Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của HTX là đề cao tính tự lực cánh sinh của người dân. Vì vậy, HTX cũng còn được gọi là tổ chức mang tính tự trợ giúp của người dân. HTX là tổ chức kinh tế tự chủ. Người dân góp vốn thành lập HTX, tham gia HTX vì thấy đây là “sân chơi” phù hợp với họ theo cơ chế thị trường. Họ có thể tự chịu trách nhiệm, tự quản lý HTX của mình theo hướng mà họ mong muốn, để đem lại lợi ích cho họ và phải phù hợp quy định pháp luật.
Nhà nước hay chính quyền không tham gia góp vốn vào HTX mà chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Và quản lý nhà nước không chỉ là quản lý cho chặt chẽ, không để vi phạm lợi ích quốc gia, vi phạm lợi ích xã hội, cộng đồng hay vi phạm khác,… Mà quản lý nhà nước hiểu cho đúng và đầy đủ là còn phải đề cao và khuyến khích tinh thần “tự lực cánh sinh” của HTX, là phải kích thích, khơi dậy các tiềm năng để HTX phát triển.
Quản lý HTX như thế nào?
Nói một cách khác, Nhà nước, chính quyền tôn trọng và bảo hộ sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX. Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước đối với HTX giống như quản lý nhà nước đối với các tổ chức kinh tế khác, các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế quốc dân. Theo đó, quản lý nhà nước trước hết là quản lý theo ngành nghề kinh tế. Mỗi lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cần có sự quản lý nhà nước, có sự giám sát, thanh tra của các Bộ, cơ quan chuyên ngành.
Thành viên tham gia HTX để có lợi ích cao hơn, để sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. |
Chẳng hạn với Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là Ngân hàng Nhà nước; với HTX nông nghiệp là Bộ NN&PTNT; với HTX giao thông vận tải là Bộ GTVT; với HTX thương mại, tiểu thủ công nghiệp là Bộ Công Thương; với HTX du lịch, HTX khai thác đá,… là các cơ quan chức năng về du lịch hay TN&MT… Đây là chức năng của Bộ hay cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Và cũng chỉ Bộ hay cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành mới có đủ năng lực chuyên môn và thẩm quyền để quản lý nhà nước đối với các HTX ở từng lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề khác nhau. Ngoài ra, để quản lý nhà nước còn nhiều cơ quan, bộ máy khác nữa như tòa án, cơ quan đăng ký kinh doanh,… đối với các vấn đề mang tính pháp lý. Hoặc đó còn là các cơ quan thuế, hải quan, cơ quan thông kê và chính quyền địa phương trên địa bàn,…
Trước đây, từ kinh nghiệm cũ và tư duy cũ về HTX, vẫn còn có những ý kiến coi HTX như là mô hình kinh tế sở hữu tập thể của thời kinh tế kế hoạch tập trung, thời bao cấp trước kia. Theo đó, những ý kiến này không coi HTX thuộc sở hữu tập thể của một nhóm người nhất định. Vì vậy, HTX kiểu mới ngày nay vẫn có thể còn bị hiểu là thuộc sở hữu tập thể theo nghĩa chung chung rất rộng như kiểu toàn xã hội, toàn thể cộng đồng của địa phương một cách không xác định như theo mô hình cũ. Và đương nhiên, nếu còn hiểu như vậy thì cũng sẽ dẫn đến cách nghĩ về quản lý nhà nước không đúng, không phù hợp với thực tế của HTX kiểu mới trong nền kinh tế theo cơ chế thị trường ngày nay.
Đề án Luật HTX sửa đổi đã có hướng đúng đắn khi đặt vấn đề đúng, đưa ra mục tiêu, mục đích sửa Luật sao cho cởi mở thông thoáng hơn, xóa bỏ rào cản HTX với thị trường. Tuy nhiên, đi vào các quy định cụ thể dự thảo Luật cho thấy, điều đó vẫn chưa đạt được như mong đợi hay kỳ vọng. Có thể hiểu được cái khó nhất định của các nhà làm luật, vừa muốn quản lý cho thật chặt chẽ, không để buông lỏng quản lý, vừa muốn cố giữ thật nhiều cái gọi nôm na là “chất” HTX, dù cái gọi là “chất” này thực ra vẫn chưa được làm rõ, cả về lý luận lẫn thực tiễn. Nhưng đồng thời, dự thảo Luật cũng mong muốn cởi trói nhiều hơn cho HTX, để HTX có thể tồn tại và phát triển được trong nền kinh tế theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh gay gắt.
