Với cây trồng chủ lực là lúa nhưng thay vì cấy, gặt thủ công, HTX nông nghiệp công nghệ cao Đông Phong (Bắc Ninh) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để giải phóng sức người, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Vẫn còn những khoảng trống
Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc HTX, cho biết với diện tích 50ha nhưng hiện nay hầu hết các công đoạn trong sản xuất, thành viên không phải ra ngoài đồng mà đã có máy móc hỗ trợ. Thành viên cũng giảm được rất nhiều chi phí như cấy máy, cày bừa, gặt chỉ hết khoảng 300.000 đồng/sào, thấp hơn nhiều lần so với đi thuê lao động thủ công. Ngay việc gieo sạ bằng máy bay, chi phí cũng chỉ hết khoảng 30.000-40.000 đồng/sào.
Hay tại HTX An Long (Long An), dù không thuộc diện được hỗ trợ tài chính của tỉnh nhưng HTX vẫn quyết tâm mua máy bay không người lái với kinh phí khoảng 500 triệu đồng/chiếc để phục vụ sản xuất. Nhờ đó mà thành viên, người dân khỏe mạnh vì không phải đeo bình phun thuốc. Máy bay không người lái cũng giúp HTX tiết giảm thời gian khi 1ha lúa chỉ còn phun trong vòng 30 phút.
Có thể nói, máy bay không người lái, bán hàng qua sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ cao… đã không còn quá xa lạ với các HTX. Và công nghệ số đã làm thay các HTX nhiều công việc nặng nhọc trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, trở ngại khi thực hiện chuyển đổi số ở không ít các HTX.
Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX Chè La Bằng (Thái Nguyên), cho biết áp dụng công nghệ, thương mại điện tử đã được các thành viên thực hiện nhưng chưa chuyên nghiệp và chưa thực sự hiệu quả. “Nếu có một tổ chức, đơn vị nào đó trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số thì sẽ bù đắp được những lỗ hổng về công nghệ cho các HTX hiện nay”, bà Hải mong muốn.
Hay ngay như vấn đề đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử đã được chứng minh là mở rộng đầu ra, mang lại hiệu quả cho các HTX. Tuy nhiên để tiêu thụ nông sản tươi trên các sàn thương mại điện tử đối với các HTX là điều không hề dễ dàng.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc HTX Minh Đức (Lào Cai) cho biết, HTX đã đầu tư dây chuyền sản xuất xúc xích, giò chả cá hồi, cá tầm. Dù đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại, lên các trang điện tử nhưng điều khó khăn là khu vực HTX sản xuất có 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Họ không thể tiếp cận được công nghệ thông tin nên HTX cũng không thể thực hiện bán hàng online. Thay vào đó, việc bán hàng chủ yếu là cho các khách ở xa.
HTX nông nghiệp Choa đang chủ yếu bán sản phẩm tươi nên khâu đóng gói, vận chuyển vẫn còn gặp nhiều khó khăn. |
Thực tế này cũng dễ thấy khi khảo sát trên các sàn thương mại điện tử, tại những gian hàng nông sản của HTX, các đơn hàng nông sản tươi rất thưa thớt. Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Trần Xuân Loát, Giám đốc HTX nông nghiệp Choa (Hà Tĩnh) cho biết, đa số nông sản của các HTX vẫn ở dạng tươi, thô nên quá trình đóng gói, vận chuyển, bảo quản khó khăn. Có khi sản phẩm ở thời điểm HTX thu hoạch có chất lượng rất tốt nhưng khi đến tay người tiêu dùng, chất lượng đã giảm đi rất nhiều.
Có thể thấy, ngoài khó khăn về cách tiếp cận, sản phẩm chủ yếu ở dạng tươi thì các chuyên gia còn cho rằng hiện nay, không ít nông dân, thành viên HTX vẫn ngại thay đổi sản xuất kinh doanh theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
Ngoài ra, hầu hết các HTX vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Chất lượng nguồn nhân lực thấp. Phần lớn cán bộ, thành viên HTX chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt là tâm lý ngại thay đổi, sợ rủi ro, sợ hiệu quả kém, không thành công trong khi đầu tư nên dù đã nghĩ đến chuyển đổi số nhưng nhiều HTX vẫn chưa dám thay đổi.
