Mặc dù là nước nông nghiệp nhưng bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam lại đang chiếm tỷ trọng nhỏ.
Các bên đều chưa mặn mà
Khảo sát tại một số tỉnh, thành phố về thực trạng tham gia bảo hiểm nông nghiệp cho thấy số lượng hộ nông dân, thành viên HTX tham gia bảo hiểm nông nghiệp còn thấp, chỉ có 4,5% số hộ, thành viên HTX đã từng tham gia, còn lại 95,5% chưa từng tham gia.
Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra, đó là do tập quán của nông dân, HTX chưa có thói quen mua bảo hiểm nông nghiệp. Đối với nông dân, mua bảo hiểm nông nghiệp không phải để đề phòng khi rủi ro trong sản xuất mà còn làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận.
Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam được đánh giá là còn rất nhiều dư địa để phát triển nhưng lại luôn rơi vào tình trạng cung và cầu khó gặp nhau.
Chẳng hạn như nông dân, HTX dù muốn mua bảo hiểm nông nghiệp nhưng bị cản trở bởi phí đóng bảo hiểm cao, trong khi hỗ trợ của Nhà nước nhỏ giọt. Các điều kiện để được hưởng bảo hiểm vẫn rất phức tạp, các khâu giải quyết bồi thường bảo hiểm thường chậm, thủ tục phiền hà, gây nhiều khó khăn cho người dân, HTX khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Còn đối với các doanh nghiệp làm dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp, dù quan tâm đến loại hình này nhưng hầu như họ hoạt động không có lãi do không kiểm soát được rủi ro. Nguyên nhân là các doanh nghiệp này chưa đề xuất được một hình thức bảo hiểm phù hợp với điều kiện kinh tế đang có nhiều thay đổi ở Việt Nam. Cách tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm chủ yếu theo đối tượng là cây trồng, vật nuôi nên dễ phát sinh chi phí cho công ty bảo hiểm, đồng thời còn tạo sự bực bội cho người mua. Và đây cũng là nút thắt của ngành nông nghiệp trong suốt nhiều năm qua.
Tôm sú là một trong những đối tượng nuôi được hưởng hỗ trợ theo chính sách bảo hiểm nông nghiệp hiện nay. |
Về chính sách của Nhà nước, ngoài Nghị định 58/2018/NĐ-CP, mới đây, Nhà nước đã có Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2025. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Liên (Hiệp Hội thực phẩm Minh Bạch), dù đã có bổ sung thêm đối tượng được hưởng thụ và mở rộng thêm địa bàn áp dụng nhưng nhìn chung các quy định trong quyết định này cũng chưa tạo được sự đột phá.
Chẳng hạn như đối tượng cây trồng là rau xanh và gia cầm đang được không ít người dân, HTX chăn nuôi theo chuỗi nhưng lại chưa nằm trong các đối tượng hưởng thụ. Trong khi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp lại cho rằng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp đa dạng và trên diện rộng làm cho công tác quản lý rủi ro dễ phát sinh nhiều khó khăn.
Để cung-cầu gặp nhau
Có thể thấy, các dịch vụ về bảo hiểm nông nghiệp hiện nay được người dân, HTX, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý tiếp cận theo kiểu truyền thống. Nghĩa là các hợp đồng được ký kết theo từng loại cây, con. Và người tham gia phải xác định giá trị thiệt hại mới cho ra giá trị bồi thường.
Theo các chuyên gia, chính điều này đã gây bất cập trong quá trình triển khai và không mang lại hiệu quả trong suốt thời gian qua. Người dân, HTX phải làm các thủ tục chứng minh bị thiệt hại. Trong khi các phương pháp đánh giá thiệt hại hiện nay chủ yếu mang tính định tính nên xảy ra tình trạng bên tham gia và bên cung cấp dịch vụ không tin tưởng lẫn nhau, dẫn đến bồi thường thiệt hại không thỏa đáng. Bên cạnh đó, các khâu xác định thiệt hại chưa khoa học còn khiến cả bên cung lẫn bên cầu mất thời gian, tốn thêm nhiều chi phí.
