Thực chất trong quá trình giảm nghèo từ năm 2016-2020, điều kiện kinh tế - xã hội huyện Mộc Châu đã được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,74% xuống còn 4,53% vào năm 2020, giảm 7,8% so với năm 2016. Bản đặc biệt khó khăn giảm từ 43 bản xuống còn 28 bản, giảm 15 bản so với năm 2017. Xã đặc biệt khó khăn giảm từ 5 xuống còn 3 xã.
Phát huy thế mạnh với nông nghiệp hàng hóa
Để tiếp tục quá trình giảm nghèo, Mộc Châu vẫn định hướng nâng cao thu nhập cho người dân bằng việc hỗ trợ bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh nhằm phát huy thế mạnh địa phương.
Đặc biệt, huyện tiếp tục liên hệ với các hộ gia đình, HTX có mô hình nông nghiệp phát triển kinh tế tiêu biểu tại địa phương phối hợp tổ chức cho người dân tham quan học hỏi kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình có nhu cầu học mô hình nông nghiệp ngay tại địa phương. Nhờ đó, người dân được cầm tay chỉ việc, áp dụng khoa học vào sản xuất một cách cụ thể, hiệu quả. Đây cũng là nền tảng để huyện tiếp tục hình thành các mô hình kinh tế hàng hóa, nhất là các mô hình HTX.
Đầu năm 2022, HTX nông nghiệp hữu cơ Organic (xã Chiềng Sơn) đã được thành lập nhằm hướng đến mục tiêu kết nối các thành viên cùng nhau chia sẻ, học tập kinh nghiệm để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng tới xây dựng thương hiệu nông sản sạch.
Ông Đinh Xuân Hoài, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Organic cho biết, nông nghiệp Mộc Châu đang phát triển rất tốt và mạnh, trong đó có nhiều mô hình sạch. Mô hình này cũng đã thu hút được rất nhiều du khách đến với Mộc Châu tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp.
Đặc biệt, khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ tạo ra các sản phẩm sạch và giảm chi phí sản xuất, giảm bệnh tật cho người sản xuất và người tiêu dùng. Sản phẩm này cũng đang được thị trường ưa chuộng nên sẽ tạo ra giá trị kinh tế cao, giúp các hộ thành viên và hộ liên kết nâng cao thu nhập, làm giàu bền vững.
Hay như HTX Nông Xanh (thị trấn Nông trường Mộc Châu), tuy thành lập chưa lâu nhưng đã chú trọng liên kết với doanh nghiệp để thực hiện mô hình chuỗi cung ứng lạnh trong sản xuất rau an toàn.
Thông qua mối liên kết này, thành viên HTX được tham gia các lớp đào tạo kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch và vận hành kho lạnh. Hiện, HTX đã được hỗ trợ lắp đặt 3 kho lạnh 15 m², 8 kho lạnh 30 m², chuyển giao 2 xe tải lạnh cải tiến từ xe tải thùng phủ bạt; nhân rộng công nghệ CoolBot dự trữ và bảo quản rau màu bằng điều hòa.
Với công nghệ này, HTX sẽ cấp rau quả an toàn ra thị trường với chất lượng tốt, tươi ngon và giảm hao hụt vận chuyển cho người tiêu dùng ở thị trường bán lẻ Hà Nội.
Phát triển trồng rau theo hướng hàng hóa với sự dẫn dắt của HTX đang giúp người dân Mộc Châu nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. |
Có thể thấy, khai thác lợi thế về điều kiện khí hậu mát mẻ, các HTX đã đẩy mạnh phát triển mô hình trồng rau an toàn, rau hữu cơ theo chuỗi giá trị. Đến nay, toàn huyện đã có gần 180 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ với tổng diện tích sản xuất gần 1.100 ha và có khoảng 2.100 tổ chức, cá nhân là doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình thực hiện ủ phân hữu cơ vi sinh tại vườn với khối lượng khoảng trên 4.200 tấn. Gần 3.000 cơ sở sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt.
Việc tích cực sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững không chỉ cung cấp cho thị trường các sản phẩm nông sản sạch, an toàn mà góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm nông sản Mộc Châu trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, thông qua các mô hình kinh tế hàng hóa, thu nhập và đời sống của người dân đã được nâng lên, góp phần không nhỏ vào quá trình giảm nghèo của huyện.
Ông Đinh Xuân Hoài cho biết, nếu có đầu ra, sản xuất bảo đảm chất lượng, nghề trồng rau mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên HTX, với mức thu bình quân từ 500-600 triệu đồng/ha/năm. Hiện, đã có không ít hộ gia đình có kinh tế khá giả nhờ trồng rau sạch.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, đang là thành viên HTX rau an toàn Tự Nhiên (xã Đông Sang) chia sẻ, gia đình anh có 6.000 m² đất trước đây trồng ngô cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm. Từ ngày tham gia HTX, chuyển sang trồng rau sạch theo quy trình VietGAP, trung bình mỗi năm, gia đình anh thu khoảng 10 tấn su hào, 40 tấn bắp cải, 5 tấn cà chua... Sau khi trừ các khoản chi phí, anh thu lãi hơn 200 triệu đồng. Đời sống gia đình cũng ổn định hơn mà không phải đi làm ăn xa.
Tạo bước chuyển mạnh mẽ
Có thể thấy, việc tận dụng thế mạnh tự nhiên cũng như nhận thấy tầm quan trọng của mô hình kinh tế tập thể đã giúp Mộc Châu ngày càng phát triển, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
So với ngày đầu thực hiện chương trình giảm nghèo, đến nay, hầu như xã nào trong huyện cũng có một đến 2 HTX hoặc tổ hợp tác. Các HTX đã tận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, liên kết với ngành chức năng hỗ trợ các hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, buôn bán, nuôi con ăn học, nâng cao mức thu nhập, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững.
Các HTX trồng rau an toàn hoạt động hiệu quả cũng nhờ một phần chính quyền huyện những năm qua luôn tập trung vận động nhân dân khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương phát triển sản xuất. Đi liền với đó, huyện đang đẩy mạnh làm đường giao thông, tạo thuận lợi cho người dân, HTX đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau, trồng hoa quả mang lại cho người dân thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Chỉ riêng tại xã Đông Sang hiện đã có 1 HTX, 3 tổ hợp tác với trên 200 hộ dân tham gia trồng hơn 60 ha rau. Cây rau trở thành một trong những cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo thống kê của UBND huyện, đến hết năm 2021, toàn huyện có 7/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,74% năm 2016 xuống còn 4,98% năm 2021.
Trong mục tiêu phát triển kinh tế, huyện hướng đến năm 2025 sẽ tiếp tục nâng cao thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm; ít nhất mỗi bản có 1 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả thông qua mô hình HTX; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,85%.
Để làm được điều này, ngoài thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, huyện Mộc Châu đang tập trung huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo bước chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thành viên HTX phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Tùng Lâm