Một trong những điều HTX cần phải vượt qua nếu muốn XK sang thị trường Hà Lan, đó chính là đáp ứng được các tiêu chuẩn ngặt nghèo mà nước này đặt ra với từng nhóm hàng.
Bị lu mờ trên kệ siêu thị
Để xuất khẩu nông sản sang châu Âu, trong đó có Hà Lan, quả vải của HTX nông nghiệp Xanh V Phúc (Hải Dương) phải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, HTX cũng phải đầu tư máy móc, thiết bị nhà xưởng để phục vụ sơ chế, đóng gói, bảo quản theo dây chuyền. Đầu tư xứng đáng lên vải của HTX V Phúc được bán với giá từ 600.000 - 650.000 đồng/kg, giải quyết bài toán được mùa mất giá và nâng cao giá trị nông sản.
Thành công của HTX V Phúc là minh chứng cho việc nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, việc xâm nhập thị trường cao cấp như Hà Lan là không quá khó. Bởi Hà Lan là cửa ngõ nhập khẩu nông sản lớn nhất châu Âu.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2021, tổng giá trị nông sản Hà Lan nhập khẩu đạt 87 tỷ USD (tăng 5,5% so với năm 2020). Tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào Hà Lan đạt gần 900 triệu USD, tăng 4% so với năm 2020 (năm 2017 đạt 1 tỷ USD).
Nông sản Việt đã có mặt tại siêu thị Hà Lan nhưng số lượng còn nhỏ và chủ yếu là hàng tươi. |
Tuy đã có nhiều nông sản Việt Nam xuất khẩu được sang Hà Lan nhưng có một thực tế là đến nay, chưa có nông sản nào Việt Nam xuất sang nước này mang thương hiệu Việt Nam.
Tại hội thảo "Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Hà Lan/châu Âu", bà Nga Đặng, thành viên ban Giám đốc Phòng Thương mại Hà Lan, cho biết khi vào các siêu thị của Hà Lan, trên bao bì của các loại nông sản như gạo, cà phê… đều không ghi ‘sản xuất tại Việt Nam’. Như vậy có thể thấy, dù xuất khẩu một số mặt hàng sang Hà Lan nhưng nông sản Việt hoàn toàn chưa có thương hiệu.
“Khi nông sản chưa có thương hiệu đồng nghĩa với việc giá xuất khẩu rẻ và người dân, HTX là người cuối cùng của chuỗi sản xuất không được hưởng nhiều lợi nhuận”, bà Nga Đặng chia sẻ.
Nguyên nhân của tình trạng trên là các HTX, doanh nghiệp hiện mới chỉ chú trọng xuất khẩu các nông sản thô. Quá trình xuất khẩu được bán qua các nhà cung cấp và các nhà cung cấp này lại bán lại cho đơn vị khác hoặc chế biến, sau đó xuất khẩu vào Hà Lan hoặc các thị trường châu Âu.
Thực tế đã chứng minh, nhiều loại nông sản của Việt Nam hiện nay được Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ mua về chế biến và xuất khẩu. Chính vì vậy mà trên các kệ siêu thị của Hà Lan và các nước châu Âu hiện có rất nhiều sản phẩm “Made in Thái Lan, Made in China”… Đây cũng là những mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với các nông sản của Việt Nam.
“Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng thô nên khi qua nhiều công đoạn thu mua, chế biến, sản phẩm không còn cái gốc của Việt Nam”, bà Nga Đặng nhấn mạnh.
Không chỉ chưa có thương hiệu, nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn quá nhỏ. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT) cho biết, thị phần nông sản của Việt Nam tại khu vực EU (bao gồm Hà Lan) vẫn còn rất thấp. Dù Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng top đầu thế giới như: cà phê, gạo, thủy sản...
Số liệu của cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), cũng cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2022, EU nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD hàng hóa nông sản, nhưng thị phần nông sản của Việt Nam chỉ chiếm 0,1%.
Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do thương hiệu nông sản của Việt Nam chưa thực sự ghi lại dấu ấn đối với người tiêu dùng tại thị trường này. Thực tế cũng cho thấy, hàng hóa Việt gần như chưa có tên tuổi, ngay các mặt hàng xuất khẩu lớn như gạo, cà phê...
PGS.TS Mai Quang Vinh, Giám đốc Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam cho rằng dù xuất khẩu sang Hà Lan, châu Âu nhưng đa phần nông sản phục vụ cho người Việt sống tại các nước này.
Việc chưa được nhiều người tiêu dùng bản địa sử dụng cho thấy, thương hiệu nông sản Việt đang bị lu mờ trước các đối thủ đang xuất khẩu vào Hà Lan và các nước châu Âu.
Liên kết là chìa khóa
Hà Lan được xem là “cửa ngõ” của châu Âu khi 1/3 khối lượng hàng hóa nhập khẩu sẽ đi qua nước này. Hà Lan còn đóng vai trò là điểm kết nối trọng yếu giữa các cảng và khu công nghiệp của châu Âu và thế giới. Đặc biệt về phương thức thuế của Hà Lan cũng “giảm” hơn và minh bạch hơn so với các nước khác trong khu vực châu Âu.
Do đó, theo bà Gusta Viser, Tùy viên Hải quan Hà Lan, nếu có thể xuất khẩu bền vững sang thị trường Hà Lan thì HTX, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn với thị trường châu Âu.
Đặc biệt hiện nay, Việt Nam và EU đã ký hiệp định EVFTA. Với FTA này, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%. Như vậy, hàng hóa Việt Nam vào Hà Lan sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn với các đối thủ.
Để tận dụng được những điều này, các chuyên gia cho rằng, HTX và doanh nghiệp Việt phải chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Theo bà Nga Đặng, hiện nay người dân Hà Lan luôn nghĩ nông sản Việt, đặc biệt là cà phê Việt không tốt vì toàn Robusta, uống không ngon, có vị chua. Chính vì vậy, cần thay đổi suy nghĩ này bằng việc cùng nhau xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chế biến.
"Doanh nghiệp, HTX muốn xây dựng thương hiệu thì phải đi cùng nhau. HTX, doanh nghiệp có thể xây dựng câu chuyện riêng về sản phẩm nhưng cần hỗ trợ nhau xuất khẩu. Chỉ một doanh nghiệp hoặc một HTX nỗ lực thì khó mà xây dựng được thương hiệu Việt tại Hà Lan", bà Nga nói.
Bà Nga cũng cho rằng, HTX nên bán sản phẩm với tên của mình chứ không chỉ riêng thương hiệu, để khách hàng biết được ai là người sản xuất. Điều này giúp HTX đến gần hơn với khách hàng.
Bên cạnh đó, cũng cần đưa ra chiến lược để nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng, đa dạng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh thay vì bán thô và hạ giá, ký gửi sản phẩm. Điều này khó cải thiện được vấn đề chất lượng cũng như khó xây dựng thương hiệu bởi người tiêu dùng châu Âu luôn nghĩ hàng rẻ là hàng kém chất lượng.
Trong vấn đề xúc tiến, tìm kiếm đối tác, các HTX, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của thị trường, tham gia tiếp cận, tìm kiếm với mục tiêu mở rộng thị trường. Song song với đó, HTX cũng cần thay đổi nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm, từ việc kiểm tra sản phẩm cuối cùng sang giám sát các mối nguy trong toàn bộ chuỗi sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của từng mặt hàng mà nước này yêu cầu.
Huyền Trang