Chính vì vậy để giải quyết điểm nghẽn này, cần có cách tiếp cận mới, khoa học hơn. Nhìn trên thế giới, cụ thể ở nước Úc cho thấy, thị trường bảo hiểm nông nghiệp rất phát triển. Hầu hết người dân, HTX ở đây đều tham gia bảo hiểm. Có thể, thị trường tài chính của Úc phát triển đi liền với ruộng đồng được quy hoạch theo quy mô lớn nên quá trình triển khai bảo hiểm nông nghiệp thuận lợi hơn Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm nổi bật ở đây chính là thay vì tiếp cận bảo hiểm theo từng loại cây trồng, vật nuôi, Úc lại thực hiện rất thành công mô hình bảo hiểm bão dựa trên vệ tinh, tức là ứng dụng công nghệ để xác định thiệt hại.
Chẳng hạn một cơn bão đi qua nơi sản xuất kinh doanh của HTX (được xác định trên tọa độ vệ tinh), tự động trên app bảo hiểm sẽ gửi câu hỏi với nội dung HTX có đòi bồi thường không? Lúc đó, HTX chỉ cần bấm đồng ý, công ty bảo hiểm thanh toán tiền vào tài khoản mà không cần phải tốn nhiều bước xác định tổn thất. Điều cần là vị trí sản xuất của HTX nằm đúng trong vùng bão và tọa độ càng rộng thì phí bồi thường càng cao? Như vậy, việc mua-bán bảo hiểm rất minh bạch, cơ chế mua-trả rõ ràng nên thuận lợi hơn cho người dân, HTX.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Liên, điểm mới ở dịch vụ bảo hiểm này chính là thực hiện theo từng loại hình rủi ro: loại hình thời tiết (bão, lụt, hạn..) thay vì tiếp cận theo đối tượng cây, con như Việt Nam. Ví dụ bảo hiểm loại hình hạn hán thì tất cả các loại cây, con trong vùng bị hạn hán đều được hưởng. Chính vì vậy, hạn chế được nhiều nút thắt trong quá trình thực hiện cho cả bên mua, bên bán và bên quản lý.
Đặc biệt, bảo hiểm nông nghiệp công nghệ cho phép người mua được quyền chọn mức độ bồi thường, phạm vi bảo hiểm, phạm vi đóng phí nên người dân, HTX chủ động hơn. Và chỉ cần lựa chọn mức độ bồi thường phù hợp thì phạm vi bảo hiểm, phí bảo hiểm cũng tự động chạy mà không cần phải mất thời gian kiểm tra, đánh giá thiệt hại. Từ đó HTX không mất phí và thời gian đánh giá thiệt hại. Còn doanh nghiệp bán bảo hiểm cũng không sợ người dân, HTX "ăn gian" từ đó cung cầu dễ gặp nhau.
Điều quan trọng là người dân, HTX phải thông minh hơn, phải nắm bắt được công nghệ, theo dõi thời tiết để biết thời tiết diễn ra theo hướng nào để đi đến lựa chọn giá trị, loại hình bảo hiểm mình định tham gia.
Tuy nhiên, để ứng dụng được ở Việt Nam, theo các chuyên gia trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp bán bảo hiểm cần kết hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện quyền và lợi ích chính đáng cho người dân, HTX như Liên minh HTX Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam… Các tổ chức này sẽ có những định hướng, hỗ trợ về nâng cao công nghệ cũng như có thể đề nghị Nhà nước hỗ trợ một phần phí tham gia bảo hiểm cho người dân, HTX.
Trên thực tế các nước như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha... triển khai thành công bảo hiểm nông nghiệp là có sự hỗ trợ đắc lực trong việc đóng phí, trong khi khó khăn của bảo hiểm nông nghiệp hiện nay cũng phần lớn là do tiền phí cao.
Do đó, nếu Nhà nước hỗ trợ một phần nào đó cho người dân, HTX về đóng phí bảo hiểm cũng chính là giúp người dân hạn chế rủi ro thiên tai. Khi hạn chế được các rủi ro từ thiên tai cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước bớt đi rất nhiều chi phí khắc phục thiệt hại, giải quyết các vấn đề an sinh sau bão lũ, từ đó thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Làm được điều này cả nông dân, HTX doanh nghiệp và Nhà nước cùng được lợi.
Huyền Trang