Từ ngày 1/1/2023, nhiều chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX sẽ kết thúc. Trong đó có thể kể đến chính sách như giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), giảm tiền thuê đất… Ngoài ra, giá xăng dầu cũng đang trên đà tăng trong những ngày gây đây đã cho thấy những khó khăn không hề nhỏ đối với các HTX.
Giữ giá xăng dầu
Trong Công điện số 15/CĐ-TCT (Công điện 15), Chính phủ đã tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2023. Theo ông Chu Thế Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Thành Phát (Đồng Nai), điều này sẽ giúp giá xăng giảm khoảng 3.000 đồng/lít, giá dầu diesel giảm 2.000 đồng/lít, từ đó hỗ trợ các HTX về hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần.
Tuy nhiên, theo ông Thành, mặt hàng xăng dầu hiện có 4 loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế bảo vệ môi trường. Ngoài thuế bảo vệ môi trường, 3 loại thuế còn lại đều chưa được điều chỉnh.
Việc tiếp tục gia hạn chính sách giảm 2% thuế VAT sẽ "cứu" các HTX, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán cận kề. |
Vì vậy, các ngành chức năng cần xem xét tính toán bài toán hài hòa lợi ích cho các HTX, doanh nghiệp người dân bằng cách nhanh chóng giảm các loại thuế trên. Ngoài thuế bảo vệ môi trường, các cơ quan quản lý nên xem xét giảm thuế VAT đối với xăng dầu. Điều này cũng sẽ góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng, kiềm chế lạm phát và hạn chế tác động tiêu cực đến người dân, HTX, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ngoài ra, trong kỳ điều hành xăng dầu ngày 3/1, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng từ 110 - 600 đồng/lít. Và chỉ trong 3 ngày đầu năm mới, giá xăng đã có 2 lần điều chỉnh tăng.
Việc giá xăng dầu tăng liên tiếp lại vào thời điểm gần Tết Nguyên đán sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống sinh hoạt và nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt, việc tăng giá xăng dầu trở lại sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, nhất là các HTX vận tải khi phải tính toán xem có cần điều chỉnh giá vé mùa Tết hay không.
Theo các chuyên gia, hiện nay, trong bối cảnh tình hình thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều khả năng trong thời gian tới, giá xăng dầu vẫn sẽ biến động khó lường, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đến sự ổn định kinh tế - xã hội cũng như tác động đến thị trường xăng dầu trong nước. Vì vậy, Nhà nước cần xem xét giữ giá xăng dầu ở mức hợp lý ngay trong năm 2023 để đảm bảo cho người dân, HTX khôi phục và tiếp tục phát triển sản xuất.
Gia hạn giảm thuế
Ngoài vấn đề giá xăng dầu, các HTX đều cho rằng để hỗ trợ người dân HTX trong bối cảnh hiện nay, cũng cần tiếp tục duy trì giảm 2% thuế VAT đối với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ trong năm 2023.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022 quy định giảm 2% thuế VAT đối với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ trong năm 2022. Đây được xem là một quyết sách kịp thời hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp vượt qua thách thức trong và sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, chính sách này hết hiệu lực, nghĩa là thuế VAT sẽ lên 10% từ mức 8% hiện nay.
Ông Nguyễn Huy Thành, Giám đốc HTX sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm Thuận Thủy (Bắc Giang) cho biết, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần kích thích nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân, từ đó giúp các HTX tận dụng được thị trường để phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp kinh tế tăng trưởng.
“Đây là chính sách cần thiết nhằm vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do vẫn chịu tác động của dịch COVID-19 và lạm phát toàn cầu vẫn phức tạp”, ông Thành nói.
Theo các chuyên gia, thuế VAT đánh trên toàn bộ mặt hàng từ sản xuất đến tiêu dùng. Vì vậy, việc tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế VAT sẽ giúp kéo giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ trên nhiều mặt hàng từ giáo dục, vui chơi, chăm sóc sức khỏe, xăng dầu đến các mặt hàng như gạo, thịt, rau, quần áo. Trong khi khu vực kinh tế tập thể, HTX hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng.
Việc giảm thuế VAT sẽ khuyến khích người dân tiêu dùng, mua sắm, nhất là dịp lễ, tết đang đến gần. Vì vậy, kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết năm 2023 là hợp lý, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động hơn.
Không chỉ các doanh nghiệp mà ngay cả các HTX cũng rơi vào tình trạng khó khăn từ nguyên liệu đầu vào, vốn, đến đầu ra, lãi suất cao. Trong khi trải qua 2 năm bị Covid-19, đến nay, nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh của các HTX cũng đã cạn kiệt, việc tiếp cận nguồn vay từ tổ chức tín dụng cũng không dễ dàng.
Trước thực trạng trên, việc tiếp tục có những chính sách tiếp sức cho khu vực kinh tế tập thể, HTX như giữ nguyên giá xăng dầu, giảm thuế VAT hay gia hạn nộp các tiền thuê đất… sẽ có ý nghĩa to lớn giúp khu vực kinh tế tập thể ổn định sản xuất, có sức phục hồi và tiếp tục phát triển trong lúc nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Khi khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển cũng sẽ góp phần không nhỏ giúp kinh tế cả nước phát triển.
Đa số các HTX cho rằng, từ trước đến nay, khu vực kinh tế HTX khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Điều này một phần là do có những HTX chưa chủ động nắm bắt các chính sách nhưng một phần cũng do các quy định chưa rõ ràng, cụ thể, việc tiếp cận và phổ biến chính sách chưa có sự thống nhất, sát sao ở các địa phương nên gây khó cho các HTX khi tiếp cận, làm hồ sơ, thủ tục…
Thực tế đã cho thấy, nhiều HTX, doanh nghiệp, liên hiệp HTX khó tiếp cận chính sách hỗ trợ giảm thuế VAT trong năm 2022. Chính vì vậy, nếu tiếp tục kéo dài các chính sách này hoặc có những chính sách mới thì cơ quan quản lý cần có hướng dẫn rõ ràng, thuận tiện cho HTX và người dân áp dụng và tiếp cận.
Huyền Trang