Vốn từng là hộ nghèo của địa phương, sau khi tìm hiểu một số mô hình chăn nuôi, năm 2017, chị Nguyễn Thị Thu Nghìn đã quyết định vay vốn chính sách từ ngân hàng chính sách và vay 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, đầu tư mua 200 đôi chim giống bồ câu Pháp sinh sản. Do mua chim giống đã trưởng thành, nên chỉ sau 1 tháng, chim đã sinh sản. Vừa chăn nuôi, vừa bán chim thịt, vừa nhân đàn giống, đến tháng 8/2018, chị Nghìn quyết định thành lập HTX chăn nuôi và sản xuất Duy Đạt, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
Nhân rộng mô hình, cách làm hay
Đến nay, quy mô chăn nuôi của HTX đã lên tới hơn 5.000 đôi chim bồ câu Pháp sinh sản. Đây là một trong những trang trại nuôi chim bồ câu quy mô lớn của tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, trừ mọi chi phí, mỗi năm HTX thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
Các HTX đã tận dụng vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống thành viên. |
Hiện, HTX chăn nuôi và sản xuất Duy Đạt đang tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, đồng thời hỗ trợ hội viên phụ nữ trong huyện phát triển các mô hình chăn nuôi. Từ phát triển nuôi chim bồ câu Pháp, HTX đã và đang mở ra hướng đi mới, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Thạch Thành.
Bên cạnh HTX Duy Đạt, tại tỉnh Hà Giang, HTX Lanh Trắng xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, nhờ vốn vay 1,2 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát triển vươn lên, tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ ở địa phương, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ qua biên giới.
Sản phẩm Lanh Trắng của HTX vang danh, được nhiều cơ sở du lịch, thời trang trong nước ưa chuộng và xuất bán sang các nước Canada, Úc, Ý, Nhật Bản, Lào, Thái Lan…, qua đó giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương là thành viên, tổ liên kết của HTX.
Điều đặc biệt là những thành viên được HTX chọn để tạo việc làm có nhiều chị em thuộc hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, nhiều mảnh đời bất hạnh.
Chị Vàng Thị Cầu, Giám đốc HTX chia sẻ, niềm vui lớn nhất của chị và HTX là đã phát huy, gìn giữ được nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định với mức thu nhập khá cho nhiều lao động địa phương, trong đó có những mảnh đời bất hạnh mà với họ cuộc sống như được hồi sinh.
Đến nay, chị em đã có thu nhập thường xuyên với thu nhập từ trên 5,5 triệu đồng/người/tháng, đây là số tiền thực sự giúp chị em từng bước vươn lên thoát nghèo.
Ông Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn khẳng định, HTX Lanh Trắng do chị Vàng Thị Cầu sáng lập ra đã khẳng định được uy tín, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, quan trọng hơn là đã “thổi hồn”, khôi phục nghề thêu dệt lanh ở Đồng Văn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương là những người yếu thế trong xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo trên địa bàn.
“Các mô hình, ngành nghề do chị em quản lý đã liên kết sản xuất đầu vào, đầu ra sản phẩm và khắc phục được hạn chế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giúp nhiều thành viên khó khăn có điều kiện vươn lên sản xuất, thoát nghèo và nhiều thành viên có điều kiện tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất bền vững”, ông Thành chia sẻ.
Tạo được sức mạnh tổng hợp
Vùng DTTS và miền núi ở Việt Nam chiếm 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước, trong 54 dân tộc thì có 53 DTTS với 14,6 triệu người, chiếm hơn 14% dân số cả nước. Đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống tại khu vực miền núi, biên giới, xen cư với nhau.
Nhiều HTX mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hướng đến sản xuất quy mô lớn. |
Do đó, các chương trình tín dụng được triển khai kịp thời, có hiệu quả, giúp đồng bào DTTS sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, tạo việc làm, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương.
Với việc triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp khơi thông dòng vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, tổng dư nợ tín dụng đối với HTX vùng đồng bào DTTS liên tục tăng.
Đặc biệt, để triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Đảng, Chính phủ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của HTX trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế, Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cần phải có hệ thống các chính sách đồng bộ để khuyến khích và tạo điều kiện cho các HTX mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hướng đến sản xuất quy mô lớn, phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đặc biệt tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật HTX 2012, hoàn thiện văn bản hướng dẫn Luật và các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển HTX.
Ông Bùi Xuân Thu, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lai Châu đánh giá, là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho đồng bào DTTS mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hướng đến sản xuất quy mô lớn, phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm cụ thể là thành lập các tổ hợp tác, HTX.
6 tháng đầu năm 2022, đã có 16 đơn vị HTX vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ HTX để phát triển sản xuất kinh doanh với số tiền là 6.750 triệu đồng.
“Các HTX đã tận dụng tốt nguồn vốn phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, vươn lên làm giàu chính đáng”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lai Châu cho hay.
Đoàn Huyền