Đến nay, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), KTTT, HTX ở An Giang đã “khoác chiếc áo mới”, bên cạnh đó cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, chất lượng, giáo dục, y tế hiện đại, mang lại sự hài lòng cho nhân dân. Đến năm 2025, An Giang phấn đấu 100% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 tiếp tục giữ vững tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định và có 75% các ấp trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn bộ tiêu chí “Ấp nông thôn mới”.
KTTT, HTX gắn chặt với NTM
TS. Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX phát triển mạnh về số lượng, chất lượng; mở ra nhiều dịch vụ mới, phục vụ và mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên HTX và nông dân; từng bước hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; qua đó tăng cường niềm tin của người dân về KTTT, HTX.
Khu vực KTTT, HTX ở An Giang có nhiều đổi thay rõ rệt từ chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 274 Hợp tác xã (HTX) và 02 Liên hiệp HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực, trong đó: có 254 HTX đang hoạt động (chiếm 92,7%) và 20 HTX nông nghiệp (NN) yếu kém, ngưng hoạt động. Toàn tỉnh, có 960 Tổ hợp tác (THT) trong lĩnh vực NN. Tổng vốn điều lệ HTX là 3.664 tỷ đồng; doanh thu bình quân 5.500 triệu đồng/HTX/năm. Tổng số thành viên của các HTX, THT trên toàn tỉnh là 154.936 thành viên; có 6.795 lao động làm việc thường xuyên khu vực HTX, với thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều HTX kiểu mới và phát triển theo hướng tăng cường liên kết với doanh nghiệp. Điển hình như Tập đoàn Lộc Trời đã kết hợp cùng các sở, ngành của tỉnh và ủy ban nhân dân các xã tổ chức vận động nông dân cùng hợp tác để thành lập mới 24 HTX nông nghiệp trong vùng nguyên liệu của tập đoàn.
Tập đoàn Lộc Trời đã cử nhân sự tham gia ban lãnh đạo của các HTX để phụ trách hoạt động kinh doanh, cử đội ngũ “ba cùng” (cùng ăn - cùng ở - cùng làm) phối hợp với hội đồng quản trị HTX hướng dẫn thành viên HTX về kỹ thuật, quy trình canh tác theo hướng hiện đại, khoa học.
HTX An Phước Lộc ở xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn) chính thức thành lập tháng 4/2022 với 24 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, HTX triển khai phương án sản xuất - kinh doanh, hướng dẫn thành viên liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và DN khác. Vụ hè thu 2022, HTX liên kết sản xuất 430ha giống OM18 và OM5451, liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Đó là các mô hình “truyền thống”, “bao lợi nhuận”, “không dấu chân”, “truyền thống nâng cao”.
Ông Cao Văn Tiền (Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX An Phước Lộc) cho biết, các mô hình đều được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và thu mua nông sản với giá thỏa thuận, bước đầu tạo được niềm tin trong thành viên, hội viên nông dân khu vực. “Mô hình không dấu chân” trên mặt ruộng có thể xem là tiêu biểu cho sản xuất tập trung theo định hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp. Vụ hè thu 2022, HTX có 2 thành viên thực hiện mô hình đối chứng trên 6ha.
Sẽ sớm hoàn thành các mục tiêu
Năm 2023, là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và điều kiện để duy trì mức tăng trưởng, trung tuần tháng Tám vừa qua, UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch phát triển KTTT, HTX năm 2023.
Theo đó, An Giang đặt mục tiêu phát triển KTTT, HTX gắn với xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; tiếp tục củng cố, đổi mới toàn diện các HTX, tập trung các nguồn lực hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để HTX phát huy tính tự chủ, tự lập và nâng cao năng lực nội tại để hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đến năm 2025, An Giang phấn đấu 100% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 tiếp tục giữ vững tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định và có 75% các ấp trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn bộ tiêu chí “Ấp nông thôn mới”. |
Tiếp tục hỗ trợ phát triển 05 HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 167/QĐ-TTg, ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025.
Tỉnh sẽ thành lập mới 31 HTX (bao gồm phát triển 27 HTXNN với số lượng thành viên tham gia khoảng 15.000 thành viên). Trong đó, có hơn 50% HTX hoạt động từ loại khá trở lên; có 24% tỷ lệ cán bộ quản lý HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học và 15% đạt trình độ trung cấp, sơ cấp.
Có 100% HTX đang hoạt động được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật HTX năm 2012. Doanh thu bình quân của người lao động trong HTX đạt 3.100 triệu đồng/năm. Nâng chất 4% THT hiện có của tỉnh để phát triển lên HTX.
Trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, An Giang phấn đấu có thêm 28 xã đạt xã nông thôn mới. Bình quân toàn tỉnh có trên 75% trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã nông thôn mới đạt 90 triệu đồng/người/năm. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 0,5%/năm.
Tỉnh An Giang cũng kỳ vọng đến 2025, tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch 95%, nước hợp vệ sinh 100%.
Dự kiến tổng nhu cầu vốn dự kiến đầu tư công của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 6.500 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách trung ương hơn 1.700 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh gần 3.800 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện hơn 1.100 tỷ đồng và vốn huy động từ các nguồn lực xã hội.
Với những quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chắc chắn các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó có KTTT, HTX và NTM của tỉnh An Giang sẽ sớm cán đích.
Ngô Anh