Trước yêu cầu của thực tế, ngày 7/10/2022, Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm chủ lực HTX được tổ chức tại tỉnh Thái Bình, đã thu hút hàng chục tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng cùng bàn cách mở rộng thị trường cho nông sản của HTX, Liên hiệp HTX.
Nhiều chuyển biến quan trọng
Mặc dù dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát, song hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ tại các địa phương đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện linh hoạt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống, đặc biệt là sự nỗ lực của các HTX, cùng các chính sách đồng hành của các cơ quan quản lý và địa phương, hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã có những chuyển biến tích cực.
Hội nghị quy tụ hàng chục tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng cùng bàn giải pháp kết nối cung cầu cho sản phẩm chủ lực của HTX, Liên hiệp HTX. |
Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình, cho biết hoạt động kết nối cung cầu của các HTX trên địa bàn đang được đặc biệt chú trọng.
Cụ thể, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để các HTX nông nghiệp tăng cường liên kết chuỗi hàng Việt gắn với quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu thụ hàng nông sản ổn định, không đứt gãy do tác động của dịch bệnh.
Thái Bình cũng chủ động nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm của các HTX, liên hiệp HTX với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại. Tăng cường cung cấp thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng tìm hiểu và yên tâm sử dụng sản phẩm.
Cùng với đó, tỉnh cũng tích cực vận động các đơn vị thành viên tham gia chương trình kết nối cung-cầu, tiêu thụ hàng hóa do HTX sản xuất theo chuỗi cung ứng dựa trên chương trình số 503/CTr-LMHTXVN ngày 04/8/2021 của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hay các nền tảng sàn giao dịch Viettel, VNPT, siêu thị Go!Thái Bình… Tổ chức xúc tiến, giới thiệu sản phẩm của các HTX tại tỉnh Lào Cai, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang...
Toàn tỉnh Thái Bình có trên 254 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, toàn tỉnh có 29 HTX, các HTX thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo quy định của Nhà nước, góp phần giảm chi phí đầu vào; một số HTX đứng ra làm dịch vụ đầu mối, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Tuy còn ở mức độ khác nhau song các HTX đã chủ động vươn lên, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên, tạo việc làm ổn định và bền vững cho các thành viên.
Tỉnh Thái Bình cũng đang có 1 Liên hiệp HTX là Liên hiệp HTX nông dược Thái Bình. Đây là mô hình liên hiệp HTX thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, có 04 HTX, 01 doanh nghiệp thành viên, tổng số lao động là 200 người, vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Liên hiệp HTX nông dược Thái Bình phát huy tốt vai trò liên kết, hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống người lao động trong các HTX thành viên.
Bên cạnh đó, đến nay tỉnh Thái Bình có 64 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao, 4 sao. Trong đó, một số sản phẩm được công nhận mang bản sắc riêng của vùng quê lúa, có thương hiệu trên thị trường cả nước như mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy Thiên Đức, cây phát lộc Minh Tân...
Một số sản phẩm là hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt có những sản phẩm gạo mang thương hiệu Thái Bình như gạo nếp cái hoa vàng Thụy Ninh, gạo nếp bể làng Keo, gạo chợ Gốc. Sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ làm từ cói Tây An - Tiền Hải. Nhiều sản phẩm của Thái Bình sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, dán tem OCOP đã đưa vào tiêu thụ ổn định trong các công ty, cửa hàng, siêu thị. Tiêu biểu như sản phẩm trứng vịt biển, thịt vịt biển Đông Xuyên đã đưa vào tiêu thụ tại 26 cửa hàng, siêu thị ở 16 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Liên kết để gia tăng sức mạnh
Không chỉ ở các cấp quản lý, những năm qua, các HTX, Liên hiệp HTX trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng đã có những nỗ lực rất lớn trong việc đẩy mạnh kết nối cung cầu để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản xuất cho thành viên, người dân liên kết.
