Theo thống kê tại Hội nghị Ban chấp hành Liên minh HTX Việt Nam lần thứ sáu, khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra ngày 29/12 cho thấy, riêng năm 2022, dù tình hình kinh tế xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng cả nước vẫn thành lập mới được 2.187 HTX, 3.531 tổ hợp tác… Tính đến nay, cả nước có 29.021 HTX, thu hút 6,93 triệu thành viên là các hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn. Các HTX, tổ hợp tác đã phục hồi và phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất chuyên canh tập trung… Vì thế, phát triển kinh tế tập thể, HTX luôn là hướng đi đúng đắn và thu hút không ít hộ dân tham gia nhằm tạo lực đẩy để phát triển sản xuất kinh doanh.
Liên kết sản xuất còn lỏng lẻo
Có thể thấy, các HTX hoạt động theo mô hình của Luật HTX năm 2012 đang là mô hình kinh tế phù hợp, giúp nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và duy trì sinh kế bền vững. Khu vực kinh tế tập thể, HTX đang góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên hiện nay, sự phục hồi và phát triển của các HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác ở các ngành nghề, vùng miền chưa đồng đều. Một số HTX bị giảm sản lượng và quy mô, việc tiêu thụ sản phẩm còn bị động, chưa có hợp đồng liên kết. Khả năng mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi của một số HTX còn hạn chế.
Toàn cảnh Hội nghị BCH Liên minh HTX Việt Nam lần thứ sáu, khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra ngày 29/12. |
Ngoài ra, đa số các HTX, tổ hợp tác hiện nay gặp khó khăn trong quy hoạch vùng sản xuất, chuyên canh. Tỷ lệ HTX tiếp cận chính sách hỗ trợ còn hạn chế. Một số chính sách hỗ trợ hiện nay chưa quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ nên các HTX trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, thu gom rác thải, thương mại tiêu dùng... chưa có điều kiện để phát triển.
Điều này là một trong những nguyên nhân khiến tỷ trọng lúa gạo, hồ tiêu và rau quả do các HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác sản xuất tại các vùng miền dù đang chiếm khoảng 70% tổng sản lượng của cả nước, tỷ trong các nông sản khác và thủy sản chiếm 25-30%, tỷ trọng sản phẩm OCOP chiếm 45%... Nhưng vẫn có khoảng 80% số lượng nông sản do HTX, tổ hợp tác sản xuất lưu thông qua các chợ đầu mối, chợ truyền thống, giá trị nông sản của các HTX làm ra chưa cao.
Thực tiễn từ kinh nghiệm nước ta và các nước trên thế giới ngày càng khẳng định, kinh tế tập thể, HTX vẫn đang là mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường. Quan trọng hơn, thông qua HTX, không chỉ các hộ dân có thể liên kết được với nhau mà các doanh nghiệp có thể liên kết được với nông dân, hoặc các doanh nghiệp có thể liên kết được với các doanh nghiệp để tăng sức “đề kháng” nhằm vượt qua được những khó khăn…
Đơn cử như ở Mỹ, quốc gia này đã đưa hạt hạnh nhân thành nông sản chiếm 1/3 thị phần thế giới thông qua HTX Blue Diamond. Thông qua các trang trại quy mô lớn trồng hạnh nhân, HTX này đã liên kết đầu tư theo chuỗi giá trị từ trồng, thu hoạch, sơ chế, chế biến đến phân phối tiêu thụ. HTX Blue Diamond đã giúp khoảng 7.600 hộ trồng hạnh nhân có kinh tế ổn định và sản xuất kinh doanh loại cây này thuận lợi từ đầu vào đến đầu ra.
Hay tại New Zealand đã đưa quả kiwi thành thương hiệu nổi tiếng thế giới. Hơn 3.000 nông trại trồng kiwi đã liên kết thông qua mô hình HTX kiwi Zespri từng có doanh thu là 3,9 tỷ đô la New Zealand (NZD) nhờ nghiên cứu và phát triển các giống kiwi hình thành chuỗi giá trị bền vững thông qua việc ký kết phát triển với doanh nghiệp.
