trên địa bàn xã đã được kiên cố hóa. Hiện có 2/5 trường đã đạt chuẩn cấp độ 1, số còn lại cũng có chuyển biến tích cực. Nhà văn hóa được xây dựng đầy đủ, 22/22 khu dân cư có nhà văn hóa để hội họp, tổ chức các hoạt động chuyên môn, cộng đồng.
Giao thông cũng đang là tiêu chí được xã đầu tư mạnh. Tuyến đường giao thông trục chính từ xã đi huyện được đầu tư bảo đảm giao thông thuận tiện, các tuyến đường liên thôn đạt trên 40%, đường trung tâm khu dân cư đã được bê tông hóa đạt gần 50%.
Bên cạnh những thành tựu, xã Võ Miếu cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn trong các tiêu chí thu nhập. Hiện tỷ lệ hộ nghèo tại Võ Miếu ở mức 7,1%, cơ cấu nông nghiệp còn thiếu khoa học, sản xuất manh mún, phát triển thiếu đồng bộ.
Nhìn thẳng vào thực tế để tìm ra giải pháp. Để giải quyết khó khăn, những năm qua, xã đã triển khai nhiều kế hoạch nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo cơ chế cho doanh nghiệp vào hợp tác với người dân, đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp để tăng giá trị kinh tế.
Các HTX chè sẽ là chìa khóa để phát triển NTM tại Võ Miếu |
Lời giải từ HTX chè
Trong hàng loạt giải pháp được thực hiện, phát triển HTX, tổ hợp tác nông nghiệp gắn với xây dựng NTM được Võ Miếu đầu tư trọng điểm. Các HTX chè đang là những đơn vị thể hiện được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương trong thời gian qua.
Đơn cử, với tổng diện tích hơn 60 ha, 103 hộ trồng và chế biến, cây chè trở thành cây trồng chủ lực tại làng Thanh Hà (xã Võ Miếu). Để phát huy thế mạnh địa phương, năm 2017, HTX Chè an toàn Thanh Hà được thành lập, với mục tiêu thay đổi công nghệ sản xuất, xây dựng thương hiệu chè chất lượng cao.
Vào HTX, toàn bộ quy trình chăm bón, thu hoạch chè của các thành viên, hộ liên kết được thay đổi, sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Lê Xuân Thanh - Phó Giám đốc HTX, cho biết: “HTX đang phát triển 18 ha chè an toàn, năng suất bình quân đạt trên 20 tấn/ha, tổng sản lượng đạt hơn 300 tấn/năm. Không chỉ tạo lợi ích cho thành viên, hộ liên kết, HTX đang góp phần thay đổi phương thức sản xuất, nâng tầm thương hiệu của cả làng nghề”.
Dưới sự dẫn dắt của HTX, sự đoàn kết của người trồng chè và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, tháng 4/2018, làng nghề chế biến chè Thanh Hà chính thức được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận làng nghề an toàn.
Bà Đinh Thị Kiều An - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn, cho biết: “Huyện đang dành nhiều sự quan tâm cho việc xây dựng thương hiệu chè Thanh Sơn, bắt đầu từ việc xây dựng thương hiệu chè an toàn chất lượng cao ở Thanh Hà. Đây cũng là bước đi quan trọng giúp xã Võ Miếu đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện tiêu chí thu nhập trong NTM”.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ người trồng chè mở rộng diện tích, nâng cao công nghệ sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng, đồng thời đưa sản phẩm chè của HTX tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại.
Nhật Minh