Nhiều HTX đang có nhu cầu rất lớn về vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Bởi trong giai đoạn thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, buộc HTX phải có sự chuyển đổi sản xuất theo mô hình chuỗi, mới có thể dẫn đến sự tăng trưởng bền vững.
Khó tiếp cận nguồn vốn
Để làm được điều này đòi hỏi HTX phải tiếp cận công nghệ cao và phải giải quyết vấn đề về vốn. Tuy nhiên, thời gian qua, việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng, các chương trình hỗ trợ của các HTX vẫn gặp không ít khó khăn.
Ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (Vĩnh Long) cho biết HTX đã tích tụ đất, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi. Điều này đã giúp giảm thấp nhất giá thành đầu vào và tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích cho thành viên, người dân. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của HTX hiện nay là khó tiếp cận với các nguồn vốn để có thể chủ động đầu tư các loại máy móc hiện đại phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ.
Tương tự, HTX sản xuất dịch vụ và thương mại Kim Chòi (Lạng Sơn) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hoa, cây cảnh. Với mong muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, HTX đã tìm đến nguồn vốn vay ngân hàng.
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, tài sản thế chấp của HTX không đảm bảo, chưa đáp ứng đầy đủ thủ tục vay vốn nên không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ phía ngân hàng. Trước tình thế này, HTX phải huy động nguồn vốn từ bên ngoài với lãi suất cao gấp đôi lãi suất vay ngân hàng. Do đó hiện nay, HTX hoạt động ở mức cầm chừng và mong được tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng và các chương trình hỗ trợ để tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh.
Muốn đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX cần nguồn vốn lớn để đầu tư. |
Có thể thấy, không ít HTX đang rơi vào cảnh thiếu vốn trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn lại rất khó khăn. Nguồn vốn để các HTX đầu tư vào sản xuất kinh doanh hiện nay chủ yếu là vay từ thành viên, người thân của gia đình thành viên.
Trong khi đó, nguồn vay khác của các HTX đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như nguồn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tuy đã giúp không ít HTX giải tỏa bài toán thiếu vốn nhưng theo đánh giá từ các địa phương, nguồn vốn này hiện chưa thể phân bổ đủ. Thậm chí có tỉnh còn chưa thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nên HTX chưa thể “bấu víu” vào nguồn vốn này.
Nguồn vốn tiếp theo các HTX có thể tiếp cận là vay thông qua các tổ chức, đoàn thể. Nhưng thực tế cho thấy, hình thức vay này thường là vay tín chấp và HTX chỉ được vay khi không còn dư nợ. Trong khi đó, đa số HTX hiện nay đều có dư nợ tại các ngân hàng nên không thỏa mãn được điều kiện vay vốn.
Ngoài các kênh vay vốn trên, HTX có thể tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, điều kiện để vay vốn từ ngân hàng thương mại là HTX phải có tài sản thế chấp, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Thực trạng hiện nay của phần lớn các HTX là có tài sản rất ít, giá trị thấp hoặc không có tài sản, tài sản không bảo đảm các điều kiện cho vay từ phía ngân hàng. Bên cạnh đó, rất ít HTX đáp ứng được điều kiện về phương án sản xuất kinh doanh do mới thành lập hoặc chưa liên kết được với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị.
Chính vì những lý do trên mà rất ít HTX có thể tiếp cận được với các nguồn vốn khác nhau. Có HTX tiếp cận được thì cũng chủ yếu là vốn ngắn hạn, chưa phải vốn trung - dài hạn để quay vòng đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại hiện nay thường có lãi suất lớn nên tạo thêm gánh nặng cho HTX.
Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (Đồng Nai), cho biết lãi suất HTX vay ngân hàng hiện nay là từ 10-11%/năm và với khoản vay hàng tỷ đồng thì nguyên tiền lãi cũng là vấn đề không hề nhỏ với HTX. Nhất là khi chăn nuôi đang bị tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục nên hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX rơi vào tình cảnh khó càng thêm khó.
Xây dựng niềm tin, gỡ khó chính sách
Theo Viện Chiến lược Ngân hàng, dư nợ cho nền kinh tế đến cuối năm 2021 là 9.680.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm 25% tổng dư nợ cho nền kinh tế, nhưng tổng dư nợ cho khu vực kinh tế tập thể chỉ chiếm 1.137 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự chênh lệch về nguồn đầu tư tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Bà Đỗ Thị Bích Hồng, Phó trưởng phòng Chiến lược ngành ngân hàng, Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết hiện nay, các khoản vay của các HTX chủ yếu là ngắn hạn, có lãi suất thông thường. Điều này giúp các ngân hàng hạn chế được nhiều rủi ro trong quá trình cho vay và thu hồi vốn.
Phía ngân hàng cũng biết nhu cầu vay vốn mở rộng kinh doanh của các HTX, liên hiệp HTX là cần thiết, cấp bách nên ngành ngân hàng cũng rất muốn chia sẻ với các HTX.
Tuy nhiên, theo Bà Hồng, để tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn từ ngân hàng, điều quan trọng hơn cả là HTX phải tạo được lòng tin, thuyết phục được ngân hàng bằng phương án sản xuất kinh doanh thật, có khả thi, hiệu quả. Muốn vậy, HTX phải thiết lập cơ chế mới, nâng cao năng lực quản trị. Song song đó, HTX cần thực hiện mối liên kết với doanh nghiệp để hình thành các chuỗi sản xuất hàng hóa bền vững.
Ngoài nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại, các HTX cũng rất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay một số chương trình hỗ trợ vốn đến với HTX còn chậm, chưa khả thi.
Chẳng hạn như nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, Quyết định số 68/2013/QĐ TTg, rất ít HTX tiếp cận được. Nguyên nhân do điều kiện cho vay còn ràng buộc, khắt khe về báo cáo tài chính, năng lực sản xuất sạch, tính hiệu quả của mô hình…
Ngoài ra do chưa nhìn nhận rõ vai trò của mô hình HTX nên nhiều địa phương, cơ quan quản lý chưa nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ về vốn cho các HTX, khiến các HTX khó tiếp cận. Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, HTX theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ được Liên minh HTX các tỉnh, thành phố cho biết là vẫn chậm triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính để thực hiện.
Đi cùng với đó là một số chính sách chưa có nguồn kinh phí riêng để thực hiện, chủ yếu là kinh phí lồng ghép vào các chương trình, dự án nên chưa đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của các HTX. Cụ thể như vốn hỗ trợ HTX xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư máy móc… đang lồng ghép vào nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Chính vì vậy, muốn giải tỏa cơn khát vốn cho các HTX, ngoài sự vào cuộc của các ngân hàng để có thể kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để các HTX, tổ hợp tác, nông dân tiếp cận nguồn vốn vay thì các cơ quan quản lý cũng cần nhanh chóng vào cuộc nhằm tháo gỡ những khó khăn về quá trình thực thi chính sách, từ đó hỗ trợ các HTX tiếp cận, thụ hưởng các chính sách ưu đãi về vốn một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Để làm được điều này, các cấp có thẩm quyền phải thường xuyên nắm bắt tình hình thực trạng của các HTX nhằm kịp thời đề xuất với cơ quan liên quan điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, HTX hoặc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, HTX phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững.
Huyền Trang