HTX Nông nghiệp sản xuất thương mại dịch vụ Phước An (TP HCM), chuyên sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Lãnh đạo HTX xác định bên cạnh siêu thị, các bếp ăn tập thể thì chợ truyền thống là kênh tiêu thụ lớn, tiềm năng để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của thành viên. Tưởng chừng đó là điều hiển nhiên và dễ dàng với HTX vì đây là kênh tiêu thụ đã có từ lâu, không đòi hỏi nhiều yêu cầu cao. Tuy nhiên, đối với HTX Phước An thì ngược lại, đến nay, việc đưa rau vào các chợ truyền thống gặp rất nhiều khó khăn.
Hạn chế trong khâu vận chuyển
Hay như HTX nông nghiệp Đông Dư (Hà Nội) chuyên sản xuất ổi, rau gia vị. Sản phẩm của HTX có 20-30% nông sản tiêu thụ tại các siêu thị, 40% cung cấp cho các bếp ăn tập thể, còn lại khoảng 30% là các thành viên tự bán nhỏ lẹ tại các chợ truyền thống. Chính vì vậy, mong muốn của HTX là ngoài đưa nông sản vào các siêu thị có thể đưa hàng vào các chợ truyền thống nhưng theo hướng liên kết bền vững hơn.
Theo đại diện của một số HTX sản xuất nông sản an toàn, việc đưa nông sản vào các chợ truyền thống đã được các đơn vị này thực hiện nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, rau an toàn vẫn chưa được đưa nhiều vào chợ.
Ông Đào Văn Đức, Phó Giám đốc HTX Phước An cho biết, các thành viên HTX đã nhiều lần trực tiếp gặp gỡ tiểu thương, ban quản lý chợ để bàn bạc, tìm phương án đưa rau sạch vào chợ truyền thống. Thế nhưng, khó khăn HTX gặp phải là các tiểu thương ở các chợ khác nhau nhưng đều yêu cầu HTX phải giao hàng cùng một khung giờ nhất định (5-6 giờ sáng mỗi ngày). Dù sớm hơn hay muộn hơn thì họ cũng không nhận.
Chợ truyền thống vẫn là kênh mua sắm của nhiều người tiêu dùng và cũng là đầu ra phù hợp cho các HTX. |
Điều này là cả một vấn đề bởi lực lượng lao động tại HTX còn khiêm tốn. Xe chở hàng của HTX phải tập trung vào việc giao nông sản cho các siêu thị, bếp ăn tập thể. Còn các chợ thì ở nhiều địa điểm khác nhau, có chợ ở trong nội thành, có chợ ở ngoại thành nên HTX không thể đáp ứng được khung giờ giao hàng mà phía tiểu thương yêu cầu.
“Nếu HTX đầu tư thêm 1-2 xe nhỏ thì đi kèm với đó là chi phí thuê người lao động, xăng xe... nhưng cũng khó có thể cùng một khung giờ mà có mặt ở tất cả các chợ được”, ông Đức cho biết.
Trong khi đó, HTX Đông Dư đã tiếp cận với các chợ truyền thống nhưng do sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nên khách hàng... chê rau và ổi của HTX không bắt mắt, giá cao. Tiểu thương thì ra điều kiện chỉ có thể thu mua hàng của HTX bằng với giá các loại nông sản sản xuất không theo quy trình an toàn.
Bên cạnh đó, đặc thù sản phẩm của HTX là dễ dập nát, phải ăn ngay trong khi đó công nghệ vận chuyển, bảo quản còn hạn chế. Hơn nữa, nếu trải qua các công đoạn như sơ chế, đóng gói thì giá sản phẩm lại cao hơn giá hàng hóa cùng loại tại các chợ. Còn nếu chấp nhận bán với giá thu mua của thương lái tại chợ thì không bảo đảm được lợi nhuận.
Tận dụng cơ hội
Theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Còn theo Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm.
Điều này cho thấy, bán hàng qua các kênh truyền thống vẫn là hướng đi quan trọng, hiệu quả giúp HTX mở rộng và bảo đảm đầu ra. Đặc biệt, dịch Covid-19 xảy ra đã cho thấy, nếu chỉ có kênh bán hàng hiện đại sẽ không thể đáp ứng được vấn đề cung ứng, tiêu thụ nông sản, hàng hóa.
Bà Nguyễn Thị Tân Lộc (Viện Nghiên cứu Rau quả) cho biết, chỉ tính riêng Hà Nội đã có 8 chợ lớn chuyên bán buôn, 411 chợ bán lẻ, ngoài ra còn có 7.000 người bán rong. Mỗi ngày, các chợ này thu hút khoảng 5.000 lượt xe chở hàng, giúp tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản mỗi ngày. Chính vì vậy, ngoài tập trung đưa hàng đi xuất khẩu và tiêu thụ tại các siêu thị, các HTX nên quan tâm đến các chợ truyền thống. Đặc biệt, hiện nay, người dân có tâm lý không yên tâm khi sử dụng hàng hóa Trung Quốc. Đây chính là cơ hội để các HTX đưa hàng hóa vào hệ thống chợ truyền thống.
Tuy nhiên, theo bà Lộc, thời gian qua, nhiều hàng Việt chưa vào được chợ truyền thống là bởi tiểu thương và HTX chưa "bắt tay" được với nhau. Một phần vì nguồn hàng sản xuất hiện rất phong phú, dồi dào nên tiểu thương chưa thực sự cần, còn HTX chưa thực sự mặn mà và đầu tư để đưa hàng vào các chợ truyền thống.
Để đưa nông sản vào chợ truyền thống, bà Lộc cho rằng, HTX nếu sản xuất với sản lượng lớn thì nên chú trọng đến các chợ đầu mối. Lúc này, việc giao hàng sẽ tập trung hơn, giúp bảo đảm được yếu tố thời gian, hạn chế phải đi lại. Và ngược lại, tiểu thương tại các chợ đầu mối sẽ phân phối hàng hóa về các chợ truyền thống ở các vùng khác nhau vì họ đã có sẵn đầu mối tại các chợ. Việc làm này sẽ giúp HTX tiết kiệm chi phí về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực.
Ngoài ra, HTX có thể tận dụng lực lượng thương lái. Theo bà Lộc, không nên xem nhẹ lực lượng này bởi trong mùa dịch vừa qua, thương lái đã có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phân phối, tiêu thụ hàng hóa. Và HTX cũng có thể liên kết với lực lượng này nếu như chưa có điều kiện đầu tư xe vận chuyển, thuê người lao động.
Từng là mô hình tận dụng thành công kênh tiêu thụ hiện đại và chợ truyền thống, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc HTX Rau an toàn Việt (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) cho biết, HTX bám trụ tại chợ truyền thống là nhờ liên kết chặt chẽ với ban quản lý chợ để ký hợp đồng thuê khu bán hàng lâu dài với chi phí hợp lý. Ngoài ra, HTX có những buổi tặng hàng để người tiêu dùng sử dụng thử sản phẩm . Đây là những cách thu hút khách hàng, hạn chế chi phí, từ đó giúp HTX tiêu thụ 2/3 lượng nông sản của các thành viên.
“Đưa nông sản vào chợ có ưu điểm là giao dịch theo kiểu "tiền tươi thóc thật" nên tạo thuận lợi cho HTX quay vòng nguồn vốn. Đây là điểm khác biệt khi làm ăn với các siêu thị và các bếp ăn tập thể”, bà Lan chia sẻ.
Huyền Trang