Chưa đáp ứng được kỳ vọng
Luật HTX và hệ thống quy định liên quan chính là công cụ quan trọng nhất để quản lý nhà nước về HTX. Việc đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước sẽ được thể hiện trước hết ở tính khả thi của Luật. Dự thảo mới nhất của Luật nếu được thông qua, sẽ rất khó khả thi trên thực tế hoặc rất có thể sẽ bị “lách” bằng nhiều cách khác nhau. Điều này đã được chứng minh trong 10 năm qua với Luật HTX 2012. Và như thế, quản lý nhà nước về HTX đã thất bại. Có thể điểm lại một số nội dung chính cần trao đổi, nghiên cứu sâu rộng thêm. Thứ nhất, nút thắt về vốn cho HTX chưa được thực sự tháo gỡ, HTX vẫn rất khó để vay vốn thương mại như các doanh nghiệp khác. Chẳng hạn, HTX vẫn khó vay vốn, kể cả khi HTX có tài sản nhưng vì là tài chung không chia hay nguồn từ quỹ không chia nên rất khó được chấp nhận là tài sản đảm bảo.
Thứ hai, nếu tiếp tục quy định quá chặt chẽ, cứng nhắc liên quan đến thành viên góp vốn lớn, đến chia lãi theo mức độ sử dụng dịch vụ là chủ yếu, theo vốn góp là phụ sẽ không khuyến khích thành viên tâm huyết, có điều kiện, sẵn sàng góp nhiều hơn. Vấn đề sợ hãi, lo ngại về sự chi phối, thao túng HTX của người góp vốn lớn thực ra không quá lo lắng như vậy. Bởi vì HTX là mô hình kinh tế, thành viên góp vốn khác nhau, nhưng quan hệ đối nhân, mỗi người một phiếu biểu quyết như nhau. Người góp vốn nhiều bao nhiêu cũng chỉ có một phiếu biểu quyết duy nhất.
Thứ ba, các quy định phân phối lợi nhuận, chia lãi liên quan đến các khái niệm “mức độ sử dụng dịch vụ” hay “mức độ đóng góp công sức”… cũng không rõ, không hợp lý, có thể gây lo lắng, thiệt thòi cho thành viên, cho HTX. Nhiều chi phí hoàn toàn có thể được tính là chi phí hợp pháp hợp lệ, thực hiện trước quyết toán chia lãi, phân phối lợi nhuận.
Thứ tư, các quy định liên quan đến nhiều loại thành viên chính thức và không chính thức, quy định về khai trừ thành viên không sử dụng dịch vụ theo điều lệ cũng rất khó khả thi, hoàn toàn có thể ‘lách” được dễ dàng bằng mức sử dụng dịch vụ tối thiểu, ví dụ như chỉ vay 100.000 đồng hay chỉ mua 1kg phân bón,…
Thứ năm, vấn đề dàn trải, không tập trung, không có trọng tâm, trọng điểm trong chính sách hỗ trợ HTX sẽ tiếp tục lặp lại khi nguồn vốn hỗ trợ không phải vô hạn. Riêng số lượng HTX đến năm 2030 sẽ tăng gần gấp 2 lần, lên 45.000 HTX. Trong khi đó, dự thảo lại đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh cả hàng trăm nghìn tổ hợp tác cùng các tổ chức khác. Ngay cả các nội dung hỗ trợ cũng rất dàn trải, cái gì cũng cần, cũng quan trọng, cũng cam kết hỗ trợ nhưng không có nguồn lực, nên không khả thi. Câu nói vui ví von mà nhiều chuyên gia và đại diện HTX phát biểu “chính sách ở trên trời, mà cuộc đời HTX ở dưới mặt đất” cũng là có ý đó.
Thứ sáu, nhiều khái niệm mới, nội dung mới đối với HTX như liên đoàn HTX, chưa được làm rõ, nghiên cứu kỹ thì rất khó hiểu, dễ chồng chéo và xung đột . Ngay cả nội dung kiểm toán HTX, dù được coi là rất cần thiết, nhưng nếu kiểm toán bắt buộc ngay là rất khó khả thi trên thực tế. Rất cần có lộ trình và bước đi phù hợp để tăng tính khả thi của luật, đồng thời cũng là tăng tính hiệu quả của quản lý nhà nước.
Phạm Quang Vinh
Chuyên gia tài chính và kinh tế phát triển
Kỳ sau: Loay hoay tìm lối ra và động lực cho HTX