Điểm đặc biệt ở các HTX Blue Diamond và HTX Zespri là mô hình này đảm nhận vai trò sản xuất và xuất khẩu nông sản. Hay hiểu cách khác, muốn sản xuất và xuất khẩu hiệu quả, phải thông qua đầu mối là mô hình HTX.
Còn ở Việt Nam, các mô hình HTX làm được như Blue Diamond hay Zespri đã có nhưng chiếm số lượng rất khiêm tốn và quy mô chưa thực sự lớn. Tiêu biểu như HTX bưởi da xanh Bến Tre (Bến Tre), HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (Đồng Nai)…
Chính vì vậy, phần lớn nông sản của nước ta hiện nay như xoài, thanh long, dưa hấu, hành tím… tuy là nông sản thế mạnh của các địa phương nhưng đầu ra vẫn khó khăn do chưa hình thành được các chuỗi giá trị thực sự bền vững. Người dân vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có hợp đồng sản xuất, tiêu thụ.
Ngay như mặt hàng lúa gạo, cà phê… mặc dù là thế mạnh và Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gạo, cà phê nhưng giá trị gia tăng của mặt hàng này vẫn thấp, người nông dân trực tiếp làm ra lúa gạo, cà phê vẫn chưa thực sự được hưởng lợi vì sản phẩm đến tay người tiêu dùng còn trải qua nhiều khâu trung gian.
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là tất yếu
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, để nông sản thâm nhập được các thị trường khó tính và để người dân sống được với những loại nông sản mà mình đang theo đuổi thì điều kiện tiên quyết là phải phát triển các vùng nguyên liệu chất lượng cao, đi liền với sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư cho chế biến sâu. Muốn vậy, cần tiếp tục liên kết sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, HTX.
Theo các chuyên gia, khi sản xuất càng phát triển thì nhu cầu liên doanh, liên kết, hợp tác của người dân càng cao. Điều này đồng nghĩa với việc người nông dân nếu sản xuất đơn lẻ sẽ khó có thể sản xuất trên quy mô lớn, khó hoàn thiện được quy trình, khó ứng dụng khoa học công nghệ và khó đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Trong khi đó, nếu hợp tác theo mô hình HTX, HTX sẽ hỗ trợ tích cực cho người dân, thành viên sản xuất kinh doanh từ đầu vào đến đầu ra và từng bước xây dựng được thương hiệu cho các loại nông sản trên thị trường.
Tuy nhiên, muốn Việt Nam có thêm nhiều hơn nữa các mô hình HTX lớn mạnh, xây dựng được các chuỗi giá trị bền vững giống như các HTX ở Mỹ và New Zealand, ngoài sự chủ động, nỗ lực của từng HTX, nhất là những người đứng đầu HTX, thì các rào cản về vốn, đất đai, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ… cần sớm được tháo gỡ kịp thời. Và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX cần thực chất hơn, phù hợp với đặc điểm của mô hình kinh tế tập thể hơn.
Ông Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp Rạch Lọp (Trà Vinh), cho rằng để HTX phát triển, sự quan tâm của các cấp chính quyền là điều quan trọng. Hiện, các chính sách về phát triển HTX đã có nhưng khi triển khai đến các cấp ở địa phương lại bị chậm dần. Điều này làm bản thân HTX khó phát triển, khó mở rộng sản xuất trong nền kinh tế thị trường.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Tuấn, cho rằng muốn kinh tế tập thể phát triển thực chất, các ngân hàng cần tạo điều kiện cho HTX vay vốn. Bởi thực tế tại Thanh Hóa, nhiều ngân hàng trả lời không muốn cho HTX vay vốn. Vì vậy, HTX muốn đầu tư theo chuỗi cũng không dễ dàng.
Theo các chuyên gia, nếu các rào cản trong chủ trương, chính sách pháp luật về kinh tế tập thể, HTX được tháo gỡ sẽ tạo lực đẩy quan trọng để người dân tham gia HTX và giúp các HTX phát triển sản xuất bền vững theo chuỗi giá trị, từ đó góp phần đưa ngành nông nghiệp cả nước phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững.
Huyền Trang