Gần đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và Giáo trình đào tạo nghề Giám đốc HTX Nông nghiệp phục vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn nhằm đào tạo bài bản nghề giám đốc HTX.
Hơn một nửa cán bộ quản lý HTX chưa qua đào tạo
Có dịp tham quan, tìm hiểu ở các HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì dễ dàng nhận thấy một điều rằng, HTX nào có giám đốc được đào tạo bài bản thì quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động tốt hơn hẳn. Thực tế thì đã có nhiều HTX được thành lập chóng vánh, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là vai trò, vị trí của người đứng đầu nên chỉ hoạt động được một thời gian do Giám đốc HTX điều hành theo thói quen, năng lực sẵn có… đã nhanh chóng phải rời khỏi thương trường.
Chị Trần Thị Tuyết, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tuyết Hương (Thái Nguyên) là một trong những học viên đã tham gia Chương trình đào tạo thí điểm nghề Giám đốc HTX. |
Nắm bắt được quy luật này mà vài năm trở lại đây, nhiều HTX đã chủ động cử người đi học hoặc đích thân Giám đốc HTX đã chủ động tìm hiểu và đăng ký các khoá học trực tiếp hoặc online, đào tạo kỹ năng quản lý với mong muốn năng cao năng lực, có những chiến lược đúng đắn, cụ thể cho HTX. Nói cách khác, nghề Giám đốc HTX nông nghiệp cũng là một nghề đặc thù, muốn giỏi nghề rất cần được đào tạo.
Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX thủy sản Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn cho biết, HTX thành lập năm 2010 với 12 thành viên, số vốn điều lệ ban đầu chỉ có 60 triệu đồng. HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản.
Vốn ít, hoạt động sản xuất của các thành viên HTX chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế thấp. Thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn, đặc biệt thông qua lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã gợi mở cho HTX có thêm những hướng phát triển mới. Điển hình như việc lập phương án sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị. Sau khi tham dự tập huấn, HTX đã áp dụng thực tế và xây dựng cho mình phương án sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị cụ thể. Một mặt HTX chuyển đổi từ nuôi cá ở hồ sang nuôi cá lồng, mặt khác tìm mối liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh.
Thực tế thì vẫn còn nhiều giám đốc HTX nông nghiệp chưa được đào tạo bài bản, tâm lý “ngại học” vẫn tồn tại, nhất là với những người lớn tuổi. Đây cũng là một trong những lý do cho thấy, dù cả nước đã có khoảng 18.500 HTX nông nghiệp và tỉ lệ các HTX được đánh giá là hoạt động có hiệu quả tuy đã tăng lên hơn 60%, nhưng năng lực nội tại của nhiều HTX nông nghiệp còn yếu, đặc biệt là các kỹ năng quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý...
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể (KTTT) và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, khu vực KTTT mà nòng cốt là HTX đã có chuyển biến tích cực.
"Các HTX nông nghiệp được thành lập dựa trên điều kiện và hoàn cảnh khác nhau song đều có một điểm chung là đội ngũ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp, nhất là các giám đốc HTX ít nhiều còn hạn chế về kỹ năng quản trị, tổ chức hoạt động, kiến thức thị trường và chưa được đào tạo bài bản" - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT khẳng định.
Mở ra nhiều cơ hội cho các HTX
Ông Lê Minh Tân, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ (Liên minh HTX Việt Nam) cho rằng, cán bộ quản lý HTX nông nghiệp đã qua đào tạo từ sơ cấp đến đại học đạt tỷ lệ 55%, trong đó trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 18% trong tổng số gần 16.200 HTX nông nghiệp hiện nay.
“Ngoại trừ chủ tịch HĐQT và Giám đốc các HTX trẻ, mới thành lập thì phần lớn cán bộ lãnh đạo HTX đều đã hết tuổi lao động. Do trình độ thấp, ít được đào tạo, tập huấn, độ tuổi cao nên đội ngũ này thiếu nhạy bén, khó tổ chức xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả cho HTX, khó nắm bắt kịp cơ chế thị trường…”, ông Tân nói.
Đây cũng là lý do mà từ nhiều năm nay, Liên minh HTX Việt Nam với vai trò là tổ chức đại diện cho các HTX luôn quan tâm và thường xuyên tổ chức các khoá học đào tạo Giám đốc HTX, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các HTX… Năm nào đơn vị cũng dành một khoản kinh phí nhất định cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các HTX. Riêng giai đoạn từ 2021-2025, Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành chương trình khung về bồi dưỡng cán bộ trong HĐQT, ban giám đốc, kế toán trưởng, cán bộ kiểm soát và cán bộ nghiệp vụ của HTX. Được biết, giai đoạn này, Liên minh HTX Việt Nam dự kiến tổ chức 335 lớp bồi dưỡng với tổng số hơn 18.000 lượt học viên là cán bộ chủ chốt HTX; đào tạo hệ cao đẳng là 2.850 người; trung cấp là 2.350 người.
PGS.TS Trần Hữu Cường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, việc tổ chức các chương trình đào tạo nghề cho giám đốc HTX nông nghiệp là rất quan trọng, cần thiết phù hợp với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các HTX. Ông cho rằng, hoạt động của HTX giờ khác trước rất nhiều, các HTX cần phải cập nhật, hoạt động trên nền tảng số, thương mại điện tử, xã hội, môi trường... Nên các đơn vị liên quan cần phải chuẩn bị, lên chương trình, phương pháp giảng dạy lý thuyết, thực hành bài bản. Đặc biệt, trong quá trình học, các giảng viên cần đào tạo các học viên thực hành, "cầm tay chỉ việc" mới đáp ứng được nhu cầu thực tiễn mà các HTX đang cần.
Trở lại với chương trình đào tạo giám đốc HTX của Bộ NN&PTNT, được biết mục tiêu của Chương trình nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người học để điều hành, quản lý HTX Nông nghiệp phát triển hiệu quả bền vững, phù hợp với luật pháp và điều kiện thực tiễn; chủ động, thích ứng tốt trong quá trình hội nhập.
Cũng phải nhắc lại, ngay từ năm 2020, Bộ NN-PTNT đã giao Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT II tổ chức đào tạo thí điểm và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 154 học viên ở 2 khu vực miền Bắc và miền Nam. Khóa học diễn ra trong 3 tháng, các học viên được trang bị các kiến thức về các chuyên đề bao gồm: Vai trò, vị trí của HTX nông nghiệp và xu thế phát triển trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Luật Hợp tác xã; Luật Kinh tế, Quản trị nhân sự, Quản trị sản xuất, Quản trị Marketing; Kế toán cho nhà quản lý; Cung ứng và tiêu thụ tập trung; Xây dựng phương án sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị…
Định hướng tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam những năm tới sẽ đi theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị các ngành hàng và sản xuất kinh doanh đạt chuẩn về chất lượng nông sản.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp cần đầu tư mạnh hơn nữa cho khoa học, công nghệ… Đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho “Giám đốc HTX nông nghiệp”, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp… mới có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.
Đức Anh