Điển hình như tại HTX kinh dịch vụ nông nghiệp Vũ An (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đơn vị đã chủ động phát huy thế mạnh địa phương, trọng tâm vào " một cây, một con, một việc", đồng thời hình thành các vùng chuyên canh lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Ông Nguyễn Quang Thế, Giám đốc HTX Vũ An (huyện Hưng Hà), cho biết đến nay đơn vị đang có hơn 217 ha sản xuất, thu hút gần 1.400 thành viên và người lao động. Hàng năm, HTX ký hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm chủ lực như rau chân vịt, ngô ngọt, đậu tương, dưa gang… cho thành viên, đảm bảo thu nhập 3-5 triệu đồng sào/vụ (3-4 vụ/năm). Nhờ sản xuất khoa học, làm tốt công tác kết nối cung cầu, giá trị canh tác của HTX luôn ở mức cao, điển hình như dưa gang và đậu tương của đơn vị đang ở mức 600-900 triệu đồng/vụ.
Tương tự, HTX dịch vụ nông nghiệp Điệp Nông cũng đang triển khai nhiều giải pháp kết nối cung cầu, đem lại những lợi ích tích cực cho thành viên, nông dân liên kết. Thành công nổi bật nhất của HTX là thiết lập mối quan hệ “cộng hưởng” hai bên cùng có lợi với doanh nghiệp.
Ông Khương Minh Duyên, Giám đốc HTX Điệp Nông, chia sẻ đến nay UBND xã và HTX đã xây dựng 7 vùng sản xuất với tổng diện tích canh tác trên 528ha. Điểm tựa về nội lực giúp HTX tự tin liên kết với 3 doanh nghiệp có uy tín, từ đó đảm bảo tiêu thụ 5-7 mặt hàng chủ lực cho thành viên.
Không chỉ có những hợp đồng tiêu thụ lớn, việc liên kết với doanh nghiệp giúp thành viên HTX được hưởng lợi hàng loạt chi phí đầu vào, như 100% cung ứng giống chất lượng cao, 20-30% giá giống, tập huấn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh…
“Nhờ chuỗi liên kết, có hợp đồng rõ ràng, nên ngay từ đầu nông dân đã biết mình trồng bào nhiêu, giá bán thế nào để cân nhắc diện tích… tạo ra sự tự tin trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, để kết nối được với các đối tác tiêu thụ, HTX phải tự mình nâng cao uy tín, nâng cao chất lượng sản phẩm, bằng mọi giá phải làm ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường”, ông Duyên nói.
Dù đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận hoạt động mở rộng thị trường tiêu thụ của các HTX đến nay vẫn phải đối diện với nhiều thách thức.
Cũng có thể kể đến HTX dệt đũi Nam Cao, sau 10 xây dựng thương hiệu, nỗ lực kết nối cung cầu trong và ngoài nước, đến nay đơn vị đã hình thành được chuỗi cung cấp sản phẩm, với 2 chi nhánh tại Hà Nội, 23 đại lý và cộng tác viên cùng mạng lưới bán lẻ online trên facebook, zalo, shopee, tiktok…
Để thực hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, HTX Nam Cao xác định khâu sản xuất là quan trọng nhất. Các sản phẩm của HTX được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, chuẩn chỉ, thống nhất. Mỗi khâu đều được ghi nhật ký…
Nhờ những chiến lược phát triển thông minh, chú trọng sản xuất chất lượng cao, kết nối cung cầu, năm 2021 doanh thu HTX đạt xấp xỉ 1,8 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2021. Thời gian tới HTX tiếp tục chú trọng nâng cao kỹ thuật sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng mới và mở rộng các chuỗi tiêu thụ, xây dựng HTX gắn kết với cộng đồng và phát triển bền vững.
Dù đã đạt được nhiều thành công ấn tượng, song cần phải thẳng thắn thừa nhận, trên mặt bằng chung, sức cạnh tranh của HTX còn chưa thực sự mạnh, chuỗi kết nối cung cầu còn ít và lỏng lẻo. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, đồng hành của địa phương, cơ quan quản lý, thì bản thân các HTX cần tiếp tục nỗ lực, chủ động tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ, phát huy thế mạnh tại địa phương để từ đó nâng cao vị thế, gia tăng sức cạnh tranh, phát triển nhanh và mạnh hơn.
Trong khuôn khổ hội nghị, tỉnh Thái Bình tổ chức các gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu của các HTX các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Hồng. |
Đồng thời, các HTX cũng ký kết bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp, siêu thị, sàn thương mại uy tín. |
Hiến Nguyễn