Chính vì vậy mà hiện nay có rất ít HTX chuyển đổi số thành công. Thay vào đó, đa số các HTX vẫn sản xuất kinh doanh theo hướng truyền thống nên hiệu quả kinh tế thấp, chi phí đầu tư và giá sản phẩm cao dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm. Điều này dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của HTX nhỏ, chưa mang lại nhiều lợi ích cho thành viên.
Chuyển đổi số cần bài bản
Thực chất, nếu áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi số phù hợp và đúng hướng không chỉ nâng cao năng suất, giảm chi phí mà còn mở được đầu ra cho nông sản của HTX.
Ông Nguyễn Văn Sang cho rằng, nếu HTX chuyển đổi số thành công sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Điều đầu tiên đó chính là cắt giảm được những chi phí về nhân công, vật tư đầu vào từ đó kéo hạ giá thành sản phẩm, nâng được giá bán, mở rộng được đầu ra. Làm được những điều này đồng nghĩa với việc lợi ích của các thành viên sẽ được nâng cao hơn.
Ngoài những lợi ích trên, chuyển đổi số còn giúp các thành viên và HTX thích ứng với thị trường nhờ giao dịch điện tử nhanh hơn, chính xác hơn, giảm được thời gian đi lại... Từ đó, giải quyết được bài toán thiếu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chúng và tại các HTX nông nghiệp nói riêng.
Chuyển đổi số cũng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, giải quyết được vấn đề truy xuất nguồn gốc cho nông sản. Qua đó, sản phẩm của HTX cũng dễ dàng đưa lên các sàn thương mại điện tử và dễ xây dựng được thương hiệu trên thị trường.
Để “hưởng thụ” những lợi ích trên, theo các chuyên gia, trước tiên những người đứng đầu HTX phải thay đổi tư duy, đổi mới cách nghĩ để đưa sản xuất thích ứng với nền công nghiệp 4.0.
Khi đó, Hội đồng quản trị HTX phải khẳng định cho các thành viên rằng, chuyển đổi số là hướng đi tất yếu khách quan của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp và HTX cũng không nằm ngoài quy luật đó nếu muốn tồn tại và phát triển.
Bên cạnh đó, những người lãnh đạo HTX cần có kế hoạch cụ thể, thống nhất được những nội dung liên quan để thực hiện trong suốt quá trình. Cụ thể là phải cho thấy được tính hiệu quả, những cái mà thành viên sẽ được hưởng khi thực hiện chuyển đổi số. Ngoài ra cũng phải nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức để các thành viên xem xét và đi đến thống nhất có chuyển đổi số hay không.
Khi phương án chuyển đổi số được thông qua, Hội đồng quản trị sẽ họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để xây dựng kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số cũng như tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Có như vậy, HTX mới từng bước chuyển đổi số thành công và hiệu quả.
Ngoài việc thay đổi tư duy và hành động của các thành viên HTX, các cơ quan ở địa phương cũng cần xây dựng những đề án thí điểm một số mô hình chuyển đổi số ở một số lĩnh vực thế mạnh. Đây cũng chính là nơi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ người dân, HTX trong quá trình chuyển đổi số.
TS Ninh Đức Hùng, chuyên gia phát triển HTX và sản phẩm OCOP, cho biết khi người dân, thành viên HTX được tận mắt chứng kiến và thấy được những mô hình chuyển đổi số thành công tại địa phương, họ sẽ dễ học và nhanh làm theo hơn là chỉ áp dụng theo kiểu lý thuyết.
Tuy nhiên, để xây dựng được những mô hình HTX chuyển đổi số điểm, cần có sự hỗ trợ thích đáng về kinh phí, công nghệ, kỹ thuật từ các cơ quan quản lý… để giúp các HTX có nền tảng để sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững. Đặc biệt là áp dụng công nghệ vào chế biến sâu để thuận tiện đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử.
Huyền Trang