Theo thống kê, cả nước có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó 90% các làng nghề đã chú trọng hình thành các mô hình HTX, tổ hợp tác để hỗ trợ người dân liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm làng nghề một cách bền chặt.
Trắc trở ứng dụng công nghệ
Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn của các làng nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết (Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 105/NQ-CP). Nếu như các hộ sản xuất riêng lẻ tại các làng nghề không tiếp cận được với nguồn hỗ trợ này thì đã có những hộ tham gia HTX được tiếp cận với nguồn hỗ trợ.
Nguyên nhân là vì nếu các hộ tự sản xuất nhỏ lẻ thì không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, do vậy các hoạt động sản xuất, kinh doanh không được các cơ quan quản lý công nhận một cách chính thức nên nằm ngoài đối tượng thụ hưởng chính sách của 2 nghị quyết nêu trên. Còn khi các hộ làm nghề tham gia HTX, HTX là đơn vị có tư cách pháp nhân, đại diện cho các hộ tại các làng nghề nên việc kết nối với các cơ quan liên quan để tiếp cận hỗ trợ bớt khó khăn hơn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với những bất ổn về thị trường, những tác động tiêu cực của dịch bệnh, không ít HTX làng nghề bị ảnh hưởng, thậm chí bị suy giảm cả về quy mô hoạt động, hiệu quả kinh tế lẫn sắc thái văn hóa.
Bà Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sơn mài Hạ Thái (Hà Nội) cho biết, do mới được thành lập nên các mối hàng của HTX vẫn còn khiêm tốn. Đặc biệt trong bối cảnh đầu ra cho sản phẩm khó khăn thì nhiều loại nguyên liệu tăng giá. Hiện, các loại gỗ, vỏ trai, vỏ hến… cũng tăng giá 15-20%, mỗi can sơn điều loại 9kg trước có giá 350.000 đồng, nay tăng lên hơn 400.000 đồng.
Ngoài ra, theo bà Hồi, là sản phẩm thủ công truyền thống nên chỉ có liên kết xuất khẩu, tìm được các đơn hàng lớn thì giá trị kinh tế sẽ cao, còn bán lẻ thì giá trị kinh tế thấp, trong khi đây phần lớn là mặt hàng không thiết yếu.
Sản phẩm của các làng nghề đa dạng, nhiều sản phẩm có kích thước lớn khiến việc bán hàng online gặp khó khăn. |
“Muốn có đơn hàng lớn, phải ứng dụng công nghệ nhưng hiện nay, việc chuyển đổi số ở HTX còn gặp nhiều bất cập. Thành viên HTX phải mất nhiều thời gian để đăng tải sản phẩm và update thông tin. Trong khi HTX có nhiều mặt hàng khác nhau, mỗi sản phẩm lại có thông tin khác nhau. Bên cạnh đó phải có người hiểu biết về công nghệ để tương tác với khách hàng thường xuyên thì mới có đơn”, bà Hồi nói.
Có thể thấy, các HTX làng nghề đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bởi tràn lan các sản phẩm tương tự nhưng được nhập ngoại. Bên cạnh đó, nghịch lý hiện nay đó chính là để các HTX làng nghề phát triển bền vững, thương mại điện tử được cho là giải pháp cần thiết, nhưng hoạt động thương mại điện tử tại các HTX còn chưa thực sự phát triển, giao dịch bán hàng online còn nhiều hạn chế.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Văn Quế, Giám đốc HTX mỳ gạo Quế Hằng (Bắc Giang) cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX vẫn là mặt bằng sản xuất và vốn. Do thiếu vốn nên việc đầu tư thuê lao động trẻ, có chuyên môn về công nghệ cũng khó. Trong khi đa số thành viên HTX là người lớn tuổi, nếu có sử dụng điện thoại thông minh cũng khó bán hàng online chuyên nghiệp. “Chính vì vậy mà phần lớn sản phẩm của HTX chủ yếu là buôn bán cho các mối quen truyền thống”, ông Quế nói.
Còn theo bà Sơn Thị Lang, Giám đốc HTX Làng nghề Cờ Đỏ (Cần Thơ), các sản phẩm làng nghề, đặc biệt là mặt hàng thủ công mỹ nghệ có kích thước lớn hoặc đa dạng nên khó khăn trong khâu đóng gói, vận chuyển.
Bên cạnh đó, hạ tầng, dịch vụ trong thanh toán điện tử, vận chuyển chưa thực sự thuận tiện khiến người tiêu dùng có tâm lý e ngại khi mua hàng online. Ví dụ như việc sử dụng thẻ thanh toán đối với nhiều người tiêu dùng vẫn quá xa lạ.
Đặc biệt, các tin thương mại hiện nay vừa thiếu vừa thừa. Chẳng hạn như những thông tin chung chung thì rất nhiều, trong khi những thông tin cụ thể phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nhất là thông tin về xuất khẩu lại thiếu, gây khó khăn cho các HTX.
Đánh thức HTX làng nghề
Theo các chuyên gia, để tận dụng thương mại điện tử, các HTX làng nghề có thể sử dụng Facebook, Zalo, Instagram vì đến thời điểm hiện tại, các trang này chưa thu phí nên khi tham gia, HTX không phải đăng ký kinh doanh. Đi cùng với đó là lượng người theo dõi trên các trang này lớn nên tạo lượng khách tiềm năng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là giao dịch trực tuyến khiến cho người kinh doanh và khách hàng không hiểu biết rõ về đối phương, dẫn đến tình trạng lừa đảo. Ngoài ra, quá trình vận chuyển từ người bán đến người mua cũng gây ra một số bất cập như: Thời gian vận chuyển phụ thuộc vào đơn vị vận chuyển và những yếu tố khách quan như giao thông, thiên tai, dịch bệnh..., song khi hàng hóa bị giao chậm, khách hàng dễ từ chối nhận.
Vì thế, để tạo thuận lợi cho việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có khung pháp lý cụ thể cho kinh doanh trực tuyến, tránh những tranh chấp xảy.
Bên cạnh đó, các HTX hiện đang thiếu vốn, nhân lực, cơ sở hạ tầng nên vô hình trung đưa thương mại điện tử thành vấn đề xa lạ. Chính vì vậy, cần có giải pháp hỗ trợ như: đào tạo nâng lực cho đội ngũ thực thi, nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử. Qua đó, giúp các thành viên HTX thay đổi thói quen tập quán kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức hiện đại hơn, hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thị Hồi cho biết, hiện nay, HTX rất muốn xây dựng các gian hàng ảo để mở rộng đầu ra, thuận tiện liên kết với các doanh nghiệp. Nếu được tham gia các lớp học hoặc được hỗ trợ mở các gian hàng này sẽ giúp HTX có định hướng trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.
Còn theo Ts. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, để thu hút được khách hàng, nhất là khách online, các HTX cần tạo điểm nhấn về hình ảnh, mẫu mã. Bởi nếu sản xuất kinh doanh bằng thương mại điện tử mà sử dụng hình ảnh, mẫu mã của đơn vị khác thì chẳng khác nào "quảng cáo không công cho người ta” .
Huyền Trang